Dự án Môi trường bền vững Tp. Phan Rang - Tháp Chàm đáp ứng nhu cầu cho sự phát triển bền vững của thành phố

Tp. Phan Rang - Tháp Chàm nằm cạnh Sông Dinh và có bờ biển dài, chịu ảnh hưởng trực tiếp của thủy triều và nước sông dâng cao khi có mưa và xả lũ thủy điện trên thượng lưu, nên có rất nhiều yếu tố kém bền vững cho hệ thống thoát nước và vệ sinh, đặc biệt trong những diễn biến phức tạp của biến đổi khí hậu và nước biển dâng.

Bên cạnh đó, quá trình đô thị hóa tăng nhanh trong những năm gần đây do nhu cầu phát triển, mở rộng thành phố đòi hỏi nhu cầu đầu tư cho hạ tầng kỹ thuật là rất lớn. Tuy nhiên, hiện trạng về hạ tầng thoát nước mưa vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển do các trục kênh mương chính thoát nước mưa chưa được nâng cấp và cải tạo. Tỷ lệ thu gom nước thải còn thấp do hệ thống đấu nối cấp 3 và cống bao thu nước thải chưa được chú trọng đầu tư. Do đó, nhiều khu vực của thành phố, nước thải chưa được thu gom, bị ngập lụt khi có mưa lớn gây ảnh hưởng nhiều tới đời sống dân sinh, hạ tầng kỹ thuật và phát triển kinh tế - xã hội.

Trước hiện trạng này, việc đầu tư phát triển hệ thống thoát nước, vệ sinh và ưu tiên phát triển hạ tầng giao thông kết hợp với hệ thống thoát nước một cách đồng bộ và toàn diện trở thành nhu cầu rất cấp bách đối với thành phố. Dự án Môi trường bền vững các thành phố duyên hải - Tiểu dự án Tp. Phan Rang - Tháp Chàm do Ngân hàng Thế giới tài trợ và nguồn vốn đối ứng của tỉnh Ninh Thuận được thiết kế và đề xuất thực hiện nhằm góp phần cải thiện vệ sinh môi trường (VSMT), chống ngập úng tạo điều kiện phát triển Tp. Phan Rang - Tháp Chàm.

Các hạng mục của Tiểu dự án Tp. Phan Rang - Tháp Chàm
đang được các nhà thầu gấp rút thi công. Ảnh: H.Lâm

Đây là dự án trọng điểm năm 2023 có vai trò rất quan trọng nhằm duy trì hiệu quả đầu tư về môi trường và tăng cường các chương trình cải cách thể chế liên quan đến lĩnh vực VSMT của thành phố. Dự án có 4 hợp phần, được thực hiện từ năm 2017 đến tháng 6/2024 trên địa bàn 15 phường và 1 xã gồm: Bảo An, Đài Sơn, Đạo Long, Đô Vinh, Đông Hải, Kinh Dinh, Mỹ Bình, Mỹ Đông, Mỹ Hải, Mỹ Hương, Phủ Hà, Phước Mỹ, Tấn Tài, Văn Hải, Thanh Sơn và xã Thành Hải với các mục tiêu cụ thể: Cải thiện khả năng tiêu thoát nước mưa và giảm số điểm bị ngập úng; tăng cường khả năng thu gom, xử lý nước thải góp phần cải thiện môi trường nước, đất và không khí; cải thiện điều kiện vệ sinh trường học và các khu vực công cộng; cải thiện điều kiện giao thông nội đô và phát triển hạ tầng cho hệ thống thoát nước; cải thiện năng lực điều hành, quản lý và vận hành dự án cho Ban Quản lý dự án, các sở, ban, ngành, cơ quan công ích và các đơn vị tham gia dự án; đảm bảo sự bền vững về kỹ thuật và tài chính sau khi hoàn thành dự án; giảm thiểu tác động về môi trường và xã hội của dự án tới người dân bị ảnh hưởng do thực hiện dự án, cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân địa phương và du khách.

Với sự nỗ lực lớn và quyết tâm cao của các cấp ủy, chính quyền Tp. Phan Rang - Tháp Chàm, công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) dự án môi trường bền vững đạt được một số hiệu quả tích cực. Tp. Phan Rang - Tháp Chàm đang tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong GPMB dự án. Cùng với việc chỉ đạo rà soát tiến độ GPMB dự án, thành phố yêu cầu cán bộ lãnh đạo, quản lý, nhất là người đứng đầu chính quyền 16 phường, xã và các phòng, ban chuyên môn nêu cao tinh thần trách nhiệm, chịu trách nhiệm trước cấp trên đối với công tác GPMB. Mặt khác, thành phố cũng chỉ đạo các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ và đoàn thể chính trị phát huy vai trò trong công tác tuyên truyền để nhân dân thấy được lợi ích của việc xây dựng các công trình dự án, phát triển kết cấu hạ tầng đô thị, từ đó, chấp thuận chủ trương về việc thu hồi đất của Nhà nước để thực hiện các dự án; tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện GPMB. Qua đó, kịp thời phát hiện, chỉ đạo tháo gỡ, giải quyết khó khăn, vướng mắc trong quá trình bồi thường GPMB, tái định cư của dự án. Song song đó, chính quyền các phường, xã phối hợp chặt chẽ với một số phòng, ban chuyên môn của thành phố tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc xác định nguồn gốc đất của người dân, giải quyết tranh chấp về đất đai. Đồng thời, chủ đầu tư quan tâm chú trọng đẩy nhanh tiến độ xây dựng và hoàn thiện các hạng mục công trình dự án đảm bảo chất lượng.

Sau khi hoàn thành đầu tư và đi vào vận hành, dự án sẽ đem lại điều kiện về vệ sinh môi trường tốt hơn cho gần 170.000 người dân thành phố với những lợi ích cụ thể là: Cảnh quan môi trường thành phố văn minh, sạch đẹp; Tăng giá trị nhà đất ở khu vực địa bàn dự án và nâng cao tiềm năng phát triển ở các khu vực dọc tuyến kênh Tấn Tài, Chà Là, Nhị Phước và các khu vực ngập úng trước đây; Tạo cơ hội kinh doanh mới như du lịch, nhà hàng, cửa hàng bán lẻ, dịch vụ giải trí, bảo vệ nguồn lợi thủy sản ở các tuyến kênh được cải tạo; Tăng cường khả năng thu gom, xử lý nước thải góp phần cải thiện môi trường nước, đất và không khí, cải thiện điều kiện giao thông nội đô và phát triển hạ tầng cho hệ thống thoát nước và cải thiện năng lực điều hành, quản lý và vận hành dự án cho Ban Quản lý dự án, các sở, ban, ngành, cơ quan công ích và các đơn vị tham gia dự án nhằm đảm bảo tính bền vững về kỹ thuật và tài chính khoản dự án hoàn thành.

Với những kết quả đã đạt được cho tới hiện tại, sự quyết tâm, nỗ lực triển khai giai đoạn 2 với sự hỗ trợ của Ngân hàng Thế giới, người dân thành phố tin tưởng, vấn đề VSMT sẽ tiếp tục được cải thiện, chất lượng cuộc sống của người dân tiếp tục được nâng cao. Mục tiêu xây dựng Phan Rang - Tháp Chàm trở thành thành phố thông minh, xanh - sạch - đẹp sẽ sớm thành công.