Tăng cường hỗ trợ phát triển giáo dục mầm non vùng khó khăn giai đoạn 2023-2030

Tỉnh ta hiện có 6 huyện, 1 thành phố với 65 xã, phường, thị trấn; trong đó: vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi có 28 xã, với 71 thôn đặc biệt khó khăn.

Về quy mô trường, lớp học, tính đến thời điểm tháng 1/2023, toàn tỉnh có 22/63 trường mầm non (MN), mẫu giáo (MG) công lập có trụ sở đặt tại các thôn thuộc vùng đồng bào DTTS và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn, vùng bãi ngang, ven biển (gọi tắt vùng khó khăn) với tổng số 161 nhóm, lớp và huy động được 4.290/10.147 trẻ MN ra lớp, đạt tỷ lệ 42,2%. Phân theo từng độ tuổi: Nhà trẻ có 4 nhóm trẻ và huy động 80/3.744 trẻ ra lớp, đạt 2,1%; MG có 157 lớp huy động 4.145/5.616 trẻ ra lớp, đạt 73,8%; 100% trẻ MN ra lớp tại các cơ sở giáo dục MN thuộc vùng khó khăn đều được học 2 buổi/ngày. Riêng trẻ MN là người DTTS thuộc vùng khó khăn toàn tỉnh có 3.538/7.216 trẻ ra lớp, đạt 49,0%; trong đó: có 4 nhóm trẻ và huy động 47/2.761 trẻ là người DTTS ra lớp, đạt 1,7%; 146 lớp MG và huy động 3.491/4.455 trẻ người DTTS ra lớp, đạt 78,4%.

Về chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên (GV) đang làm việc trong các cơ sở giáo dục MN (GDMN) công lập, năm học 2022-2023, toàn tỉnh có 1.358 người. Trong đó, có 18 cán bộ quản lý và 299 GV đang công tác tại các cơ sở GDMN thuộc vùng khó khăn. Để đầu tư thiết bị, đồ dùng, đồ chơi cho GDMN, thời gian qua, bên cạnh việc tăng ngân sách nhà nước cho giáo dục, việc thực hiện chế độ miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập và hỗ trợ ăn trưa cho trẻ từ 3-5 tuổi ở những vùng khó khăn cũng được quan tâm, triển khai thực hiện nghiêm túc và đầy đủ theo đúng quy định; đồng thời, các cơ sở GDMN thuộc vùng khó khăn cũng đã thực hiện hợp đồng nhân viên nấu ăn theo định mức quy định và chi trả 2.400.000 đồng/tháng/45 trẻ em và chi hỗ trợ thêm cho GV dạy lớp ghép, lớp tăng cường tiếng Việt ở điểm lẻ là 450.000 đồng/tháng theo quy định của Nghị định số 105/2020/NĐ-CP.

Cô và các cháu Trường Mầm non Hoa Hồng, thị trấn Tân Sơn (Ninh Sơn). Ảnh: Văn Miên

Về cơ sở vật chất, thông qua các nguồn vốn đầu tư, trong giai đoạn 2016-2020 tỉnh đã đầu tư xây mới 149 phòng học và một số nhà vệ sinh, tường rào, sân trường với tổng vốn 79,241 tỷ đồng. Năm 2021 và 2022 UBND tỉnh tiếp tục đầu tư 15 dự án cho các trường MN, MG trên địa bàn vùng DTTS và miền núi, vùng có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn bằng nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia. Nhờ đó, tính đến tháng 1/2023, toàn tỉnh có 183 phòng/161 nhóm, lớp trong các cơ sở GDMN thuộc vùng khó khăn, đạt định mức 1,1 phòng/nhóm, lớp. Trong đó, có 93/183 phòng học kiên cố (chiếm 50,8%) và 90/183 phòng học bán kiên cố (chiếm 49,2%). Tuy định mức phòng học/lớp hiện đang vượt mức quy định, nhưng thực tế cho thấy vẫn còn tình trạng thừa - thiếu phòng học cục bộ ở một số địa phương, nên phải mượn phòng học để tổ chức thu nhận trẻ hoặc thừa phòng học ở các điểm lẻ nhưng không có GV để thực hiện thu nhận trẻ ra lớp. Ở vùng khó khăn còn tồn tại nhiều điểm trường lẻ, ít lớp, gây khó khăn trong việc huy động nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất, cũng như nâng cao chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục trẻ. Bên cạnh đó, tỷ lệ huy động trẻ MN ra lớp ở vùng khó khăn còn thấp so với mục tiêu. Nguồn tài chính cho GDMN chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển của cấp học, đặc biệt là các cơ sở GDMN thuộc vùng khó khăn...

