Ứng dụng công nghệ thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển bền vững

Qua hơn 3 năm thực hiện Quyết định số 331/QĐ-UBND của UBND tỉnh phê duyệt Đề án triển khai các nhiệm vụ nghiên cứu, ứng dụng, đổi mới công nghệ phát triển các sản phẩm trọng điểm, chủ lực có lợi thế của tỉnh Ninh Thuận trong lĩnh vực nông - lâm - ngư nghiệp và công nghiệp chế biến thành các sản phẩm có chất lượng tốt, quy mô lớn, có sức cạnh tranh trên thị trường phục vụ nội tiêu và xuất khẩu (Đề án), Đề án đã đạt được những kết quả nhất định, một số đề tài áp dụng vào thực tiễn, góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển bền vững.

Đề án gồm 23 định hướng nghiên cứu, ứng dụng, đổi mới công nghệ cho 5 nhóm sản phẩm trọng điểm, chủ lực: Nhóm nuôi trồng thủy sản (ưu tiên con tôm, tôm giống, nuôi biển); nhóm cây ăn quả (ưu tiên cây nho, táo); nhóm rau hoa và dược liệu (ưu tiên cây măng tây, tỏi, cây dược liệu); nhóm chăn nuôi (ưu tiên con cừu, dê); nhóm hỗ trợ về sở hữu trí tuệ, tiêu chuẩn, hệ thống quản lý chất lượng sản phẩm, mã số, mã vạch, tem điện tử thông minh, phát triển thị trường,... Để hỗ trợ Ninh Thuận triển khai Đề án, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã thảo luận với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và tổ chức đoàn công tác làm việc với các đơn vị chức năng của tỉnh về việc triển khai các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, đổi mới công nghệ phục vụ phát triển mạnh mẽ các sản phẩm chủ lực của địa phương.

Người dân ở thôn Đắc Nhơn, xã Nhơn Sơn (Ninh Sơn) thu hoạch
nho giống NH04-102. Ảnh: Phan Bình

Kết quả đến nay, đã có 15/23 định hướng nhiệm vụ đã được phê duyệt triển khai hoặc đã triển khai đối với 7 sản phẩm đặc thù của tỉnh: Nho, táo, tỏi, măng tây xanh, nha đam, cây dược liệu, cừu. Bộ KH&CN đã triển khai hỗ trợ tỉnh các nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia để phát triển các thế mạnh của tỉnh. Cụ thể, nhóm nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia cấp thiết địa phương 3 nhiệm vụ với tổng kinh phí thực hiện là 22 tỷ đồng, tập trung cho nhóm sản phẩm nho, táo, măng tây xanh. Nhóm nhiệm vụ thuộc chương trình nông thôn và miền núi 4 dự án ứng dụng với tổng kinh phí thực hiện khoảng 25 tỷ đồng, tập trung đưa các tiến bộ kỹ thuật đến người dân nhằm tạo sinh kế từ các loại vật nuôi, cây trồng mới, tạo thu nhập cho người dân vùng nông thôn, miền núi và đồng bào dân tộc thiểu số. Tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn, đào tạo về năng suất chất lượng, hỗ trợ tư vấn áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng, công cụ cải tiến năng suất, giới thiệu chiến lược quốc gia cho 7 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Các đề tài, dự án KH&CN triển khai thành công trên cơ sở hợp tác, liên kết Nhà nước - nhà nông - nhà khoa học - doanh nghiệp, gồm: Dự án nghiên cứu và ứng dụng KH&CN trong xây dựng mô hình liên kết sản xuất nho rượu gắn với chế biến vang nho tại Ninh Thuận và Lâm Đồng; Ứng dụng công nghệ nuôi cấy Invitro nhân nhanh giống nha đam sạch bệnh và xây dựng mô hình sản xuất chuyên canh cây nha đam phục vụ phát triển vùng nguyên liệu tại tỉnh Ninh Thuận. Các đề tài, dự án KH&CN triển khai thành công trên cơ sở hợp tác, liên kết các đơn vị KH&CN trong tỉnh - đơn vị chuyển giao công nghệ ngoài tỉnh - các hộ sản xuất, người dân, gồm: Ứng dụng tiến bộ KH&CN xây dựng một số mô hình nuôi thủy sản phù hợp nhằm tạo sinh kế bền vững cho người dân ở các xã ven Đầm Nại (Ninh Hải). Ứng dụng tiến bộ KH&CN trong chăn nuôi bò hướng thịt tại các xã khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Ninh Thuận.

Để tiếp tục thực hiện Đề án có hiệu quả trong thời gian tới, UBND tỉnh đề nghị Bộ KH&CN ưu tiên phân bố, đầu tư phát triển mạng lưới tổ chức KH&CN công lập trên địa bàn tỉnh đáp ứng mục tiêu là có đủ năng lực KH&CN phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, như: Nâng cao năng lực kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm, đầu tư trang thiết bị phòng thí nghiệm, thông tin KH&CN. Đầu tư xây dựng, thành lập tại tỉnh các chi nhánh, trung tâm, cơ sở nghiên cứu thuộc các viện nghiên cứu do Bộ KH&CN quản lý như: Trung tâm nghiên cứu, thực nghiệm và phát triển công nghệ, ứng dụng năng lượng tái tạo, năng lượng sạch; khu thử nghiệm và phát triển công nghệ; khu trưng bày công nghệ và sàn giao dịch công nghệ; trung tâm nghiên cứu và phát triển giống tôm. Phối hợp với tỉnh để xem xét, đề xuất với các bộ, ngành liên quan tăng kinh phí đầu tư từ ngân sách cho KH&CN của tỉnh; ưu tiên xác định, phê duyệt, phân bổ nguồn kinh phí trung ương để tổ chức triển khai tại tỉnh các nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia. Thành lập các Hội đồng KH&CN tư vấn xác định nhiệm vụ, tuyển chọn cấp nhà nước để xét duyệt chuyên đề về các nhiệm vụ KH&CN cần thực hiện theo Nghị quyết số 115/NQ-CP ngày 31/8/2018 của Chính phủ về thực hiện một số cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ tỉnh Ninh Thuận phát triển kinh tế - xã hội, ổn định sản xuất, đời sống nhân dân giai đoạn 2018-2023 đến năm 2025 và bố trí riêng kinh phí cho nhóm này. Hỗ trợ tỉnh đăng ký nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý cho ít nhất một sản phẩm nông nghiệp tiềm năng xuất khẩu vào thị trường nước ngoài trọng điểm,