Hội thảo tham vấn ý kiến về Quy hoạch Khu du lịch quốc gia Ninh Chữ và điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Tp. Phan Rang - Tháp Chàm

Ngày 23/3, Sở Xây dựng tổ chức Hội thảo tham vấn ý kiến về phương án Quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch (DL) quốc gia Ninh Chữ và điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Tp. Phan Rang - Tháp Chàm. Tham dự có lãnh đạo các sở, ngành, địa phương, đơn vị liên quan; chuyên gia đầu ngành và các nhà đầu tư, quan tâm đầu tư.

Đồ án Quy hoạch chung xây dựng Khu DL quốc gia Ninh Chữ đến năm 2045 có diện tích trên đất liền khoảng 10.200 ha, bao gồm 3 khu vực: Phía Bắc thuộc cụm DL Bình Tiên - Vĩnh Hy với quy mô khoảng 2.560 ha; trung tâm thuộc cụm DL Ninh Chữ - Bình Sơn có quy mô khoảng 6.054 ha; phía Nam thuộc cụm DL Cà Ná - Mũi Dinh có quy mô khoảng 2.931 ha. Ngoài ra, diện tích phát triển các khu vực khai thác hoạt động DL, dịch vụ trên biển khoảng 2.000 ha. Đồ án đã đề xuất các giải pháp nhằm khai thác các giá trị và tiềm năng tổng thể để phát triển DL và phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH); là cơ sở pháp lý về quy hoạch để quản lý, thu hút đầu tư phát triển các khu vực ven biển tỉnh, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH và phát triển ngành DL trở thành một trong 6 ngành trụ cột kinh tế của tỉnh.

Lãnh đạo Sở Xây dựng phát biểu tại hội thảo. Ảnh: X.Nguyên

Về phạm vi Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Tp. Phan Rang -Tháp Chàm đến năm 2040 và tầm nhìn đến năm 2050 bao gồm toàn bộ ranh giới hành chính của thành phố, Khu đô thị Khánh Hải đến vùng Đông - Bắc và ven Đầm Nại thuộc huyện Ninh Hải, một phần khu vực Nam Sông Dinh thuộc huyện Ninh Phước với tổng diện tích 15.347 ha. Mục tiêu của quy hoạch là xây dựng Tp. Phan Rang - Tháp Chàm trở thành trung tâm KT-XH nổi bật của khu vực vùng Nam Trung Bộ và Tây Nguyên; khai thác hiệu quả các giá trị địa phương để tạo dựng giá trị khác biệt và thu hút nguồn lực cho tỉnh phát triển các ngành kinh tế trọng điểm. Định hướng đến năm 2050 đưa Tp. Phan Rang - Tháp Chàm trở thành đô thị loại I, trung tâm DL cấp vùng.

Tại hội thảo, nhiều ý kiến, đề xuất từ các chuyên gia, đại biểu ban, ngành tỉnh được đơn vị tổ chức ghi nhận, tiếp thu, tập trung vào các vấn đề như: Đánh giá hiện trạng; liên kết vùng, nhất là vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Nam Trung Bộ; biến đổi khí hậu, bảo đảm an ninh, quốc phòng... Bên cạnh đó, đề xuất làm rõ các giá trị đặc thù, riêng biệt, độc đáo, lợi thế của tỉnh so với các địa phương khác để bổ sung chủ đề và các quan điểm, định hướng phát triển DL của tỉnh cho phù hợp, hiệu quả, khả thi; xem xét, cập nhật các đồ án quy hoạch, dự án đang lập và được phê duyệt khác, đảm bảo đồng bộ thống nhất trong quản lý và các khuyến cáo cụ thể.