Ngành Ngân hàng thực hiện có kết quả Nghị quyết 11 của Chính phủ

Theo số liệu tổng hợp từ Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, ở lĩnh vực sản xuất, kinh doanh số dư nợ ước đến thời điểm cuối quý II, đạt 4.400 tỷ đồng, chiếm gần 84,3% so với tổng dư nợ, tăng 8,32% so với năm 2010.

(NTO) Trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế trong cả nước và của tỉnh, nhưng hoạt động ngành Ngân hàng tỉnh tiếp tục ổn định và có tăng trưởng. Qua 3 tháng triển khai quyết liệt các giải pháp thực hiện Nghị quyết 11/NQ-CP và Chỉ thị 01/CT-NHNN, ngành Ngân hàng tỉnh ta đã bước đầu thực hiện có kết quả việc kiềm chế lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội và an toàn hệ thống ngân hàng.

Nhân viên Ngân hàng Sacombank giao dịch với khách hàng. Ảnh: Văn Miên

Chỉ tiêu đầu tư tín dụng tập trung cho lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, hạn chế cho vay phi sản xuất đã được thực hiện hết sức nghiêm túc. Theo số liệu tổng hợp từ Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, ở lĩnh vực sản xuất, kinh doanh số dư nợ ước đến thời điểm cuối quý II, đạt 4.400 tỷ đồng, chiếm gần 84,3% so với tổng dư nợ, tăng 8,32% so với năm 2010. Cụ thể, nông – lâm nghiệp-thủy sản có số dư nợ 1.280 tỷ đồng, chiếm 24,52%; thương mại-dịch vụ chiếm 42,34%, với 2.210 tỷ đồng. Riêng công nghiệp-xây dựng có số dư nợ 910 tỷ đồng, chiếm 17,43%, giảm 4,11% so với 2010. Lý giải cho sự sụt giảm này, ngành ngân hàng cho rằng, việc đầu tư tín dụng giảm chủ yếu ở xây dựng do chủ trương tạm ngừng khởi công các dự án mới, giãn tiến độ các công trình xây dựng nhằm thực hiện kiềm chế lạm phát. Còn đối với việc tăng trưởng tín dụng cho lĩnh vực nông-lâm nghiệp-thủy sản 6 tháng đầu năm 2011 tương đối thấp so với cuối năm 2010 là do nguồn vốn hỗ trợ của trung ương cho vay phát triển nông nghiệp nông thôn theo Nghị định 41 và cho vay khắc phục lũ lụt phần lớn đã được giải ngân trong năm 2010. Bên cạnh đó, cho vay đánh bắt hải sản gặp nhiều khó khăn do ngư trường không thuận lợi, cộng với giá xăng dầu tăng cao, số lượng tàu thuyền nằm bờ nhiều; sản xuất muối hạn chế do khó khăn về tiêu thụ.

Hoạt động tín dụng tại Ngân hàng Vietcombank.
Trong 6 tháng đầu năm, tổng sản phẩm nội tỉnh (GDP) ước đạt 1.405 tỷ đồng, tăng 8,6% so với cùng kỳ. Giá trị gia tăng các ngành: nông, lâm nghiệp tăng 5,4%, thuỷ sản tăng 3,9%; công nghiệp-xây dựng tăng 15,3%; dịch vụ tăng 8,6%.

Đối với dư nợ lĩnh vực phi sản xuất, thời điểm cuối năm 2010 là 788 tỷ đồng, chiếm 16,18% tổng dư nợ. Tính đến nay, con số này đã giảm xuống còn 15,71%. Các tổ chức tín dụng (TCTD) đã xây dựng và thực hiện kế hoạch đầu tư tín dụng cho nền kinh tế theo chỉ đạo của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước, tăng cường thu nợ và hạn chế cho vay ra, tỷ trọng dư nợ cho vay phi sản xuất đến cuối tháng 5-2011 là 15,69% và ước thực hiện đến 30-6-2011 dưới 16%, đảm bảo theo yêu cầu (dưới 21%). Đối với các chương trình cho vay thực hiện an sinh xã hội của Ngân hàng Chính sách xã hội, trên cơ sở tranh thủ sớm các nguồn vốn được giao theo kế hoạch, ngân hàng đã cho các đối tượng trong tỉnh vay với tổng dư nợ đến cuối tháng 6-2011 ước đạt 930 tỷ đồng, tăng 6,53%. Trong đó dư nợ theo các chương trình cho vay đối với: hộ nghèo 344 tỷ đồng; giải quyết việc làm 57 tỷ đồng; học sinh, sinh viên 311,20 tỷ đồng; xuất khẩu lao động 1,5 tỷ đồng; hộ gia đình sản xuất-kinh doanh vùng khó khăn 92,5 tỷ đồng; nước sạch và vệ sinh môi trường 80,5 tỷ đồng; hộ đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn 7 tỷ đồng; hộ nghèo về nhà ở 31 tỷ đồng; thương nhân hoạt động thương mại vùng khó khăn 5,3 tỷ đồng. Về thực hiện lãi suất huy động và cho vay của các tổ chức tín dụng trên địa bàn, các ngân hàng thương mại thực hiện khá nghiêm túc việc niêm yết và thực hiện theo niêm yết lãi suất huy động và cho vay. Lãi suất huy động VNĐ ở mức 14%/năm (trả lãi sau và bao gồm khuyến mại), lãi suất cho vay trong lĩnh vực nông nghiệp-nông thôn, xuất khẩu ở mức 15,5% -16,5%; đối với các lĩnh vực sản xuất-kinh doanh khác từ 17% đến 19%/năm; đối với lĩnh vực phi sản xuất từ 19,5% đến 22,2%/năm.

Trong thời gian tới, ngành ngân hàng tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện tốt Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ và Chỉ thị 01/CT-NHNN Ngân hàng Nhà nước. Thêm vào đó, luôn đảm bảo thực hiện tốt chủ trương cho hộ nghèo, học sinh, sinh viên vay theo các chương trình an sinh xã hội. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát các ngân hàng thương mại trên địa bàn trong việc thực hiện các quy định mức lãi suất huy động bằng đô-la Mỹ; chấm dứt huy động và cho vay vốn bằng vàng của các tổ chức tín dụng.