Đưa nước về vùng hạn

Ninh Thuận là vùng đất khô hạn nhất cả nước, khí hậu nắng nóng, gió nhiều, lượng mưa rất thấp, nhưng sau 31 năm tái lập tỉnh (1992-2023), được trung ương và tỉnh đầu tư hệ thống thủy lợi, trong đó điểm nhấn là hệ thống thủy lợi Tân Mỹ được hoàn thành và đưa vào vận hành, góp phần quan trọng trong việc đưa nước về tưới mát những cánh đồng khô hạn.

Nhờ hưởng lợi từ hệ thống thủy lợi Tân Mỹ, nhiều vùng đất khô hạn của xã Mỹ Sơn (Ninh Sơn) được hồi sinh,
cây trồng phát triển xanh tốt.

Giữa cái nắng tháng Tư, chúng tôi về cánh đồng Chà Vum của thôn Lương Tri, xã Nhơn Sơn (Ninh Sơn). Vùng đất có diện tích trên 300 ha, trước đây chỉ trồng được một vụ lúa rồi lại cày ải, phơi đất trắng đồng vì thiếu nước sản xuất đến nay đã đổi thay. Người dân không còn thấp thỏm lo thiếu nước tưới trong mùa nắng hạn. Dòng nước mát của hệ thống thủy lợi Tân Mỹ không những giúp bà con chủ động nước tưới quanh năm, canh tác lúa 3 vụ/năm hiệu quả, mà còn cải tạo, mở rộng phát triển các loại cây hoa màu, mía, cỏ chăn nuôi... Ông Đạo Văn Truyền, thôn Lương Tri, phấn khởi chia sẻ: Cánh đồng Chà Vum lúc trước chỉ canh tác được 1 vụ lúa phụ thuộc vào nước trời, mùa được, mùa không. Từ ngày có hệ thống thủy lợi dẫn nước về tận chân ruộng, việc sản xuất có tính chủ động nên năng suất cây trồng tăng cao, bà con nơi đây ai cũng vui mừng cày xới đất để làm lại, không còn bỏ đất như trước.

Cũng là địa phương được hưởng lợi từ hệ thống thủy lợi Tân Mỹ, xã Phước Trung (Bác Ái), nơi trước kia được ví như vùng “tâm hạn” của tỉnh. Sau khi tuyến kênh TN9, TN11, TN13 thuộc hệ thống thủy lợi Tân Mỹ được đấu nối đã giúp gần 40 ha đất sản xuất ở thôn Đồng Dày được “hồi sinh”. Hiện nay đang bước vào mùa khô, nhưng nắng hạn đã không còn là nỗi lo thường trực của người dân nơi đây, vùng đất vì thiếu nước sản xuất đã được phủ xanh bạt ngàn với cánh đồng bắp, lúa, đậu... Chị Mang Thị Mơ ở thôn Đồng Dày, xã Phước Trung (Bác Ái), chia sẻ: Trước đây khu vực này sản xuất rất khó khăn, ruộng rẫy bỏ hoang nhiều. Có năm bước vào mùa khô hạn, bắp đang vào thời kỳ đậu trái nhưng không có nước tưới chết trắng ngoài đồng, đành phải cắt về cho bò ăn. Kể từ khi có nước hồ Tân Mỹ đã giúp nhiều diện tích đất chủ động nước tưới, bà con yên tâm cải tạo trồng trọt trở lại. Như hiện tại đã vào mùa khô, nhưng 3 sào bắp nếp trồng gần 2 tháng của gia đình vẫn phát triển xanh tốt, dự kiến sẽ đạt năng suất cao.

