Đồng chí Hồ Xuân Ninh, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) cho biết: Thực hiện Nghị quyết số 170/NQ-CP, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 51/QĐ-UBND về việc ban hành Kế hoạch tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Căn cứ Quyết định số 51/QĐ-UBND, các sở, ban, ngành thuộc tỉnh đã xây dựng kế hoạch tổ chức lấy ý kiến đối với Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) để lấy ý kiến của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, các đơn vị trực thuộc trong phạm vi quản lý; UBND các huyện, thành phố xây dựng kế hoạch triển khai lấy ý kiến nhân dân tại địa phương đến từng xã, phường, thị trấn. UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phổ biến Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đến từng công chức, viên chức, người lao động của đơn vị; đăng tải toàn bộ Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) trên Cổng thông tin điện tử tỉnh và Cổng thông tin điện tử Sở TN&MT tỉnh; đồng thời, chỉ đạo các cơ quan thông tấn, báo chí ở địa phương mở các chuyên trang, chuyên mục tuyên truyền, phổ biến các nội dung của Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) để cung cấp thông tin phục vụ cho việc đóng góp ý kiến của nhân dân và đưa tin, đăng tải kịp thời các ý kiến đóng góp.
Cán bộ Liên đoàn Lao động tỉnh góp ý Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Ảnh: H.Lâm
Các hình thức, phương thức tổ chức lấy ý kiến được tổ chức đa dạng để mọi người dân biết và đóng góp ý kiến cho Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) thông qua các hình thức như: Góp ý trực tiếp bằng văn bản (bản giấy, thư điện tử) gửi đến các cơ quan, tổ chức được phân công trách nhiệm tổ chức lấy ý kiến Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) hoặc gửi trực tiếp đến Sở TN&MT; tổ chức hội nghị, hội thảo, tọa đàm. Các đối tượng được lấy ý kiến bao gồm: Các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh; các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh; Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp và các tổ chức chính trị - xã hội thành viên của Mặt trận, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội; các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh và các tổ chức kinh tế khác; các viện nghiên cứu, trường đại học, cao đẳng trên địa bàn tỉnh; các chuyên gia và nhà khoa học.
Sau hơn 2 tháng triển khai, toàn tỉnh đã tổ chức được 529 cuộc hội nghị, hội thảo; đã nhận 3.042 lượt ý kiến của các tổ chức, cá nhân. Các ý kiến đóng góp đều tập trung vào các vấn đề nóng và được dư luận quan tâm trong thời gian qua như: Về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; thu hồi đất và chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; phát triển quỹ đất; giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận và các thủ tục hành chính, dữ liệu, thông tin đất đai; cơ chế, chính sách tài chính, giá đất; chế độ quản lý, sử dụng các loại đất... Các ý kiến đều xuất phát từ thực tiễn khách quan, thể hiện trí tuệ, tâm huyết, trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, địa phương và người dân trong tỉnh. Ngoài ra, nhiều ý kiến cho rằng, bố cục, kết cấu, vị trí của các chương, điều, khoản của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) là khoa học, hợp lý, chính xác, tạo điều kiện thuận lợi khi áp dụng pháp luật, tuy nhiên cần chỉnh sửa, biên tập kỹ thuật soạn thảo, giải thích một số từ ngữ rõ ràng để thuận tiện cho quá trình triển khai thực hiện.
Đồng chí Hồ Xuân Ninh, Giám đốc Sở TN&MT, cho biết thêm: Việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân được tiến hành dân chủ, công khai, khoa học, bảo đảm tiến độ, chất lượng, thiết thực và tiết kiệm, cơ bản đảm bảo đạt được mục đích, yêu cầu đề ra. Nhân dân thống nhất cao với Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) phù hợp với các quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng, cụ thể là Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII. Đồng thời, cơ bản giải quyết được những bất cập, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện Luật Đất đai năm 2013. Các ý kiến đã huy động trí tuệ, tâm huyết của nhân dân hoàn thiện dự án Luật Đất đai (sửa đổi) bảo đảm chất lượng, khoa học, khả thi, đồng bộ, hiệu quả; phản ánh ý chí, nguyện vọng, vì lợi ích nhân dân và tạo không gian, nguồn lực cho sự phát triển của đất nước.
Xuân Bính