Nhằm hỗ trợ phát triển GDMN vùng khó khăn; tăng cơ hội của trẻ em được tiếp cận GDMN có chất lượng, ngày 10/4/2023, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 1376/KH-UBND triển khai thực hiện Chương trình hỗ trợ phát triển GDMN vùng khó khăn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023-2030. Theo đó, tỉnh phấn đấu đến năm 2025, có ít nhất 10% trẻ em trong độ tuổi nhà trẻ và 85% trẻ em trong độ tuổi MG vùng khó khăn được đến cơ sở GDMN, trong đó có 30% trẻ em trong các cơ sở GDMN được tăng cường tiếng Việt trên cơ sở tiếng mẹ đẻ của trẻ phù hợp theo độ tuổi. Đến năm 2030, có ít nhất 25% trẻ em trong độ tuổi nhà trẻ và 95% trẻ em trong độ tuổi MG vùng khó khăn được đến cơ sở GDMN, trong đó có 60% trẻ em trong các cơ sở GDMN được tăng cường tiếng Việt. Hằng năm, 100% trẻ em trong các cơ sở GDMN vùng khó khăn được nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục theo chương trình GDMN phù hợp với điều kiện vùng miền, dân tộc và đặc điểm riêng của trẻ. Kế hoạch còn đề ra chỉ tiêu đến năm 2025 có 30% GV và đến năm 2030 có 60% GV được bồi dưỡng biết sử dụng tiếng mẹ đẻ của trẻ. Về cơ sở vật chất đến năm 2030, phấn đấu xóa bỏ 100% phòng học nhờ, phòng học tạm; xây mới trường học theo dự báo quy hoạch mạng lưới trường lớp MN của các địa phương; bổ sung đủ bộ đồ chơi ngoài trời, bộ đồ chơi trong lớp cho trường học mới và phòng học mới do tăng quy mô.

Để thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, kế hoạch đúng lộ trình đề ra, UBND tỉnh đề nghị các sở, ban, ngành, các tổ chức đoàn thể, xã hội và chính quyền địa phương triển khai thực hiện nghiêm túc việc rà soát, nghiên cứu bổ sung, đề xuất xây dựng chính sách hỗ trợ đối với trẻ em và cơ sở GDMN vùng khó khăn, nhất là đối tượng trẻ em nhà trẻ, bao gồm một số chính sách như: Hỗ trợ ăn trưa, miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập. Ưu tiên đầu tư kinh phí để xóa phòng học nhờ, phòng học tạm; xây dựng nhà công vụ cho GV; mua sắm đồ dùng học tập đáp ứng nhu cầu phát triển GDMN vùng khó khăn. Tổ chức bồi dưỡng nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý, GV về công tác quản lý, triển khai Chương trình GDMN phù hợp với đặc điểm trẻ em vùng khó khăn và phương pháp, kỹ năng thực hiện giáo dục song ngữ, tăng cường tiếng Việt trên cơ sở tiếng mẹ đẻ của trẻ em người DTTS.

Cùng với đó, cần rà soát, hoàn thiện chương trình, đổi mới nội dung, phương pháp GDMN phù hợp với vùng khó khăn, đặc điểm tiếp nhận và văn hóa, ngôn ngữ mẹ đẻ của trẻ. Khuyến khích tổ chức và cá nhân trong và ngoài nước đầu tư xây dựng trường, lớp MN. Vận động sự tham gia của toàn dân và các tổ chức xã hội, xã hội nghề nghiệp; phát huy sáng kiến của cộng đồng phát triển GDMN vùng khó khăn. Tập trung đẩy mạnh công tác truyền thông, phổ biến về sự cần thiết, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện Chương trình hỗ trợ phát triển giáo dục mầm non vùng khó khăn trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2023-2030, nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, các bậc cha mẹ, GV, cán bộ quản lý giáo dục và cộng đồng đối với việc đầu tư, chăm lo phát triển GDMN vùng khó khăn. Phối hợp chặt chẽ với các già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng để vận động các gia đình người DTTS tạo điều kiện cho con, em đến trường, lớp MN và học 2 buổi/ngày.