Phiên họp thứ tư Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ

Ngày 19-4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo cải cách hành chính (CCHC) của Chính phủ đã chủ trì phiên họp thứ tư về cải cách thủ tục hành chính (TTHC) gắn với chuyển đổi số. Phiên họp được kết nối trực tuyến tới 63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Tham dự tại điểm cầu tại tỉnh ta có đồng chí Lê Huyền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng đại diện các sở, ngành liên quan.

Tại phiên họp, các đại biểu đã được nghe chuyên đề về tình hình thực hiện cải cách TTHC gắn với chuyển đổi số, phục vụ người dân, doanh nghiệp; Công bố Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước - SIPAS 2022 và Chỉ số CCHC của các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương - PAR INDEX 2022. Theo kết quả công bố Chỉ số SIPAS năm 2022 của tỉnh Ninh Thuận đạt 81,83% điểm, xếp thứ 20/63 tỉnh, thành phố; Chỉ số CCHC đạt 85,78 điểm, xếp thứ 29/63 tỉnh, thành phố.

Tại Hội nghị, đại diện các bộ ngành, địa phương đã tham luận về kết quả đạt được trong công tác CCHC và cải cách TTHC, chia sẻ kinh nghiệm và đề xuất giải pháp trong triển khai thực hiện.

Đồng chí Lê Huyền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh tham dự tại điểm cầu tại tỉnh ta.

Phát biểu kết luận Phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ghi nhận, biểu dương các bộ, ngành, địa phương và cảm ơn người dân, doanh nghiệp tích cực hưởng ứng, thực hiện có hiệu quả chương trình CCHC nói chung và cải cách TTHC nói riêng, đạt kết quả quan trọng, tích cực trong thời gian qua. Tuy nhiên, công tác CCHC, nhất là cải cách TTHC gắn với chuyển đổi số, phục vụ người dân, doanh nghiệp vẫn còn nhiều “điểm nghẽn”, nhiều vướng mắc, tồn tại, hạn chế gây cản trở cho đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh và đời sống người dân. Một số bộ, ngành phản ứng chính sách còn chậm. Một bộ phận cán bộ, công chức xử lý văn bản, công việc chậm, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, ảnh hưởng đến việc giải quyết hồ sơ, công việc của người dân và doanh nghiệp. Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu: Với tinh thần đổi mới, lấy con người làm trung tâm, các bộ, ngành, địa phương cần nhìn thẳng vào sự thật; phản ứng chính sách kịp thời, linh hoạt; giải quyết thủ tục cho người dân và doanh nghiệp kịp thời, không phiền hà, sách nhiễu, không ảnh hưởng tới huy động nguồn lực và nhất là khắc phục tình trạng né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm. Chú trọng hoàn thiện thể chế, tạo hành lang pháp lý đảm bảo gắn kết chặt chẽ giữa cải cách TTHC với chuyển đổi số. Tiếp tục cắt giảm, đơn giản hoá TTHC, nhất là đơn giản hoá quy định kinh doanh. Đẩy mạnh số hoá hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC; tái cấu trúc quy trình giải quyết TTHC, xử lý hồ sơ, công việc trên môi trường điện tử. Quyết liệt thực hiện hiệu quả Đề án 06. Bố trí bảo đảm nguồn lực triển khai, hoàn thiện các hệ thống, hạ tầng công nghệ thông tin; tăng cường đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến về công tác CCHC, cải thiện môi trường kinh doanh gắn với chuyển đổi số phục vụ người dân, doanh nghiệp.