Thực hiện hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia

Giai đoạn 2021-2015, trên địa bàn tỉnh có 3 chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) được triển khai thực hiện (chương trình giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới (NTM), phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi. Thực hiện chỉ đạo của trung ương, bám sát mục tiêu của các chương trình, thời gian qua tỉnh đã kịp thời triển khai thực hiện quyết liệt, huy động cả hệ thống chính trị và toàn xã hội vào cuộc, nhằm thực hiện có hiệu quả các chương trình này.

Đồng chí Lê Huyền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: Thực hiện chương trình MTQG giai đoạn 2021-2025, tỉnh ta đã ban hành quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo và chương trình công tác năm 2022, với 39 nhiệm vụ trọng tâm để tập trung chỉ đạo thực hiện. Ban Chỉ đạo tỉnh đã chỉ đạo tháo gỡ khó khăn vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các chương trình MTQG; thành lập Tổ công tác hỗ trợ thực hiện và giải ngân vốn chương trình MTQG tỉnh, huyện, trên cơ sở đó, các đơn vị địa phương đã triển khai các nội dung dự án thành phần của từng chương trình, khẩn trương hoàn tất thủ tục để giải ngân nguồn vốn. Qua đó, đã tác động tích cực đến kết quả thực hiện các mục tiêu của chương trình.

Năm 2022, toàn tỉnh được giao tổng kế hoạch (KH) vốn 551,295 tỷ đồng; trong đó vốn đầu tư phát triển 400 tỷ đồng để triển khai đầu tư 159 dự án; vốn sự nghiệp gần 151,2 tỷ đồng. Đến đầu tháng 2, đã giải ngân 272,634 tỷ đồng, trong đó: Vốn đầu tư phát triển 208,28 tỷ đồng, đạt 79% KH giao (thuộc tốp khá cả nước); vốn sự nghiệp 64,353 tỷ đồng, đạt 56% KH (thuộc tốp trung bình cả nước). Số vốn còn lại chưa giải ngân, hiện tỉnh đang chỉ đạo rà soát để chuyển nguồn năm 2022 sang thực hiện năm 2023 theo tinh thần Nghị quyết số 69/NQ-QH15 của Quốc hội. Đối với KH năm 2023, thực hiện quyết định của Thủ tướng Chính phủ và nghị quyết của HĐND tỉnh, đến nay tỉnh đã hoàn tất công tác phân bổ KH vốn năm 2023 cho các sở, ngành, địa phương với tổng kinh phí 277,5 tỷ đồng, bảo đảm thời gian yêu cầu, đúng quy trình, quy định của Nhà nước và theo đúng đối tượng, nội dung đầu tư của từng chương trình.

Người dân Ninh Phước tích cực tham gia làm đường giao thông nông thôn.

Sau 2 năm triển khai thực hiện các chương trình MTQG (2021-2022), trong điều kiện gặp nhiều khó khăn, nhất là ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, nhưng với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, các chương trình MTQG đã góp phần từng bước giải quyết những vấn đề bức xúc của đời sống xã hội. Công tác triển khai thực hiện các chương trình MTQG đã thực sự tạo được những bước chuyển biến tích cực, góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển KT-XH, xóa đói giảm nghèo của người dân, thúc đẩy kinh tế phát triển, trình độ dân trí, chất lượng nguồn lao động được nâng cao; chính trị, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững. Cơ hội tiếp cận các dịch vụ xã hội đối với người dân được nâng cao, môi trường ngày càng được cải thiện. Các chương trình MTQG đã góp phần tích cực trong công tác giải quyết việc làm, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tăng tỷ lệ lao động qua đào tạo.

Cụ thể, trong 2 năm (2021-2022), số lao động được giải quyết việc làm mới đạt 29.967 người, đưa 182 lao động đi làm việc có thời hạn tại nước ngoài; đào tạo nghề cho 3.278 người lao động ở nông thôn. Công tác phát triển sản xuất nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống được quan tâm, đến cuối năm 2022 thu nhập bình quân đầu người vùng đồng bào DTTS, miền núi tăng từ 29,21 triệu đồng/năm (năm 2020) lên 30,4 triệu đồng vào năm 2021. Đến cuối năm 2022 toàn tỉnh đã có 2 huyện (Ninh Hải và Ninh Phước) đạt chuẩn NTM, có 7 thôn, 31 xã đạt chuẩn NTM; 10 xã đạt chuẩn NTM nâng cao. Trong tháng 3/2023 vừa qua, đã có thêm 2 xã Lương Sơn, Nhơn Sơn (Ninh Sơn) được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao và 2 xã Nhị Hà (Thuận Nam), xã Quảng Sơn (Ninh Sơn) được công nhận đạt chuẩn NTM. Chương trình MTQG giảm nghèo đã giúp cho tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm xuống còn 11.015 hộ/43.782 nhân khẩu (tương đương 5,93%), giảm 1,89% so với năm 2021, đạt 126% KH. Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi tỷ lệ hộ nghèo còn 17,73%, giảm 4,23%, riêng huyện nghèo Bác Ái, hộ nghèo còn 34,8% (giảm 5,28%). Chương trình đã làm thay đổi nhận thức của đa số người dân từ chỗ trông chờ, ỷ lại vào đầu tư của Nhà nước đã chuyển sang chủ động, tích cực trong các phong trào thi đua xây dựng NTM, giảm nghèo bền vững và phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi. Bên cạnh đó, các ngành, địa phương đã chủ động huy động, lồng ghép các nguồn vốn để tiếp tục đầu tư kết cấu hạ tầng nông thôn, vùng đồng bào DTTS, miền núi, phát triển sản xuất gắn với cơ cấu lại ngành Nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, hỗ trợ tưới tiết kiệm, đào tạo nghề cho lao động nông thôn, đa dạng hóa sinh kế cho cộng đồng, chú trọng nâng cao chất lượng vệ sinh môi trường, xây dựng cảnh quan xanh, sạch, đẹp an toàn...

Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chương trình MTQG, trong thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho cán bộ, người dân và đối tượng có liên quan về các chương trình MTQG nhằm nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận và phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội trong triển khai thực hiện các chương trình MTQG. Bên cạnh đó, tăng cường công tác chỉ đạo, điều hành; huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, phát huy vai trò của người đứng đầu chính quyền cơ sở, các tổ chức đoàn thể các cấp để thực hiện chương trình bảo đảm mục tiêu và hiệu quả cao. Tiếp tục rà soát, hoàn thiện các cơ chế chính sách đảm bảo phù hợp các nội dung của chương trình theo hướng nâng cao chất lượng, đi vào chiều sâu và bền vững. Triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án có liên quan trên địa bàn tỉnh, lồng ghép các mục tiêu, nhiệm vụ gắn với thực hiện các chương trình MTQG; huy động tối đa nguồn lực của các cấp, các tổ chức, cá nhân và cộng đồng để thưc hiện chương trình. Đẩy mạnh xã hội hóa nguồn lực, làm tốt công tác vận động các tổ chức, doanh nghiệp; khuyến khích sự tham gia của người dân trong việc xác định đối tượng thụ hưởng, lập KH, triển khai, giám sát và đánh giá kết quả thực hiện, bảo đảm tính công khai minh bạch và trách nhiệm trong quá trình thực hiện chương trình, nhằm phát huy quyền giám sát của người dân ở vùng hưởng lợi từ chương trình, dự án.