Tính đến nay, các kế hoạch, quyết định, chương trình hoạt động đã được các đơn vị tham mưu UBND tỉnh, Ban Tổ chức lễ hội ban hành, phân công thực hiện. Cụ thể: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã hoàn thành dự thảo Kế hoạch tổ chức hội thảo khoa học “Bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật làm gốm của người Chăm, Hội thi nét đẹp văn hóa các dân tộc tỉnh Ninh Thuận lần thứ II, Kịch bản chương trình khai mạc và bế mạc lễ hội, Giải đua ô tô - mô tô địa hình trên cát Ninh Thuận - Bình Thuận, ẩm thực…; phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông tổ chức họp báo, cung cấp thông tin về lễ hội tại tỉnh. UBND các huyện, thành phố hoàn chỉnh các hoạt động riêng hưởng ứng sự kiện như: Hội thi nữ sinh duyên dáng, Chương trình văn hóa ẩm thực kết hợp biểu diễn nghệ thuật đường phố huyện Ninh Hải; Lễ hội trái cây huyện Ninh Sơn; Ngày hội văn hóa Raglai huyện Bác Ái…
Đồng chí Nguyễn Long Biên, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì cuộc họp.
Phát biểu kết luận cuộc họp, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh thống nhất với các ý kiến đóng góp tại cuộc họp, bổ sung thêm một số nội dung được đề xuất; nhấn mạnh Lễ hội Nho và Vang Ninh Thuận năm 2023 và đón nhận Bằng công nhận của UNESCO ghi danh “Nghệ thuật làm gốm của người Chăm vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp” là một sự kiện hết sức quan trọng của tỉnh, từ nay đến ngày tổ chức thời gian còn rất ngắn, vì vậy đề nghị các sở, ngành, địa phương tập trung nguồn lực, tích cực phối hợp chuẩn bị để lễ hội diễn ra thành công tốt đẹp. Đài Phát thanh và Truyền hình Ninh Thuận, Báo Ninh Thuận xây dựng các chuyên trang, chuyên mục, thường xuyên có bài viết tuyên truyền về lễ hội, tiến độ công việc, nội dung chương trình diễn ra trong lễ hội. Các tiểu ban lễ hội rà soát và có kế hoạch cụ thể để triển khai, tăng cường đảm bảo an toàn giao thông, an ninh trật tự, phòng cháy chữa cháy, đảm bảo an toàn thực phẩm, phòng, chống dịch COVID-19…
Xuân Nguyên