Muôn kiểu biểu hiện
Cùng với sự phát triển của đời sống xã hội, nhất là sự bùng nổ của các trang mạng xã hội (MXH), những năm gần đây, lệch chuẩn tiếng Việt đang trở thành tình trạng đáng báo động, nhất là ở nhóm người trẻ tuổi. Không khó để thấy những biểu hiện của sự lệch chuẩn khi sử dụng tiếng Việt cả trong cách nói và cách viết của một bộ phận giới trẻ hiện nay. Tình trạng này biểu hiện thông qua việc cố tính ghi sai chính tả tiếng Việt trong giao tiếp trên MXH, gây biến dạng lớp vỏ từ ngữ. Điển hình như một số từ: “Bùn” (buồn), “Lun” (luôn), “Ná” (nhá), “mih” (mình), “Xynh” (xinh), “Iu” (yêu), “We” (quê)...
Nhiều bạn trẻ còn nghĩ ra cách viết tắt một số từ quen thuộc như: Chồng thành ck, vợ thành vk, trước thành trc, được thành dc, với thành vs, ha ha ha thành kkk... Bên cạnh đó, giới trẻ còn “sáng tạo” ra những cách nói có vẻ vần điệu như: Chán như con gián; buồn như con chuồn chuồn; phê như con tê tê; ác như con tê giác...
Đặc biệt, một biểu hiện khác của lệch chuẩn tiếng Việt thường gặp trong đời sống đó là việc lạm dụng tiếng nước ngoài trong ngôn ngữ giao tiếp hằng ngày. Điều này bắt nguồn từ tâm lý “sính ngoại ngữ”, thích khoe mẽ của một số người. Điển hình là việc thêm, xen các từ tiếng Anh vào những câu chuyện hằng ngày; cố tình sử dụng một số từ ngữ tiếng Anh xen trong quá trình giao tiếp tiếng Việt với tần suất cao. Thậm chí, nhiều từ tiếng Anh đã dần trở thành từ ngữ “cửa miệng”, thường trực ở không ít người trẻ như: Check in (đăng ký vào), bill (hóa đơn), deadline (thời hạn), online (trực tuyến), off (tắt), show (trình diễn), sale (doanh thu), menu (thực đơn)...
Theo các chuyên gia, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng lệch chuẩn tiếng Việt như ở trên. Đó là do tác động của lối sống nhanh khiến nhiều bạn trẻ tìm cách viết tắt, nhắn tin nhanh để tăng tốc độ giao tiếp trên các trang MXH. Bên cạnh đó, cần kể đến những ảnh hưởng của tâm lý đám đông khiến nhiều người cố tình nói sai, viết sai chính tả tiếng Việt để giống số đông bạn bè trong lớp hay trong hội, nhóm trên các trang MXH. Đôi khi, cố tình nói sai, viết sai chính tả tiếng Việt hay cố tình chèn các từ tiếng nước ngoài trong giao tiếp cũng là cách để một số người tạo sự khác biệt, nhằm thu hút sự chú ý của người khác.
Dù với nguyên nhân nào nhưng rõ ràng, những cách nói, cách viết tiếng Việt lệch chuẩn tràn lan trong thời gian qua đã tạo ra nhiều hiệu ứng phản cảm; gây tâm lý khó chịu ở nhiều người; tạo khó khăn cho người khác khi tiếp cận thông tin hoặc giao tiếp cùng người trẻ tuổi. Đồng thời, những biểu hiện đó cũng tạo nhiều lo ngại ở các nhà nghiên cứu, những người quan tâm đến việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt và những giá trị của ngôn ngữ truyền thống.
Cần sự chung tay của cả xã hội
Thực tế cho thấy, những cách nói tắt, viết tắt, cố tình viết sai chính tả của người trẻ chỉ có cơ hội tồn tại trên môi trường MXH. Vì khi học sinh, sinh viên tham gia học tập, thi trả bài trên lớp học thì tất nhiên phải có cách viết chuẩn mực theo đúng các nội dung đã được dạy trong môi trường giáo dục chính thống.
Để hạn chế tình trạng lệch chuẩn tiếng Việt ở người trẻ hiện nay, vấn đề quan trọng là cần có sự vào cuộc tổng hợp của cả gia đình, nhà trường và xã hội trong việc khẳng định, nhân lên các giá trị tốt đẹp của tiếng Việt truyền thống.
Ở phạm vi gia đình, người lớn, phụ huynh cần làm gương cho con trẻ về ý thức trong cách sử dụng tiếng Việt; tránh các biểu hiện cố tình nói sai, viết sai chính tả tiếng Việt; chủ động phát hiện và uốn nắn khi con trẻ có các biểu hiện lệch chuẩn tiếng Việt.
Đối với các trường học, cần thực hiện tốt hơn nữa công tác giáo dục ngôn ngữ cho trẻ nhỏ, học sinh, sinh viên; cần bồi đắp cho thế hệ trẻ tình yêu tiếng Việt, yêu văn hóa Việt trong các giờ học chính khóa và các hình thức hoạt động ngoại khóa. Không ngừng nhân rộng, lan tỏa văn hóa đọc trong học sinh, sinh viên để người trẻ hiểu, cảm nhận được vẻ đẹp, giá trị của tiếng Việt truyền thống, từ đó tự ý thức trong việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt.
Ở phạm vi vĩ mô, cần đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, giáo dục về giá trị của tiếng Việt; tăng cường tổ chức các cuộc thi, tìm hiểu về tiếng Việt ở các phạm vi, cấp độ khác nhau. Đồng thời, các cơ quan truyền thông, báo chí cần tham gia tích cực trong bảo vệ, giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt thông qua những nội dung tuyên truyền, những tác phẩm báo chí có ngôn ngữ chuẩn xác, phù hợp.
Ngôn ngữ là một trong những biểu hiện sinh động của văn hóa. Do đó, giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, đẩy lùi tình trạng lệch chuẩn tiếng Việt ở người trẻ chính là bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam thực sự tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Theo Báo điện tử ĐCSVN