Phan Quốc Anh (Giám đốc Sở VH-TT-DL)
(NTO) Con người sinh ra, ai cũng cần có một gia đình.
Trong giai đoạn phát triển hiện nay, gia đình đang là vấn đề được xã hội quan tâm, được đặt lên hàng đầu. Những người có trách nhiệm đang phải lo lắng về các chỉ số giá trị văn hóa gia đình đang có sự biến đổi không tốt như tỷ lệ ly hôn, văn hóa học đường, đạo đức lối sống, lương tâm, quan hệ giữa các cá nhân với gia đình, với xã hội v.v…
Xây dựng gia đình hạnh phúc là nền tảng xây dựng xã hội phồn vinh.
Trong ảnh: Vợ chồng anh Ngô Phú Thọ,phường Phước Mỹ đưa con đến vui chơi
tại Trung tâm Văn hóa tỉnh. Ảnh: Văn Miên
Một trong những rường cột của bản sắc văn hóa Việt Nam chính là văn hóa gia đình, tộc họ và văn hóa làng, xã. Trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ bản sắc văn hóa Việt Nam, gia đình chính là nền tảng tinh thần của một xã hội. Bản sắc văn hóa dân tộc có giữ được hay không chính là sự xây dựng, gìn giữ những giá trị văn hóa đó.
Cái sâu xa nhất của bản sắc văn hóa Việt Nam chính là văn hóa gia đình. Mô hình gia đình truyền thống Việt Nam ngày xưa tồn tại lâu đời nhất là mô hình gia đình nhiều thế hệ sống chung dưới một mái nhà, “tam đại đồng đường”, “tứ đại đồng đường”, người ta quan niệm rằng đó là điển hình của những gia đình có phúc, có đức, có nền nếp gia giáo. Sống chung trong một đại gia đình, thời gian để ông bà, cha mẹ quan tâm giáo dục con cháu nhiều hơn. Khi lớn lên đi học, việc đầu tiên là học lễ rồi mới đến học văn. Bản sắc văn hóa gia đình Việt Nam thể hiện ở sự yêu thương những người ruột thịt, người cha, người mẹ có thể ăn đói, mặc rách nhưng vẫn tằn tiện để nuôi con ăn học nên người.
Gia đình là nơi bảo tồn và phát huy những nét đặc trưng của bản sắc văn hoá dân tộc.
Ảnh: Văn Miên
Trong xã hội hiện đại, mô hình gia đình nhiều thế hệ ngày càng ít, nhất là ở đô thị, thường chỉ tồn tại gia đình hạt nhân gồm cha mẹ và con cái. Thời gian và sự giáo dục của ông bà, cha mẹ đối với con cái ngày càng ít đi. Người già ít được con cháu quan tâm hơn trước, ông bà cũng ít có cơ hội để quan tâm đến các cháu nội, ngoại. Không sống chung nên con cháu cũng ít có tình cảm sâu đậm với ông bà nội ngoại hay cô, gì, chú, bác. Ngày nay, ở các trường học đều có câu khẩu hiệu “tiên học lễ, hậu học văn” nhưng không phải ai cũng hiểu và thực hiện tốt khẩu hiệu đó. Mặc dù trong xã hội bao giờ cũng vẫn có những người thầy, người cô xuất phát từ cái tâm đức, từ trách nhiệm nên cũng quan tâm đến vấn đề dạy bảo học trò cách thức làm người. Nhưng bên cạnh đó, mặt trái của cơ chế thị trường và những tác động của nó ít nhiều đã làm thay đổi quan niệm về văn hóa lễ nghĩa.
