Trong vụ đông - xuân, ngành chức năng đã triển khai một số mô hình trình diễn có hiệu quả, lợi nhuận cao gấp rưỡi so với sản xuất truyền thống. Trung tâm Khuyến nông tỉnh phối hợp với Công ty Cổ phần Đầu tư Green Stars triển khai mô hình trình diễn giống lúa mới chất lượng cao để bà con nông dân trong tỉnh tham quan, học tập. Mô hình sử dụng giống lúa ST25 kết hợp bón phân hữu cơ sinh học tại Trại sản xuất lúa An Xuân, xã Xuân Hải (Ninh Hải) với quy mô 1 ha. Trong quá trình sinh trưởng do ruộng gieo sạ thưa và được bón phân cân đối nên lúa ít bị sâu bệnh gây hại, năng suất khá cao, đạt hơn 6,3 tấn/ha, hiệu quả kinh tế cao hơn 1-1,2 lần so với ruộng đối chứng.
Nông dân xã Nhơn Hải (Ninh Hải) thu hoạch hành tím. Ảnh: Kha Hân
Ông Nguyễn Đức Thuận, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh, cho biết: Qua triển khai mô hình trình diễn cho thấy giống lúa ST25 có nhiều đặc tính nổi trội, thích nghi với khí hậu, thổ nhưỡng Ninh Thuận, là giống lúa có thời gian sinh trưởng trung bình, có chất lượng gạo ngon, sẽ là tiền đề quan trọng để các địa phương triển khai cho bà con nhân rộng mô hình trong thời gian tới, thay thế dần các giống lúa chất lượng thấp, góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân.
Đối với sản xuất hoa màu, các địa phương chủ động xây dựng kế hoạch sản xuất linh hoạt, điều chỉnh cơ cấu giống rau, củ, quả có thời gian bảo quản kéo dài, phù hợp thị trường, đảm bảo nhu cầu tiêu thụ rau tại địa phương, cung ứng ngoài tỉnh, chú trọng biện pháp luân canh mùa vụ, thiết kế hệ thống tưới hợp lý, quản lý dịch hại và bón phân cân đối.
Vụ đông - xuân xã Nhơn Hải (Ninh Hải) xuống giống 70 ha hành tím. Đến nay, cây hành đã cho thu hoạch, năng suất 1,2 tấn/sào, với giá bán dao động từ 35.000-42.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí hộ trồng thu lãi từ 10-12 triệu đồng/sào. Mô hình canh tác cây hành tím ngoài giá trị về mặt kinh tế còn tạo việc làm cho người dân tại địa phương, giải quyết được tình trạng bỏ hoang đất, giảm lượng nước tưới trên cây trồng. Qua thực hiện mô hình, nhận thức của người dân được nâng lên, tạo tiền đề cho việc thực hiện phương thức luân canh cây trồng nhằm đa dạng hóa sản phẩm, sử dụng hợp lý nguồn nước tưới trong điều kiện ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng hiệu quả sử dụng đất, giảm thiểu sâu bệnh hại, mang lại hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập và cải thiện môi trường trong nông nghiệp. Xã đang tuyên truyền, vận động nông dân mở rộng diện tích trong thời gian tới để gia tăng giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích; hình thành các vùng sản xuất chuyên canh, góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo hướng sản xuất hàng hóa bền vững.
Nông dân Ninh Phước trồng rau thủy canh đạt năng suất mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Văn Nỷ
Vụ đông - xuân toàn tỉnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng 371 ha; trong đó, chuyển đổi đất lúa 152,7 ha, đất khác 218,3 ha. Hoạt động chuyển đổi đi vào chiều sâu, có sự liên kết với doanh nghiệp trong tiêu thụ sản phẩm, mang lại nhiều lợi ích cho các bên tham gia chuỗi liên kết. Trong đó, huyện Ninh Hải đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng được 15,3 ha, riêng xã Phương Hải chuyển 5 ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây dưa lê lợi nhuận cao gấp 2,5 lần so với trồng lúa. Hiện nay, cây dưa lê của xã Phương Hải và cây bưởi da xanh xã Phước Bình (Bác Ái) được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiến hành lập hồ sơ đề nghị Cục Bảo vệ thực vật cấp mã số vùng trồng, mở hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp của người dân địa phương.
Ngoài những mô hình kể trên, còn có các mô hình trồng bắp lai ở xã Phước Vinh (Ninh Phước), mô hình sản xuất ngô sinh khối làm thức ăn gia súc ở xã Mỹ Sơn, Nhơn Sơn (Ninh Sơn), mô hình trồng bí hạt đậu công nghệ cao ở xã Phước Tân (Bác Ái)... cũng đạt được những kết quả nhất định. Để đẩy mạnh phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và hướng đến xuất khẩu một số sản phẩm nông nghiệp của tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức khảo sát thực tế, đánh giá kết quả một số mô hình để nhân rộng trong các vụ tới.
Anh Tùng