Đã 48 năm trôi qua, nhưng những ký ức về trận đánh đập tan các địa điểm phòng thủ của địch năm xưa vẫn in trong tâm trí ông Lâm Thế Định, nguyên Đại đội trưởng Đại đội 2, huyện Thuận Bắc. Ông Lâm Thế Định hào hứng kể: Khoảng 6 giờ sáng ngày 16/4/1975, ông cùng lực lượng dân quân địa phương phối hợp với quân chủ lực của ta đồng loạt nổ súng, đánh tan tuyến phòng thủ của địch, mở đường cho đại quân ta tiến vào Sài Gòn, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Sau ngày quê hương được giải phóng, với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, nhân dân địa phương đã cùng với chính quyền bắt tay vào xây dựng cuộc sống mới. Nhờ đó, đời sống của người dân Thuận Bắc từng bước phát triển, diện mạo quê hương ngày càng khởi sắc. Ông Lâm Thế Định cho biết: Lúc mới giải phóng cuộc sống của bà con rất khó khăn, nhưng với sự đoàn kết, hỗ trợ của các cấp chính quyền, dần dần đời sống của bà con tốt đẹp hơn, nhất là cuộc sống của bà con dân tộc thiểu số. Đặc biệt, những năm gần đây, cơ sở hạ tầng, khu công nghiệp được đầu tư đã tạo việc làm ổn định cho người dân địa phương rất nhiều; những hố bom, hầm hào của địch năm xưa giờ đã là những cánh đồng xanh ngát, những nhà máy, công trình đã và đang góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) của địa phương và của tỉnh.
Trung tâm huyện Thuận Bắc hôm nay.
Trước đây, kinh tế của huyện Thuận Bắc chủ yếu là nông nghiệp, mỗi năm, bà con chỉ canh tác cây lúa được một vụ, năng suất thấp vì phụ thuộc nhiều vào thời tiết. Giờ đây, được tỉnh quan tâm đầu tư xây dựng các công trình thủy lợi như: Hồ Sông Trâu, Bà Râu, Kiền Kiền... với tổng dung tích khoảng 50 triệu m3, tạo điều kiện cho nhân dân địa phương mở rộng sản xuất, nâng diện tích gieo trồng toàn huyện lên khoảng 11.200 ha/năm; sản lượng lương thực bình quân hằng năm đạt trên 51.000 tấn. Nhiều mô hình trồng trọt, chăn nuôi áp dụng khoa học - kỹ thuật đã dần nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo giá trị kinh tế cao, thu nhập ổn định cho người dân. Bà Chamaléa Thị Hính ở thôn Kiền Kiền, xã Lợi Hải (Thuận Bắc) cho biết: Bữa nay làm nông nghiệp có nguồn nước chủ động nên sản xuất rất thuận lợi. Nhà tôi và một số hộ quanh đây giờ chuyển sang trồng măng tây xanh, ngày nào cũng thu hoạch nên kinh tế gia đình ổn định hơn.
Nằm trên Quốc lộ 1, có hệ thống giao thông thuận lợi là điều kiện để huyện Thuận Bắc phát triển công nghiệp và dịch vụ. Nhiều doanh nghiệp, nhà máy đã hình thành và phát triển. Đầu năm 2023, Khu công nghiệp Du Long với diện tích hơn 400 ha đã đi vào hoạt động, tạo việc làm cho hàng nghìn lao động địa phương. Một số dự án điện gió, điện mặt trời được đầu tư, cung cấp sản lượng điện thương phẩm khoảng 1,6 tỷ kWh/năm, đóng góp lớn cho nguồn thu ngân sách nhà nước và phát triển KT-XH địa phương. Ông Võ Chí Cường, Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Bắc Phong cho biết: Sau khi có công ty may hoạt động ở Khu công nghiệp Du Long đã tạo việc làm cho hàng trăm lao động của địa phương, bà con rất phấn khởi. Thấy xã mình, huyện nhà ngày càng phát triển bà con ai cũng vui, nó khác với trước đây rất nhiều. Bây giờ, nhiều người ở xa khi đi qua Thuận Bắc đều ghé lại thăm, chụp hình, nhất là nơi có trụ điện gió. Mong sao các cấp tiếp tục có nhiều chính sách đầu tư, hỗ trợ để Thuận Bắc ngày càng phát triển hơn nữa.
Là địa phương giáp ranh với Tp. Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa, Du Long không còn là một vùng dân cư thưa thớt như những năm đầu mới giải phóng, mà giờ đây đã sầm uất, nhộn nhịp, một “đô thị” nằm ở cửa ngõ phía Bắc của tỉnh đang được hình thành. Nhờ vậy, thôn Du Long nói riêng, xã Công Hải nói chung có điều kiện để liên kết phát triển KT-XH giữa hai địa phương. Hiện nay, thương mại và dịch vụ ở Du Long, xã Công Hải không chỉ đáp ứng nhu cầu cho người dân địa phương mà còn là chiếc cầu nối giao thương giữa người dân ở hai địa phương giáp ranh của Tp. Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa và huyện Thuận Bắc, tỉnh Ninh Thuận. Với sự nỗ lực của đảng bộ và nhân dân trong những năm qua, huyện Thuận Bắc đang có sự chuyển biến rõ nét trên mọi mặt đời sống
KT-XH. Đến nay, 100% hộ dân trên địa bàn đã có nhà ở kiên cố; mạng lưới điện, đường, trường, trạm được quan tâm đầu tư, đáp ứng nhu cầu của nhân dân địa phương. Đồng chí Vũ Thị Thùy Trang, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Thuận Bắc cho biết: Thời gian qua huyện Thuận Bắc thực hiện có hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình xây dựng nông thôn mới; các chương trình, đề án phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Huyện cũng tập trung thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách an sinh xã hội; đẩy mạnh công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm... với mục tiêu làm sao để cuộc sống của nhân dân trên địa bàn huyện ngày càng được nâng cao, xây dựng huyện Thuận Bắc ngày càng phát triển. Để đảm bảo các mục tiêu phát triển KT-XH theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra; thời gian tới, huyện sẽ tập trung huy động các nguồn lực nhằm khai thác có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của địa phương để phát triển mạnh về công nghiệp, năng lượng tái tạo, dịch vụ và du lịch. Đẩy mạnh cơ cấu lại ngành Nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, tăng cường việc ứng dụng khoa học- kỹ thuật nhằm nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm.
Những kết quả đạt được thời gian qua là tiền đề, động lực để đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Thuận Bắc tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng hào hùng, nỗ lực thi đua yêu nước, đưa Thuận Bắc ngày càng phát triển giàu đẹp, xứng đáng là vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc của tỉnh.
Vĩnh Phát