"Dân vận khéo" góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội

Bài 2: Xây dựng, nhân rộng nhiều mô hình “Dân vận khéo” phù hợp, hiệu quả

Công tác dân vận (DV) nói chung, phong trào thi đua “Dân vận khéo” (DVK) nói riêng luôn được xác định là bộ phận quan trọng, có ý nghĩa chiến lược đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng.

Nội dung, phương thức khác nhau, song mục tiêu chung của công tác DV đều nhằm vận động các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) địa phương, đất nước.

Trên lĩnh vực phát triển kinh tế, nhiều mô hình DVK tiêu biểu đang được các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh duy trì, nhân rộng như: Góp vốn xoay vòng, vần đổi công, trồng măng tây xanh, trồng bưởi da xanh, tưới nước tiết kiệm..., nhất là mô hình “1 phải, 5 giảm” trong sản xuất lúa, từ 10 ha với 32 hộ ở xã Phước Hậu (Ninh Phước) triển khai thí điểm trong vụ đông - xuân năm 2010-2011, đến nay đã nhân rộng lên trên 12.500 ha; mô hình “1 phải, 5 giảm” gắn với sản xuất cánh đồng lúa lớn triển khai thí điểm từ vụ hè - thu năm 2017 tại vùng đồng bào Chăm thôn Hiếu Lễ, xã Phước Hậu với diện tích 56 ha/103 hộ tham gia, đến nay, đã nhân rộng, hình thành 31 cánh đồng lớn với quy mô 4.242,8 ha.

Đường đôi phía Nam vào Tp. Phan Rang - Tháp Chàm hoàn thành đưa vào sử dụng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho thành phố. Ảnh: T.D

Lĩnh vực văn hóa - xã hội có nhiều mô hình nổi bật. Điển hình có thể kể đến mô hình “Hạt gạo yêu thương” của Mặt trận phường Tấn Tài (Tp. Phan Rang - Tháp Chàm) thành lập từ tháng 5/2021, đến nay được duy trì đều đặn hỗ trợ 20 hộ nghèo và hộ mới thoát nghèo, mỗi hộ 10 kg gạo/tháng. Theo đồng chí Bùi Thị Kim Phương, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam phường Tấn Tài, ngoài mô hình nói trên, Mặt trận phường còn vận động nhà hảo tâm đỡ đầu 3 gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn số tiền 500.000 đồng/hộ/tháng. Trong năm 2022, địa phương trích Quỹ “Vì người nghèo” 50 triệu đồng và vận động nhà hảo tâm hơn 82 triệu đồng giúp 1 hộ nghèo xây dựng nhà ở. Trao “cần câu” giúp người nghèo vươn lên trong cuộc sống, phường cũng trích Quỹ “Vì người nghèo” số tiền gần 20 triệu đồng hỗ trợ 2 hộ mua công cụ lao động để phát triển kinh tế gia đình.

Đối với Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh, từ năm 2021 đến nay đã phát động, duy trì hiệu quả chương trình “Mẹ đỡ đầu”, vận động được trên 520 triệu đồng, kết nối, đăng ký hỗ trợ, đỡ đầu 31 trẻ em mồ côi cha, mẹ do dịch COVID-19 và 87 trẻ em mồ côi khác có hoàn cảnh khó khăn. Đây là chương trình mang ý nghĩa nhân văn cao đẹp, có sức lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng, giúp trẻ em có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong cuộc sống. Đặc biệt, qua triển khai chương trình, đã xuất hiện những điển hình như: Hội LHPN Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh nhận đỡ đầu 3 em; Hội LHPN Công an tỉnh nhận đỡ đầu 14 em... với mức hỗ trợ từ 300.000 - 500.000 đồng/tháng, cam kết hỗ trợ đến khi các em học hết phổ thông và đủ 18 tuổi. Không chỉ ở vật chất, sự quan tâm của những người “mẹ đỡ đầu” là món quà quý giá nhất giúp các em xóa đi “vết hằn” tâm lý để hành trình trưởng thành bớt chông chênh, thêm yêu thương và hướng đến những điều tốt đẹp. Đối với Mặt trận huyện Ninh Sơn, trong năm 2022 đã đăng ký triển khai mô hình DVK “Vận động tổ chức tôn giáo xã hội hóa xây dựng nhà ở đại đoàn kết”, qua đó vận động các tổ chức tôn giáo xây dựng được 13 nhà đại đoàn kết cho những hộ khó khăn về nhà ở trên địa bàn huyện (bình quân 70 triệu đồng/nhà), đạt 216,6% so với mục tiêu đề ra, qua đó giúp người nghèo “an cư, lạc nghiêp” sớm ổn định cuộc sống gia đình.

