Vốn tín dụng chính sách xã hội: Đồng hành cùng với phong trào thanh niên lập nghiệp

Những năm qua, các cấp bộ đoàn trong tỉnh đã nỗ lực làm tốt công tác ủy thác cho vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH). Thông qua nguồn vốn ưu đãi, nhiều đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) có điều kiện lập nghiệp, phát triển sản xuất chăn nuôi, trồng trọt, dịch vụ, ổn định cuộc sống.

Đồng chí Huỳnh Kiều Ánh, Phó Bí thư Tỉnh đoàn, nhìn nhận: Tín dụng chính sách xã hội là một “mắt xích” không thể thiếu trong hệ thống các chính sách về phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, đảm bảo an sinh xã hội. Nhằm hỗ trợ, cổ vũ, khuyến khích ĐVTN xây dựng tinh thần khởi nghiệp, lập nghiệp, tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi CSXH, Tỉnh đoàn đã chỉ đạo các cơ sở đoàn chủ động phối hợp với Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH các huyện, thành phố cho vay vốn ủy thác; tích cực phối hợp các sở, ban, ngành đào tạo nghề, hướng dẫn sản xuất, kinh doanh cho ĐVTN. Cùng với đó, định hướng cho vay, mục tiêu sử dụng vốn, tổ chức thẩm định các dự án, đảm bảo vốn vay được sử dụng đúng mục đích, đúng đối tượng.

Anh Chamaléa Hải phát triển kinh tế nông hộ từ vốn vay ưu đãi Ngân hàng Chính sách xã hội.

Anh Chamaléa Hải, thôn Kiền Kiền 2, xã Lợi Hải (Thuận Bắc) là một trong những tấm gương tiêu biểu trong phong trào lập nghiệp, phát triển hiệu quả kinh tế hộ từ vốn vay ưu đãi Ngân hàng CSXH. Với số tiền 80 triệu đồng cho vay từ chương trình giải quyết việc làm, anh đầu tư cây, con giống để thực hiện mô hình kinh tế chăn nuôi kết hợp trồng trọt. Từ sự cần cù, chịu khó cùng với kiến thức tiếp thu được qua các lớp tập huấn, mô hình đã đem lại thành công nhất định. Hiện anh đã sở hữu 6 con bò, hơn 1.500 con gà, 12 con heo đen sinh sản và trồng 3 sào cây ăn quả lâu năm. Thu nhập ổn định từ trồng trọt, chăn nuôi, giúp cải thiện đáng kể đời sống gia đình, trở thành hộ sản xuất giỏi ở địa phương.

Ngoài anh Hải, trên địa bàn tỉnh còn rất nhiều mô hình thanh niên tiêu biểu trong khởi nghiệp, lập nghiệp từ vốn tín dụng ưu đãi được nhân rộng, phát triển như: Mô hình “Chăn nuôi heo đen hữu cơ và cung cấp các dịch vụ chăn nuôi thú y” của anh Nguyễn Hữu Phúc (Bác Ái); mô hình “Nuôi heo đen” của anh Patâu Axá Quốc (Thuận Bắc); mô hình “Táo sấy không hạt” của chị Lê Thị Nhã Trang; “Nuôi gà thịt” của anh Trần Ngọc Hoàng, “Dệt thổ cẩm truyền thống của dân tộc” của anh Hán Văn Luận (Ninh phước); “Nuôi trùn quế kết hợp với trồng rau và chăn nuôi” của anh Nguyễn Khắc Trí (Ninh Hải); mô hình “Sắc tím trên miền đất nắng” của chị Nguyễn Phan Ngọc Anh (Tp. Phan Rang - Tháp Chàm)...

Tính đến thời điểm hiện tại, tổng dư nợ tại Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh của tổ chức Đoàn Thanh niên đạt 540.000 tỷ đồng, thông qua 298 tổ tiết kiệm và vay vốn, với 18 chương trình cho hơn 14.533 hộ ĐVTN vay vốn. Trong đó, dư nợ giải quyết việc làm trên 39,5 tỷ đồng; dư nợ hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ thoát nghèo gần 277,5 tỷ đồng, dư nợ hộ sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn 63,3 tỷ đồng... Nguồn vốn không chỉ là điểm tựa giúp ĐVTN khởi nghiệp, giải quyết việc làm cho lao động mà còn góp phần tập hợp, thu hút, tạo sự gắn kết chặt chẽ giữa ĐVTN với tổ chức đoàn, đưa công tác đoàn và phong trào thanh niên ngày càng đi vào thực chất.

Để triển khai tốt hơn nữa vai trò của vốn tín dụng CSXH đối với phong trào thanh niên lập nghiệp trong thời gian tới, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh duy trì và phát triển có hiệu quả các dự án vay vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm và cùng với cấp ủy, chính quyền địa phương giới thiệu, bình xét đối tượng vay vốn dân chủ, khách quan, đúng đối tượng thụ hưởng. Đồng thời, phối hợp với ngành chức năng tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật để nâng cao quá trình sử dụng vốn, tạo ra giá trị sản phẩm chất lượng, từng bước nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững trong ĐVTN.