Tăng cường công tác dân vận của cơ quan nhà nước, chính quyền các cấp năm 2023

Công tác dân vận (DV) trong các cơ quan nhà nước (CQNN), chính quyền các cấp có vị trí, vai trò rất quan trọng. Thực hiện tốt công tác DV là giải pháp để xây dựng Đảng, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị, địa phương và mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) của địa phương.

Thời gian qua, với những cách làm mới, sáng tạo, kịp thời, công tác DV trong các cơ quan hành chính nhà nước, chính quyền trong toàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, thực sự là cầu nối giữa “ý Đảng” và “lòng dân”. Một trong những nội dung quan trọng để góp phần thực hiện DV của các CQNN và chính quyền đó là đẩy mạnh cải cách hành chính (CCHC), đảm bảo tính pháp lý, công khai, minh bạch nhằm tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp trong quá trình giải quyết các thủ tục hành chính (TTHC); nâng cao tinh thần, ý thức trách nhiệm, thái độ phục vụ, ý thức tổ chức kỷ luật của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức (CCVC) khi thực thi công vụ. Quá trình triển khai thực hiện công tác DV trong các CQNN luôn gắn với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, XII về xây dựng Đảng, chống suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên; việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Nhằm tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả công tác DV của CQNN, chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh năm 2023, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành, đơn vị sự nghiệp trực thuộc UBND tỉnh, các doanh nghiệp nhà nước thuộc tỉnh, UBND các huyện, thành phố tiếp tục quán triệt đầy đủ và nghiêm túc các chỉ thị, nghị quyết và các văn bản chỉ đạo của trung ương, Tỉnh ủy về công tác DV chính quyền. Thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp nhằm hoàn thành các mục tiêu KT-XH của tỉnh đề ra trong năm 2023 và giai đoạn 2021-2025.

Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương. Đẩy mạnh CCHC, nhất là cải cách TTHC có liên quan trực tiếp đến tổ chức, doanh nghiệp, người dân gắn với thực hiện Chỉ thị số 39-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện hiệu quả công tác CCHC trên địa bàn tỉnh đến năm 2025 theo Nghị quyết số 05-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về đẩy mạnh công tác CCHC trên địa bàn tỉnh đến năm 2025; Nghị quyết số 09-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về chuyển đổi số tỉnh giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến 2030; Chỉ thị số 18-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy đảng trong thực hiện các giải pháp nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của tỉnh giai đoạn 2021- 2025. Thường xuyên rà soát, đánh giá, cắt giảm, đơn giản hóa các quy định TTHC không cần thiết, trọng tâm là các TTHC đang gây trở ngại, kìm hãm hoạt động sản xuất, kinh doanh và liên quan trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp. Triển khai thực hiện đạt kết quả yêu cầu về ứng dụng công nghệ thông tin trong điều hành, trao đổi, giải quyết công việc; xây dựng và sử dụng có hiệu quả các cơ sở dữ liệu, phục vụ phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số theo quy định.

Thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 35-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng đẩy mạnh thực hiện phong trào thi đua “DV khéo” trên địa bàn tỉnh đến năm 2025 và những năm tiếp theo phù hợp với tình hình thực tiễn ở cơ quan, đơn vị và địa phương, nhất là trong thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới và phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc, miền núi để đẩy mạnh kinh tế phát triển, giảm nghèo nhanh, bền vững; gắn phong trào thi đua “DV khéo” gắn với đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác DV, đặc biệt là công tác DV của các CQNN. Thường xuyên theo dõi, đánh giá và kịp thời biểu dương, khen thưởng các mô hình, điển hình tiêu biểu để nhân rộng trên địa bàn.

Phát huy tinh thần nêu gương của CCVC; tăng cường kỷ luật, kỷ cương của đội ngũ CCVC trong thực thi nhiệm vụ, phục vụ nhân dân và chấp hành các quy định pháp luật của Nhà nước; thường xuyên củng cố, kiện toàn tổ chức, bộ máy, nâng cao chất lượng đội ngũ CCVC làm công tác DV ở các cơ quan, đơn vị và địa phương; xây dựng đội ngũ CCVC có đủ phẩm chất, năng lực và uy tín đáp ứng yêu cầu tình hình mới theo phong cách “trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân”, “nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin”. Chủ động nắm tình hình nhân dân, tình hình dân tộc, công tác DV ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và đồng bào theo tôn giáo, đặc biệt là ở những địa bàn có vấn đề phát sinh phức tạp; chú trọng công tác tuyên truyền, vận động và phát huy vai trò của người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số và cốt cán trong các tôn giáo. Nâng cao hiệu quả công tác phối hợp tuyên truyền, vận động tạo sự đồng thuận trong nhân dân, chức sắc, chức việc, tín đồ các tôn giáo về các chủ trương, định hướng phát triển KT-XH của tỉnh.

Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện nghiêm túc Luật Tiếp công dân, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, Luật Tiếp cận thông tin, nhất là Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở (có hiệu lực từ ngày 1/7/2023) và các văn bản có liên quan; nâng cao trách nhiệm và hiệu quả hoạt động tiếp công dân, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu các cấp chính quyền, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị gắn với việc tiếp công dân định kỳ, xử lý đơn thư và giải quyết khiếu nại, tố cáo. Tăng cường công tác hòa giải ngay từ cơ sở nhằm hạn chế tình trạng đơn thư vượt cấp, khiếu kiện đông người, không để xảy ra điểm nóng, đối thoại trực tiếp với công dân định kỳ và đột xuất theo Quy định số 11-QĐi/TW của Bộ Chính trị; nắm bắt kịp thời tình hình nhân dân, nhất là những bức xúc, kiến nghị trong nhân dân; tập trung rà soát, giải quyết kịp thời, dứt điểm đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân, những kiến nghị, nguyện vọng chính đáng của nhân dân góp phần hạn chế khiếu kiện kéo dài, vượt cấp.