Công tác DV và phong trào thi đua DVK được triển khai sâu rộng, hiệu quả đã phát huy được sức dân trong xây dựng nông thôn mới (NTM) và đồng thuận với chủ trương, chính sách của Nhà nước trong giải phóng mặt bằng triển khai thực hiện các công trình, dự án trọng điểm của tỉnh như: Dự án đầu tư xây dựng công trình đường đôi vào Tp. Phan Rang - Tháp Chàm (đoạn phía Nam), Tiểu dự án Tp. Phan Rang - Tháp Chàm; Dự án đường nối từ cao tốc Bắc - Nam với Quốc lộ 1 và cảng biển tổng hợp Cà Ná... Đến nay, Dự án đầu tư xây dựng công trình đường đôi vào Tp. Phan Rang - Tháp Chàm (đoạn phía Nam) đã hoàn thành đưa vào sử dụng, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH cho Tp. Phan Rang - Tháp Chàm nói riêng và cả tỉnh nói chung. Thông qua công tác DV và phong trào thi đua DVK, từ năm 2009 đến nay, các cấp, các ngành, Mặt trận, đoàn thể trên địa bàn tỉnh đã vận động nhân dân tự nguyện đóng góp trên 49 tỷ đồng, hiến 20.000 m2 đất và hàng trăm nghìn khối đất đá, vật liệu xây dựng các loại để làm đường giao thông nội thôn, nội đồng, kênh mương, sửa chữa, xây dựng trường học, khu vui chơi, giải trí, nhà sinh hoạt cộng đồng... Qua xây dựng, nhân rộng mô hình, điển hình DVK, đã xuất hiện nhiều tập thể, cá nhân điển hình. Đơn cử như Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh triển khai lực lượng tham gia góp 1.500 ngày công lao động giúp nhân dân bê tông tuyến đường khu đồng Ninh Căn, xã Hộ Hải (Ninh Hải) với chiều dài 2.555 m được đặt tên là “Đường tình quân dân”; gia đình ông Tà Yên Phốn, thôn Nha Húi, xã Mỹ Sơn (Ninh Sơn) hiến 3.000 m2 đất để xây dựng điểm trường thôn Nha Húi; gia đình bà Pi Năng Thị Thoi hiến trên 1.180 m2 đất ở của cha mẹ để lại để xã có mặt bằng xây dựng Trường Mẫu giáo xã Phước Chiến (Thuận Bắc)...

Phong trào thi đua DVK trên lĩnh vực quốc phòng, an ninh, xây dựng hệ thống chính trị được quan tâm đẩy mạnh, đạt nhiều kết quả tích cực. Nhiều mô hình tiêu biểu đang phát huy hiệu quả như: Xứ đạo bình yên, tộc họ tự quản về an ninh trật tự, camera an ninh, tổ hòa giải ở cơ sở, giúp đỡ người lầm lỗi tại cộng đồng dân cư...; mô hình “một cửa”, “một cửa liên thông”, cải cách hành chính, nhất là thủ tục hành chính tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.

Những việc làm thiết thực của nhân dân đã góp phần xây dựng NTM, thúc đẩy KT-XH địa phương ngày càng phát triển. Đến cuối năm 2022, toàn tỉnh có 2 huyện và 31 xã đạt chuẩn NTM, có 10 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; giảm tỷ lệ hộ nghèo đa chiều theo chuẩn mới đạt 1,86% so với kế hoạch giảm từ 1,5-2%.

-----------
(MỜI XEM TIẾP KỲ SAU)
Bài cuối: Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân vận