Xã Mỹ Sơn (Ninh Sơn) là địa phương nằm đầu nguồn nước của hệ thống thủy lợi Tân Mỹ. Khi hệ thống thủy lợi Tân Mỹ hoàn thành đã phát huy hiệu quả chủ động nước tưới cho hơn 1.600 ha đất canh tác. Là lớp người đầu tiên dẫn nước từ kênh nhánh về đất sản xuất, ông Trần Dương Hảo, thôn Mỹ Hiệp, xã Mỹ Sơn (Ninh Sơn), cho biết: Từ hệ thống kênh nhánh, bà con đã có thể đấu nối ống trực tiếp về đất sản xuất, chủ động nước tưới mà không cần phải tốn máy bơm, chỉ cần mở van là nước đã đến chân ruộng. Công trình thủy lợi đã làm hồi sinh nhiều vùng đất khô cằn của địa phương. Nước đến đâu, màu xanh đến đó, nước về giúp người dân mạnh dạn đầu tư, phục hóa, mở rộng sản xuất. Gia đình ông Hảo canh tác 7 sào đất khổ qua, bí đỏ, dưa hồng canh, những năm trước không đủ nước tưới phải luân canh trồng đậu xanh, có vụ bỏ hoang đất. Nay, nhờ có nguồn nước dồi dào từ hệ thống kênh Tân Mỹ đưa về tận đồng ruộng, việc sản xuất của ông cũng như bà con nơi đây đã có tính chủ động, đảm bảo tưới tiêu giúp năng suất cây trồng tăng cao, thu nhập tăng lên đáng kể. Cùng chung niềm vui, bà Tà Yên Khoa, thôn Nha Húi, xã Mỹ Sơn (Ninh Sơn), chia sẻ: Trước đây gia đình canh tác 8 sào đất rất khó khăn, đào giếng dùng máy bơm tưới nước nhưng không đủ, có hôm thức trắng đêm để bơm nước từ suối khô lên rẫy rồi cũng chẳng thấm vào đâu. Giờ đây nhờ dòng nước tự chảy của hệ thống kênh Tân Mỹ vào tận chân ruộng, gia đình không chỉ chủ động được nguồn nước sản xuất cho diện tích đậu xanh, bắp lai mà còn giảm chi phí tiền điện, dầu máy bơm nước. Nước về bà con ai cũng phấn khởi thêm hăng say lao động sản xuất vươn lên làm giàu...

Hồ Sông Cái (Bác Ái) với sức chứa 219,8 triệu m3. Ảnh: Phan Bình

Hiện nay, toàn tỉnh có 22 hồ chứa nước, trong đó hệ thống thủy lợi Tân Mỹ được ví như "trái tim" của hệ thống thủy lợi Ninh Thuận và được xem là hệ thống thủy lợi có quy mô lớn nhất tỉnh từ trước tới nay. Hệ thống thủy lợi Tân Mỹ có công trình đập đầu mối gồm hồ Sông Cái với sức chứa 219,8 triệu m3. Hệ thống kênh tưới gồm có kênh chung Tân Mỹ dài 2.683 m, trên kênh có hồ điều hòa dung tích 284.600 m3 và bể áp lực ở cuối kênh. Kênh chính Tân Mỹ tổng chiều dài 29.642 m bằng ống thép có 8 nhà van vận hành và chia nước. Kênh nhánh cấp 1 Tân Mỹ gồm 30 kênh với tổng chiều dài 61.872 m. Ngoài nhiệm vụ tưới trực tiếp cho 7.480 ha đất, đảm bảo đủ nước cho 12.800 ha đất canh tác 3 vụ/năm, công trình có nhiệm vụ hết sức quan trọng là bổ sung nước cho các hệ thống thủy lợi thường xuyên bị thiếu nước bao gồm các hồ chứa Cho Mo, Ông Kinh, Sông Trâu, Bà Râu và đặc biệt là bổ sung nước cho hệ thống Nha Trinh - Lâm Cấm giúp Ninh Thuận chủ động nguồn nước phục vụ sản xuất, dân sinh, phát triển kinh tế liên vùng phía Bắc của tỉnh. Đồng thời, cấp nước sinh hoạt cho Nhà máy nước Phước Trung và Nhà máy nước An Hòa với tổng sản lượng khoảng 9.694 m3/ngày đêm.