Mặc dù tuổi cao nhưng ông Phan Văn Nở, khu phố 3, phường Đông Hải (Tp. Phan Rang - Tháp Chàm phải nuôi thêm 2 cháu ngoại sớm mồ côi mẹ nên cuộc sống của gia đình ông ngày càng chật vật, khó khăn. Biết đối tượng đủ điều kiện hưởng chế độ trợ cấp bảo trợ xã hội, anh Lê Trần Công Luật, cộng tác viên (CTV) CTXH phường Đông Hải cùng với chính quyền địa phương đến gia đình xác minh, hướng dẫn đối tượng kê khai, hoàn thiện hồ sơ hưởng trợ cấp hằng tháng cho 2 bé mồ côi. Cùng với đó, anh còn vận động các mạnh thường quân hỗ trợ trên 70 triệu đồng tiền mặt nhằm giúp ông Nở có thêm kinh phí trang trải sinh hoạt. Hoàn cảnh của ông Phan Văn Nở chỉ là một trong số hàng trăm hoàn cảnh được anh Công Luật kết nối, trợ giúp. Hơn 8 năm gắn bó với "nghề" CTXH, anh Công Luật tích cực vận động, kết nối mạnh thường quân giúp đỡ nhiều hoàn cảnh đặc biệt khó khăn với nguồn kinh phí trên 2 tỷ đồng. Ngoài ra, anh còn hỗ trợ đưa các đối tượng ăn xin, lang thang tập trung ở Trung tâm CTXH tỉnh. Để không bỏ sót đối tượng, anh Luật thường xuyên bám sát cơ sở rà soát, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, đời sống của đối tượng yếu thế, kịp thời hỗ trợ.
Nhân viên y tế Trung tâm Công tác xã hội tỉnh chăm sóc bệnh nhân.
Với những việc làm “không tên” của đội ngũ CTV làm CTXH như anh Công Luật đã góp phần cùng với các cấp chính quyền tuyên truyền, tư vấn, giúp đỡ các đối tượng yếu thế lập hồ sơ hưởng chính sách của Nhà nước; thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội. Vất vả là vậy nhưng với anh niềm vui lớn nhất chính là mang lại nhiều điều tốt đẹp cho người yếu thế. Anh chia sẻ: Làm nghề này chẳng bao giờ có khái niệm ngày nghỉ vì nhiều hôm thứ bảy, chủ nhật tôi cũng phải đi cơ sở hướng dẫn người dân làm hồ sơ để hưởng trợ cấp, hay nắm bắt nhu cầu của các đối tượng…Tuy vất vả nhưng khi mỗi hoàn cảnh được “tiếp sức” tôi thấy rất vui. Hơn thế, trước mỗi mảnh đời khó khăn tôi thầm cảm phục trước nghị lực, tinh thần vượt khó của đối tượng, từ đó tự hoàn thiện bản thân mình hơn”.
Vào nghề từ năm 2015, đến nay anh Trịnh Quốc Cường, nhân viên Trung tâm CTXH tỉnh (Trung tâm) đã quá quen thuộc với tiếng la hét, rồi cười ngặt nghẽo, những câu nói vô nghĩa, ánh mắt vô hồn... của những bệnh nhân (BN) tâm thần. Anh Cường chia sẻ: Ban đầu, khi tiếp xúc với những BN tâm thần, tôi cũng lo lắm nhưng sau đó dần quen. Hầu hết BN tâm thần tại đây đều có hoàn cảnh rất đáng thương, có người vô gia cư, có người còn người thân nhưng bị xa lánh, ít được quan tâm,... Vì thế, ngoài tinh thần trách nhiệm, càng tiếp xúc, gần gũi, chăm sóc họ, tôi càng cảm thông, chia sẻ và học được cách làm bạn với người bị bệnh tâm thần.
Công việc tại Trung tâm rất đặc thù, nhân viên không chỉ chăm lo, hướng dẫn cho BN về việc ăn uống, ngủ nghỉ, vệ sinh cá nhân mà còn phải học cách yêu thương, sẻ chia với họ. Ngoài mắc bệnh tâm thần, các đối tượng này còn mắc các bệnh khác như tim mạch, huyết áp, đái tháo đường, ung thư... Để giúp BN đảm bảo sức khỏe, anh Cường phải nhớ rõ tình trạng bệnh của từng BN để có chế độ chăm sóc phù hợp. Trong trường hợp BN tâm thần nhập viện, hầu hết gia đình đều “khoán trắng” cho Trung tâm nên các nhân viên phải thay nhau vào bệnh viện chăm nuôi. Với những BN tâm thần nặng, khi lên cơn bệnh còn ném đồ, chửi bới thậm chí đánh cả nhân viên. Khó khăn là vậy nhưng anh luôn thấu hiểu đằng sau những cơn kích động của BN là sự cô đơn, là sự đớn đau thân thể... do vậy anh vẫn cố gắng vượt qua, bám trụ với nghề, tận tình chăm sóc BN giúp họ an tâm điều trị, sớm có điều kiện trở lại hòa nhập cộng đồng.
CTXH là một trong những nghề mang tính đặc thù. Với những người làm "nghề" CTXH, nếu không vì cái tâm thì khó có thể cống hiến hết mình cho cộng đồng, nhưng hiện nay chế độ đãi ngộ nghề đối với họ còn thấp, chưa tương xứng. Trong đó, anh Luật, anh Cường là ví dụ điển hình. Mong rằng, thời gian tới, các cấp, ngành, địa phương cần nghiên cứu có chế độ hỗ trợ cho những người làm "nghề" CTXH; tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nhằm phát huy tốt hơn vai trò của "nghề" CTXH trong cộng đồng.
Mỹ Dung