Năm học 2022-2023, Trung tâm đón 69 học sinh (HS), chia thành 6 lớp gồm lớp khiếm thính; lớp tự kỷ; lớp khuyết tật trí tuệ và 3 lớp can thiệp sớm và phát triển kỹ năng cơ bản. Mỗi em có một hoàn cảnh, sở thích, cá tính... khác nhau nên việc dạy dỗ, chăm sóc không hề dễ dàng. Do vậy, giáo viên phải biên soạn giáo án “đặc biệt” phù hợp với năng lực, nhu cầu, kiểu học, cách học của mỗi trẻ, góp phần cải thiện các lĩnh vực nhận thức, quan hệ xã hội, ngôn ngữ, tự phục vụ...
Cô giáo Nguyễn Thị Năng giảng dạy ngôn ngữ ký hiệu cho học sinh lớp khiếm thính.
Gần 6 năm gắn bó với Trung tâm, cô giáo Nguyễn Thị Năng, giáo viên dạy lớp khiếm thính chia sẻ: Dạy trẻ khiếm khuyết, giáo viên cần xây dựng bài giảng chi tiết, lặp đi lặp lại để trẻ hiểu; từng động tác, lời nói hướng dẫn phải chậm rãi để trẻ dễ ghi nhớ. Hành trình hòa nhập mỗi trẻ khác nhau, tùy theo mỗi dạng tật mà có trẻ tiếp thu nhanh, có trẻ cả một thời gian dài không chuyển biến... Trong kế hoạch bài giảng của giáo viên không có khái niệm thời gian hoàn thành nội dung dạy và học, thậm chí một nội dung bài học có thể kéo dài đến 2 tuần. Để nâng cao hiệu quả giảng dạy, tùy từng em HS, cô giáo áp dụng các phương pháp dạy học phù hợp với từng loại tật, mức độ tật khác nhau; khai thác và sử dụng tốt các thiết bị, đồ dùng dạy học... Cùng với đó, các cô còn là những “người bạn” kịp thời chia sẻ tâm tư, động viên giúp các em bày tỏ nhu cầu, cảm xúc mình mong muốn.
Nhờ ân cần dạy dỗ, sau thời gian theo học phần lớn HS ở Trung tâm đã biết giữ gìn vệ sinh cá nhân, vệ sinh lớp học, biết bảo quản sách vở, đồ dùng học tập, nghe lời dạy bảo của cô giáo. Từ những đứa trẻ nhút nhát, tự ti, các em đã mạnh dạn giao tiếp với cô giáo, vui đùa cùng bạn bè và mọi người xung quanh. Đối với trẻ khiếm thính, giờ đây, các em có thể sử dụng ký hiệu để học văn hóa, kể chuyện, giao tiếp dễ dàng hơn. Từ năm 2020 đến nay, Trung tâm hỗ trợ, giúp 3 HS ra học hòa nhập tại các Trường Tiểu học (TH) Vĩnh Thuận, TH Phú Quý 1, TH-THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm. Để đạt được kết quả trên, Trung tâm chú trọng nâng cao chất lượng dạy và học trong chương trình can thiệp sớm; tăng cường các hoạt động dạy kỹ năng sống và kỹ năng độc lập, giáo dục giới tính cho nhóm trẻ lớn; kết nối với các nhà hảo tâm, các doanh nghiệp trong việc hỗ trợ các trẻ có hoàn cảnh gia đình khó khăn. Trước mỗi năm học, đội ngũ giáo viên nhà trường đều tham gia tập huấn về kiến thức, kỹ năng, cập nhật những phương pháp mới trong cách tiếp cận và hỗ trợ TKT.
Trung tâm ngày càng khẳng định vai trò, chức năng, trở thành địa chỉ giáo dục được nhiều phụ huynh tin cậy, gửi gắm con em. Không ngại đường xa, mỗi ngày, phụ huynh đều đặn đưa con đến Trung tâm để học tập, vui chơi cùng bạn bè, rèn luyện kỹ năng... Chị Lê Yến Vi, phụ huynh em Cao Tuấn Anh chia sẻ: Nhà tôi ở phường Bảo An (Tp. Phan Rang- Tháp Chàm) nhưng vợ chồng tôi vẫn thay nhau đưa cháu đến Trung tâm học tập mỗi ngày. Sau quá trình học ở đây cháu tiến bộ rõ rệt, nhận thức và sử dụng thành thạo các kỹ năng cơ bản; giao tiếp với mọi người nhiều hơn. Từ khi biết đến Trung tâm, việc can thiệp cho con thuận lợi và đỡ tốn kém hơn nhiều.
Không chỉ chăm sóc, giáo dục TKT tại đơn vị, hằng năm Trung tâm còn thực hiện các hoạt động hỗ trợ trực tiếp 15 trường hợp từ cấp học mầm non, TH đến THCS trong toàn tỉnh và trang bị cho 5 gia đình có TKT những kiến thức cần thiết để chăm sóc, luyện tập và nuôi dạy trẻ tốt hơn để sớm hòa nhập cộng đồng.
Để giúp TKT sớm hòa nhập cộng đồng, rất cần sự quan tâm, phối hợp của các cấp, các ngành, gia đình, nhà trường và xã hội cùng chăm sóc, giáo dục, từng bước giúp các em khắc phục sự khiếm khuyết về thể chất và trí tuệ, phát huy tối đa khả năng của bản thân; giảm phụ thuộc gia đình. Từ đó, có cơ hội việc làm và tham gia vào các hoạt động xã hội khi trưởng thành.
Mỹ Dung