Trưa 25-6, đại lộ Thăng Long (Hà Nội) như một dòng sông nhỏ sau cơn mưa rớt lại
do ảnh hưởng bão số 2 - Ảnh: Nam Khánh
Số nhà bị đổ sập là 30 nhà (Hải Phòng 28, Nghệ An 2), nhà hư hại là 952 nhà (Hải Phòng 891, Nghệ An 7, Nam Định 54). Bão số 2 cũng làm chín tàu thuyền bị chìm. Số tàu thuyền hỏng là 5 phương tiện (Nghệ An 2, Hà Tĩnh 1, Quảng Bình 2).
Đêm qua, tin từ xã An Lư, huyện Thủy Nguyên, TP Hải Phòng cho hay em Trần Văn Cương, nạn nhân bị thương nặng nhất ở xã do cơn lốc xoáy ngày 23-6 gây ra, đã tử vong vào chiều 24-6 tại Hà Nội. Theo người nhà, em Cương bị lốc xoáy cuốn cánh cổng đập vào đầu gây chấn thương sọ não nặng và gia đình phải chuyển em lên Hà Nội để phẫu thuật nhưng không qua khỏi.
Như vậy, do ảnh hưởng của cơn bão số 2, số người chết ở Hải Phòng đã lên đến bảy người, trong đó có bốn người bị sét đánh.
* Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn trung ương, chiều tối 24-6, sau khi đi vào vùng biển ven bờ các tỉnh Hải Phòng - Ninh Bình, bão số 2 đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Sáng sớm 25-6, áp thấp nhiệt đới đã suy yếu thành một vùng áp thấp trên đất liền tỉnh Thanh Hóa và di chuyển sang Lào.
Do ảnh hưởng của bão số 2, trong hai ngày qua ở các tỉnh từ Thanh Hóa đến Nghệ An đã có mưa vừa, mưa to đến rất to. Mưa lớn làm lũ các sông từ Thanh Hóa đến Nghệ An đang lên nhanh. Đến 16g30 chiều qua, lũ sông Yên và thượng nguồn sông Hiếu (Nghệ An) đã đạt đỉnh và đang xuống. Tuy nhiên, lũ hạ lưu sông Mã và sông Cả lên nhanh. Dự báo lũ trung hạ lưu sông Mã và sông Cả tiếp tục lên, tại Mường Xén có khả năng lên mức 145,5-146m, cao hơn đỉnh lũ lịch sử từ 3,5-4m. Cần đề phòng lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập úng ở vùng trũng thuộc tỉnh Nghệ An.
Chiều qua, Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão trung ương đã có công điện khẩn gửi các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh và ban chỉ huy phòng chống lụt bão các bộ Quốc phòng, Công an, Giao thông vận tải yêu cầu triển khai phương án phòng chống lũ đảm bảo an toàn đê điều theo cấp báo động. Trong đó đặc biệt quan tâm chỉ đạo đảm bảo an toàn cho hai cống đang thi công trên đê sông Lam, sông La là cống Nam Đàn - Nghệ An và cống Đức Xá - Hà Tĩnh. Chỉ đạo việc sơ tán dân ra khỏi vùng trũng thấp, ven sông suối, khu vực có khả năng xảy ra lũ quét, sạt lở đất, khu vực ngoài bãi sông...
* 13g ngày 25-6, tại huyện Kỳ Sơn (Nghệ An), nước đầu nguồn sông Nậm Mộ (một nhánh hợp thành sông Cả) đột ngột dâng cao khiến quốc lộ 7 từ khe Kiền đến thị trấn Mường Xén dài hàng chục cây số chìm sâu khoảng 1,5m, cắt đứt hệ thống giao thông tuyến đường này. Lúc 15g nước lũ đã chia cắt thị trấn Mường Xén thành ba ốc đảo, người dân phải đi lại bằng thuyền. Trụ sở UBND huyện, Huyện ủy Kỳ Sơn và cầu 8 bị ngập chìm trong nước lũ. Toàn huyện mất điện.
Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn Bùi Trầm cho biết đây là trận lũ chưa từng xảy ra ở Kỳ Sơn, vượt đỉnh lũ năm 2005 hơn 3m. Xe khách Tâm Tuấn đang trên đường xuống Vinh bị nước lũ ngăn lại trên quốc lộ 7 thuộc địa bàn xã Chiêu Lưu. Khi chiếc xe này đang chờ xe cẩu đến giải thoát thì bị lũ cuốn trôi. Rất may hơn 30 hành khách đã kịp rời xe chạy lên đồi cao.
Nguồn Báo Tuổi trẻ