UBND tỉnh: Họp triển khai Kế hoạch Lễ hội Nho và Vang Ninh Thuận năm 2023 và đón nhận Bằng công nhận của UNESCO ghi danh “Nghệ thuật làm gốm của người Chăm vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp

Ngày 27/3, đồng chí Nguyễn Long Biên, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì cuộc họp với các sở, ngành, đơn vị liên quan về triển khai thực hiện kế hoạch Lễ hội Nho và Vang Ninh Thuận năm 2023 và đón nhận Bằng công nhận của UNESCO ghi danh “Nghệ thuật làm gốm của người Chăm vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp”.

Lễ hội Nho và Vang Ninh Thuận năm 2023 và đón nhận Bằng công nhận của UNESCO ghi danh “Nghệ thuật làm gốm của người Chăm vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp sẽ được tổ chức từ ngày 13 đến 18/6/2023. Sự kiện gồm 12 hoạt động chính như: Hội chợ Công Thương khu vực Nam Trung Bộ - Ninh Thuận năm 2023; Lễ hội Ẩm thực với chủ đề: “Hương vị ẩm thực Ninh Thuận”; Chương trình biểu diễn nghệ thuật đường phố; Hội thảo phát triển giá trị cây nho và sản phẩm từ nho; Hội thảo bảo tồn và phát huy giá trị “Nghệ thuật làm gốm của người Chăm”; Hoạt động tham quan trải nghiệm vườn nho, làng gốm Bàu Trúc và hành trình khám phá Khu dự trữ sinh quyển thế giới Núi Chúa; Tổ chức thi giàn nho đẹp; Giải đua xe đạp đường trường Ninh Thuận – Bình Thuận; Giải đua xe ô tô – mô tô địa hình trên cát…Bên cạnh đó, các huyện, thành phố sẽ tổ chức nhiều hoạt động, sự kiện về văn hoá, thể thao và du lịch gắn với đặc trưng của từng địa phương.

Đồng chí Nguyễn Long Biên, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì cuộc họp.

Trên cơ sở báo cáo, ý kiến đóng góp của các sở, ngành, đơn vị liên quan, phát biểu kết luận cuộc họp, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các thành viên trong Ban Tổ chức lễ hội phát huy cao tinh thần trách nhiệm trong công tác tham mưu, phối hợp để sự kiện thành công tốt đẹp, góp phần quảng bá hình ảnh quê hương Ninh Thuận đến với du khách trong và ngoài nước. Sau cuộc họp, các sở, ngành, địa phương, đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch hoạt động, phân công cụ thể cho từng thành viên; sớm hoàn thành kịch bản các nội dung hoạt động, đặc biệt là hoàn thiện kịch bản đêm khai mạc; hoạt động họp báo tại tỉnh, TP.Hồ Chí Minh và Hà Nội; công tác lễ tân, hậu cần, đón tiếp khách mời. Đối với các tiểu ban, bổ sung, hoàn thiện thành phần, thành viên liên quan để hoạt động hiệu quả cao nhất. Chuẩn bị tốt công tác tổ chức các Hội thảo: “Phát triển giá trị cây nho và sản phẩm từ nho” và “Bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật của làm gốm của người Chăm”, lưu ý mời các chuyên gia có uy tín các lĩnh vực liên quan để hội thảo đạt kết quả cao nhất. Bên cạnh đó, cần lưu ý công tác chuẩn bị tổ chức các gian hàng trưng bày, giới thiệu quảng bá các sản phẩm đặc thù; cuộc thi ẩm thực; các hoạt động giao lưu văn hóa thể thao, nghệ thuật đường phố; công tác vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông... để sự kiện diễn ra thành công tốt đẹp.