(NTO) Gia đình được xem là tế bào của xã hội. Do vậy, tế bào mạnh sẽ thúc đẩy xã hội phát triển, ngược lại tế bào yếu sẽ khó tránh khỏi sự chông chênh… Xác định tầm quan trọng của gia đình và văn hóa gia đình, Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) của Đảng về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc đã nêu rõ: “Giữ gìn và phát huy những đạo lý tốt đẹp của gia đình Việt Nam – Nêu cao vai trò gương mẫu của các bậc cha mẹ…”.
Không những vậy, Nghị quyết Đại hội X của Đảng một lần nữa nhấn mạnh: “Phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam. Xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, thật sự là tổ ấm của mỗi người, là tế bào lành mạnh của xã hội…”. Được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, trong những năm qua các cấp ngành, địa phương và nhân dân trong tỉnh đã phấn đấu thực hiện việc xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc thông qua cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Xây dựng nếp sống văn minh và gia đình văn hóa”, phong trào “người tốt việc tốt”, “giúp nhau xóa đói giảm nghèo”… Mặt khác, các phong trào như phòng chống bạo lực gia đình, chống sự xâm nhập của tệ nạn xã hội vào gia đình… không ngừng được đẩy mạnh nhân rộng và nâng lên về chất. Kết quả cụ thể là hàng năm số gia đình được công nhận là gia đình văn hóa năm sau cao hơn năm trước. Điều cũng đáng quan tâm là nhận thức của người dân về xây dựng gia đình theo tiêu chí ít con, no ấm, tiến bộ, bình đẳng, hạnh phúc được nâng lên rõ rệt, từng bước đáp ứng với yêu cầu của sự phát triển và hội nhập đồng thời giữ gìn truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được vẫn còn nổi lên một số hạn chế như: một bộ phận gia đình thu nhập còn thấp, đời sống còn gặp nhiều khó khăn… nên chưa thật sự quan tâm đến xây dựng gia đình cũng như các hoạt động liên quan đến gia đình. Một bộ phận gia đình còn chưa thể hiện lòng yêu thương, kính trọng và quan tâm chăm sóc ông bà, cha mẹ, người thân trong gia đình. Việc giúp đỡ những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, nạn bạo hành trong gia đình… ở một số địa phương chưa giải quyết tốt…
Gia đình trong thời kỳ đổi mới hiện nay là một trong những động lực quan trọng thúc đẩy sự phát triển đất nước và xây dựng gia đình văn hóa là mục tiêu quan trọng, thường xuyên của công tác xây dựng đời sống văn hóa cơ sở. Do vậy, yêu cầu đặt ra là các cấp chính quyền, các tổ chức đoàn thể và nhân dân cần tiếp tục chú trọng và phát huy phong trào xây dựng gia đình văn hóa, gắn xây dựng những giá trị tiên tiến của gia đình trong xã hội phát triển với phát huy truyền thống của gia đình Việt Nam, theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII), qua đó đề cao trách nhiệm của mỗi gia đình trong việc xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc, bền vững.
Tuấn Dũng