Tăng cường phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm

Trên địa bàn tỉnh hiện có 77 cơ sở chăn nuôi quy mô trang trại. Trong đó có 66 cơ sở nuôi heo, 10 cơ sở nuôi gà và 1 cơ sở nuôi vịt. Các cơ sở chăn nuôi được phân bố tại địa bàn các huyện, nhiều nhất là huyện Ninh Sơn có 39 cơ sở, Bác Ái có 28 cơ sở, Ninh Phước có 6 cơ sở, Thuận Bắc có 3 cơ sở nuôi heo và Thuận Nam có 1 cơ sở nuôi heo.

Nhìn chung từ đầu năm đến nay, tình hình dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên gia súc, gia cầm (GSGC) trong tầm kiểm soát. Các bệnh truyền nhiễm như: Viêm da nổi cục trên trâu bò, lở mồm long móng, cúm gia cầm, dịch tả lợn (heo) châu Phi, bệnh dại trên động vật, cơ bản được kiểm soát, chỉ xảy ra rải rác bệnh truyền nhiễm thông thường như: Ecoli trên heo, Niu-cát-xơn trên gà tại một số địa phương. Tuy nhiên, các hoạt động buôn bán, vận chuyển, giết mổ động vật tăng cao để phục vụ nhu cầu thực phẩm trong các dịp tết, lễ hội, cộng với điều kiện thời tiết gió mùa đông bắc còn ảnh hưởng nên nguy cơ dịch bệnh có thể xâm nhập, phát sinh gây bệnh cho vật nuôi trong thời gian tới là rất cao.

Tiêu độc khử trùng môi trường chăn nuôi tại xã Nhơn Sơn (Ninh Sơn).

Để chủ động phòng, chống các loại dịch bệnh ngoài việc chỉ đạo trạm chăn nuôi và thú y các huyện, thành phố chủ động phối hợp với ban, ngành, địa phương và các cơ quan truyền thông thường xuyên tổ chức tuyên truyền, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh đang triển khai thực hiện Tháng vệ sinh tiêu độc, khử trùng môi trường chăn nuôi từ ngày 1 đến 31/3 theo kế hoạch của UBND tỉnh, nhất là tại các khu vực đã từng xuất hiện ổ dịch, khu vực có mật độ chăn nuôi cao, các chợ, cơ sở buôn bán, giết mổ GSGC; tiêu độc, khử trùng kênh mương,... để phòng, chống dịch bệnh thủy sản cho mùa vụ nuôi tới.

Ông Huỳnh Minh Khánh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho biết: Các địa phương hiện đang rà soát để tiêm phòng bổ sung cho GSGC chưa được tiêm phòng trong đợt II/2022, GSGC mới phát sinh, tái đàn đã đến tuổi tiêm phòng tại các địa phương. Đặc biệt lưu ý đàn vật nuôi tại các khu vực có nguy cơ cao, vật nuôi đã được tiêm vắc xin nhưng đã hết hoặc sắp hết thời gian miễn dịch, bảo đảm tỷ lệ đạt trên 80% tổng đàn (trên 70% đối với bệnh dại) tại thời điểm tiêm vắc xin. Rà soát tổng đàn GSGC tại các địa phương để tham mưu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành kế hoạch tiêm phòng đợt I/2023 bắt đầu vào tháng 4. Đồng thời, hướng dẫn người chăn nuôi chủ động thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng dịch là chính, áp dụng nghiêm các biện pháp kỹ thuật chăn nuôi an toàn sinh học, thực hiện chăn nuôi tốt, vệ sinh, sát trùng phòng bệnh; bổ sung chất dinh dưỡng, khoáng chất để tăng sức đề kháng cho cho đàn vật nuôi.

Tăng cường giám sát dịch bệnh trên vật nuôi để phát hiện sớm, kịp thời cảnh báo, xử lý dứt điểm khi dịch bệnh mới được phát hiện. Xử lý nghiêm các trường hợp không báo cáo dịch bệnh, bán chạy, giết mổ động vật mắc bệnh, động vật nghi mắc bệnh, vứt xác động vật ra môi trường dẫn đến lây lan dịch bệnh. Cùng với đó, tăng cường kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển động vật, đặc biệt là vận chuyển heo, trâu, bò để chăn nuôi, giết mổ, nhằm ngăn chặn nguy cơ dịch bệnh phát sinh, lây lan.