Giá trị văn hóa gia đình Việt Nam được hình thành qua hàng nghìn năm lịch sử, hình thành và duy trì lâu đời nền nếp “gia giáo’, “gia huấn”, “gia lễ”, “gia phong”, “gia pháp”. Có một thời chúng ta đả phá, coi đó hoàn toàn là phong kiến. Đồng ý rằng nếp cũ có những yếu tố phong kiến, lạc hậu thật nhưng không phải là tất cả. Theo quy luật kế thừa văn hóa, những cái tốt đẹp trong phong tục tập quán có ích cho gia đình, xã hội cần được chọn lọc để kế thừa, chỉ bỏ đi những hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan. Thực ra, “gia giáo” hay “gia huấn” là cách thức dạy đạo đức làm người cho thành viên của mỗi gia đình. “Gia lễ” là những quy định về phép ứng xử của mỗi thành viên như phong cách đi đứng, nói năng, cử chỉ, điệu bộ, tùy theo từng cấp bậc trong gia đình, trong dòng họ mà ứng xử sao cho phải phép. Không chỉ trong gia đình mà trong tộc họ, trong một làng đều có trên dưới rõ ràng, không thể “cá đối bằng đầu” hay “cá mè một lứa” được mà phải “kính trên nhường dưới”, “ông bà cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo”. Ngoài ra, ngày xưa còn có “gia pháp”, là chế tài, là quyền uy của những người có “cấp bậc”, vai vế cao hơn đối với người thấp hơn, để giữ nghiêm “gia lễ”.
Để xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, ngành Văn hóa - Thông tin (nay là Văn hóa, Thể thao và Du lịch) từ lâu đã phát động phong trào “toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, trong đó có các phong trào xây dựng “làng văn hóa”, “thôn, ấp, bản văn hóa”. Trong phong trào đó, mô hình xây dựng “gia đình văn hóa” giữ một vị trí quan trọng. Bởi gia đình là tế bào của xã hội, có nhiều gia đình văn hóa thì mới có cộng đồng làng, thôn, hay ấp văn hóa được. Trong nhiều năm qua, ngành văn hóa cũng đã xây dựng, sửa đổi, bổ sung các tiêu chí xây dựng gia đình văn hóa, thôn văn hóa sao cho phù hợp với từng thời kỳ phát triển của xã hội và tổ chức hội đồng kiểm tra, công nhận. Qua phong trào đã xuất hiện nhiều điển hình gia đình văn hóa, thôn, ấp, bản văn hóa. Tuy nhiên, về lượng và chất của phong trào này cũng còn nhiều vấn đề phải bàn, cần đổi mới phương pháp và cũng cần chống bệnh hình thức. Hiện nay, nhiều người vẫn cứ quan niệm phong trào xây dựng gia đình văn hóa là của ngành văn hóa, do ngành văn hóa tổ chức thực hiện. Thực ra, muốn có gia đình văn hóa, trước hết tất cả thành viên trong gia đình phải đạt các tiêu chuẩn văn hóa. Trong khi đó, các thành viên trong gia đình là đủ mọi lứa tuổi từ già đến trẻ, không chỉ là sự giáo dục trong gia đình mà là của toàn xã hội. Giáo dục từ trong gia đình đến nhà trường, từ cơ quan đến hội đoàn thể.
Gia đình là tế bào của xã hội, là cái nôi nuôi dưỡng, là môi trường quan trọng hình thành và giáo dục nhân cách của con người. Xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc là góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Với những ý nghĩa này, ngày 4/4/2001, Thủ tướng Chính phủ đã ra quyết định về việc chọn ngày 28/6 hàng năm là Ngày Gia đình Việt Nam. Năm nay, UBND tỉnh đã xây dựng kế hoạch tổ chức các hoạt động kỷ niệm 10 năm Ngày gia đình Việt Nam, nhằm thúc đẩy việc thực hiện công tác gia đình, động viên và phát huy truyền thống tốt đẹp của gia đình cũng như vai trò của gia đình trong việc duy trì sự ổn định và phát triển bền vững.
Thực hiện kế hoạch của UBND tỉnh, trong các ngày từ 26 đến 28-6, các ngành, các cấp đã tổ chức nhiều hoạt động tôn vinh văn hóa gia đình Việt Nam. Hy vọng rằng, những hoạt động đó sẽ ít nhiều làm thay đổi nhận thức về trách nhiệm của mỗi người đối với tổ ấm gia đình của chính mình.
Ai cũng cần có một gia đình!