Thực hiện đồng bộ các giải pháp đảm bảo sản xuất vụ hè - thu năm 2023

Sản xuất vụ hè - thu 2023 khó khăn hơn vụ đông - xuân 2022 - 2023 do thời tiết diễn biến thất thường, nhiều khu vực thiếu nước phải ngưng trồng lúa chuyển sang canh tác các loại cây trồng cạn. Để sản xuất đạt hiệu quả, ngành Nông nghiệp khuyến cáo nông dân thực hiện đồng bộ các giải pháp về cơ cấu giống, khung lịch thời vụ; đồng thời, triển khai các mô hình có hiệu quả, nhất là mô hình “1 phải, 5 giảm” trên cây lúa, mô hình tưới tiết kiệm nước trên cây trồng cạn.

Báo cáo của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, đến trung tuần tháng 4, nông dân các địa phương trong tỉnh cơ bản thu hoạch xong vụ lúa đông – xuân 2022 -2023; đồng thời, tiến hành cày đất, chuẩn bị các điều kiện để xuống giống vụ hè - thu. Theo kế hoạch, toàn tỉnh sản xuất khoảng 23.539 ha; trong đó, cây lúa 12.867,74 ha, rau màu 10.231,85 ha và nuôi trồng thủy sản 439,47 ha.

Đối với sản xuất lúa, ngành Nông nghiệp khuyến cáo nông dân sử dụng các loại giống từ cấp xác nhận trở lên, giống ngắn ngày có năng suất cao, chống chịu sâu bệnh tốt, phù hợp với từng vùng và từng loại đất. Cơ cấu giống lúa đưa vào sản xuất được đánh giá kháng hoặc ít bị nhiễm rầy nâu, vàng lùn và lùn xoắn lá, dễ chăm sóc, năng suất và chất lượng cao như: ML202, ML214, CB3988, TH41 phục tráng, TH6, ML48, MT10, PY2, ĐH815-6, Q5, OM4900, OM6976, OM5451, ĐV108, An Sinh 1399, Đài Thơm 8, Hưng Long 555…

 

Nông dân Ninh Phước thu hoạch lúa vụ Đông-Xuân 2022 -2023 đạt sản lượng cao. Ảnh: Văn Nỷ

Đồng chí Phạm Dũng, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, cho rằng: Cùng với sử dụng giống cấp xác nhận, giống phục tráng, bà con cần kết hợp áp dụng kỹ thuật “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”; giảm lượng giống gieo sạ xuống mức 100 - 120 kg/ha; bón phân cân đối, hợp lý và hiệu quả; áp dụng tốt các giải pháp kỹ thuật phòng trừ dịch hại tổng hợp (IPM); quản lý nước trong ruộng lúa theo từng giai đoạn sinh trưởng và chủ động tưới theo quy trình ướt – khô xen kẽ nhằm tiết kiệm nước. Các địa phương cần có kế hoạch xuống giống tập trung, đồng loạt, né rầy cho từng vùng, từng cánh đồng. Theo đó, lúa gieo sạ từ ngày 1/5 đến ngày 10/6, chậm nhất không quá ngày 20/6.

Đối vối cây bắp, chú trọng đưa vào sản xuất các giống bắp lai: Thịnh Vượng 9999, NK7328, LVN10, SSC 557, SSC 2095, VN8960, HN68, HN88, bắp nếp lai MX10, bắp nếp lai CX 247, giống bắp nếp địa phương…; tập trung xuống giống từ đầu tháng 5 đến ngày 20/6. Cây đậu xanh sử dụng giống chất lượng tốt, chống chịu hạn, sâu bệnh như: HL 89-E3, HL28, ĐX 208 và một số giống có tiềm năng…; trồng từ đầu tháng 5 đến ngày 20/6. Cây mè sử dụng mè đen; trồng từ đầu tháng 5 đến ngày 20/6

Riêng rau các loại, tùy theo điều kiện cụ thể và chủng loại rau, tập quán canh tác để bố trí cây trồng hợp lý, định hướng tiêu thụ theo nhu cầu thị trường. Các huyện, thành phố có kế hoạch tăng cường hướng dẫn, tập huấn cho nông dân trồng rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Tùy chủng loại rau, trồng từ đầu tháng 5 đến tháng 6.

Để chủ động trong công tác triển khai và thực hiện sản xuất vụ hè - thu 2023 đạt hiệu quả cao, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị UBND các huyện, thành phố chỉ đạo các xã, phường, thị trấn khuyến cáo người dân sau khi thu hoạch xong cây trồng vụ đông - xuân, tiến hành cày ải sớm kết hợp nạo vét kênh mương nội đồng, vệ sinh đồng ruộng trước khi xuống giống. Tùy điều kiện cụ thể của mỗi địa phương, UBND các huyện, thành phố chỉ đạo bố trí lịch thời vụ gieo trồng cho phù hợp so với khung lịch thời vụ của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khuyến cáo. Tập trung xuống giống dứt điểm, đối với cây lúa không để tình trạng trên một xứ đồng tồn tại nhiều trà lúa do bố trí lệch vụ. Tiếp tục triển khai quyết liệt việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nhất là ở những vùng tưới không ổn định, vùng cuối kênh, khu vực tưới của các trạm bơm sang các loại cây trồng cạn, sử dụng ít nước phù hợp với điều kiện từng vùng và nhu cầu thị trường như rau đậu, bắp, cỏ chăn nuôi, cây ăn quả... nhằm tăng hiệu quả sản xuất.