Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã được Quốc hội khóa XII thông qua ngày 17/11/2010.
Chính sách khoan hồng, nhân đạo của Nhà nước đối với người chấp hành án
Ngày 17/11/2010, tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XII đã thông qua Luật thi hành án hình sự, đánh dấu bước phát triển quan trọng trong hoạt động lập pháp của Nhà nước Việt Nam nói chung, trong lĩnh vực thi hành án hình sự nói riêng, thể hiện chính sách khoan hồng, nhân đạo của Nhà nước đối với người chấp hành án, góp phần đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp, cải cách hành chính cũng như bảo đảm tốt hơn quyền tự do, dân chủ của công dân.
Luật thi hành án hình sự gồm 15 chương, 182 điều. Một trong những điểm mới của Luật Thi hành án hình sự là việc thay đổi hình thức thi hành án tử hình. Theo Luật, thay vì xử bắn như hiện nay, người chấp hành án tử hình sẽ bị tiêm thuốc độc.
Đây là hình thức thi hành án tử hình có nhiều ưu điểm hơn trong việc khắc phục những bất cập hiện nay trong thi hành án tử hình. Trước khi thi hành án, thân nhân hoặc người đại diện hợp pháp của người bị thi hành án tử hình được gửi đơn đến Chánh án Tòa án đã xét xử sơ thẩm đề nghị giải quyết cho nhận tử thi về an táng và phải cam kết bảo đảm yêu cầu về an ninh trật tự, vệ sinh môi trường và tự chịu chi phí.
Bên cạnh đó, Luật còn quy định rất rõ chế độ khen thưởng đối với phạm nhân, cụ thể trong thời gian chấp hành án phạt tù, phạm nhân chấp hành tốt nội quy, quy chế trại giam, có thành tích trong lao động hoặc lập công thì được khen thưởng theo một hoặc nhiều hình thức biểu dương; thưởng tiền hoặc hiện vật; tăng số lần được liên lạc bằng điện thoại, số lần gặp thân nhân, số lần và số lượng quà được nhận.
Xã hội hóa công tác bảo vệ người tiêu dùng
Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã được Quốc hội khóa XII thông qua ngày 17/11/2010. So với quy định trước đây, Luật có những điểm tiến bộ rõ rệt, trong đó đáng chú ý là Luật quy định về các hành vi bị cấm trong lĩnh vực bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Bên cạnh đó, khắc phục những bất cập trong Pháp lệnh bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 1999 trong vấn đề kiểm soát hợp đồng mẫu, điều kiện giao dịch chung, Luật yêu cầu tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thuộc Danh mục hàng hóa, dịch vụ thiết yếu do Thủ tướng Chính phủ ban hành phải đăng ký hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền có thể tự mình hoặc theo đề nghị của người tiêu dùng, yêu cầu tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ hủy bỏ hoặc sửa đổi hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung trong trường hợp phát hiện hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung vi phạm quyền lợi của người tiêu dùng.
Luật cũng đã có riêng một chương quy định các phương thức giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ, bao gồm thương lượng; hòa giải; trọng tài và tòa án. Đặc biệt, khi thực hiện khởi kiện để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, người tiêu dùng không có nghĩa vụ chứng minh lỗi của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ và miễn tạm ứng án phí…
Mặt khác, Luật cũng xác định vị trí, vai trò của tổ chức xã hội trong bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng như quyền khởi kiện vì lợi ích cộng đồng của tổ chức bảo vệ người tiêu dùng. Tổ chức này cũng được Nhà nước cấp kinh phí và các điều kiện khác khi thực hiện nhiệm vụ được cơ quan nhà nước.
Bảo đảm an toàn xã hội, sức khỏe cộng đồng
Tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XII đã thông qua Luật An toàn thực phẩm. Luật gồm 11 chương và 72 điều, quy định quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân trong vấn đề bảo đảm an toàn thực phẩm.
Việc ban hành Luật để thay thế Pháp lệnh Vệ sinh an toàn thực phẩm năm 2003 là hết sức cần thiết, góp phần bảo vệ tốt hơn sức khỏe, tính mạng của nhân dân, góp phần phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, đáp ứng yêu cầu hội nhập với các nước trong khu vực và trên thế giới, thực hiện thành công sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân.
Luật có nhiều điểm mới như quy định các nguyên tắc quản lý an toàn thực phẩm, đặc biệt là trách nhiệm đầu tiên của người sản xuất kinh doanh; quản lý an toàn thực phẩm theo quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật; quản lý an toàn thực phẩm phải đảm bảo phân công, phân cấp rõ ràng và phối hợp liên ngành.
Chương III của Luật quy định điều kiện bảo đảm an toàn đối với thực phẩm (từ điều 10 đến điều 18) là một chương hoàn toàn mới so với Pháp lệnh Vệ sinh an toàn thực phẩm. Chương này quy định dù là sản phẩm ở dạng nào cũng phải bảo đảm các điều kiện chung nhất. Ngoài các điều kiện chung (điều 10), đối với các nhóm thực phẩm cụ thể, đặc thù như thực phẩm tươi sống, thực phẩm đã qua chế biến, thực phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng... cần phải bảo đảm thêm một số điều kiện riêng.
Một điểm khác biệt hơn so với Pháp lệnh Vệ sinh an toàn thực phẩm là Luật đã quy định riêng đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ và giao bộ chuyên ngành quy định điều kiện phù hợp và khả thi cho từng loại hình.
Thức ăn đường phố là một loại hình kinh doanh đặc biệt và hiện là đối tượng gây ngộ độc thực phẩm cao nhất, vì vậy Luật đã đưa ra một mục riêng quy định về điều kiện bảo đảm an toàn trong kinh doanh thức ăn đường phố.
Nếu như Pháp lệnh quy định Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩn trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm là vô thời hạn thì Luật quy định giấy này chỉ có giá trị trong 3 năm.
Để quản lý tốt về an toàn thực phẩm, Luật quy định phải tiến hành các hoạt động phân tích nguy cơ đối với an toàn thực phẩm, bao gồm đánh giá nguy cơ, quản lý nguy cơ và truyền thông về nguy cơ. Luật cũng đưa ra các quy định về điều kiện an toàn đối với thực phẩm xuất khẩu cũng như những yêu cầu trong trường hợp có yêu cầu từ phía nước nhập khẩu./.
Nguồn TTXVN