Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh nỗ lực chuyển đổi số

Chuyển đổi số (CĐS) đã và đang thay đổi mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó có lĩnh vực lao động (LĐ) - việc làm. Để thích ứng với quá trình CĐS, Trung tâm Dịch vụ việc làm (DVVL) tỉnh chú trọng áp dụng công nghệ, số hóa trong công tác tư vấn, giới thiệu việc làm, kết nối cung - cầu LĐ bằng nhiều hoạt động, qua đó tạo việc làm bền vững cho người LĐ.

Từ giữa năm 2022, Trung tâm DVVL tỉnh bắt đầu tiếp nhận trực tuyến hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp của người LĐ trên Cổng dịch vụ công quốc gia. Mặc dù số lượng hồ sơ nhận được chưa nhiều do người LĐ thất nghiệp đa số là LĐ phổ thông, chưa tiếp cận với việc mở tài khoản dịch vụ công, dẫn đến không gửi được hồ sơ trực tuyến nhưng việc giải quyết chính sách trợ cấp thất nghiệp trực tuyến đã mang lại nhiều thuận lợi, giúp người LĐ giảm bớt thời gian đi lại, còn các cơ quan chức năng tiết kiệm được nhân lực tiếp nhận hồ sơ. Đây là một trong các hoạt động CĐS mà Trung tâm DVVL tỉnh đang tích cực triển khai. Nhiều năm qua, Trung tâm đã tích cực CĐS trong nhiều hoạt động, quy trình như tổ chức các sàn giao dịch việc làm, phỏng vấn LĐ trực tuyến; bước đầu số hóa hồ sơ lưu trữ; khai thác tối đa tiện ích các mạng xã hội trong công tác tư vấn, giới thiệu việc làm...

Cán bộ Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động
tại phiên giao dịch việc làm trực tuyến.

Ông Phan Thanh Sơn, Giám đốc Trung tâm DVVL tỉnh cho biết: CĐS đang thay đổi mạnh mẽ công tác tư vấn, giới thiệu việc làm. Cách thức tìm việc của người LĐ, cách thức tìm người LĐ của doanh nghiệp (DN) đều thay đổi theo hướng tích cực. Trải qua thời gian đầu bỡ ngỡ, đến nay, cả người LĐ và DN đều đã thích ứng với việc kết nối cung - cầu LĐ trên nền tảng số. Dự kiến trong năm 2023, Trung tâm sẽ tổ chức 90 phiên giao dịch việc làm trực tuyến thông qua ứng dụng Zoom, Google Meet. Với hình thức tổ chức trực tuyến, quy mô các sàn giao dịch, thị trường LĐ được mở rộng hơn so với hình thức trực tiếp như trước đây, tiết kiệm thời gian, chi phí cho cả người LĐ và DN. Song song đó, việc tuyên truyền, đưa các thông tin về việc làm, LĐ lên các nền tảng số như trang thông tin trên Facebook, Zalo... cũng được Trung tâm chú trọng thực hiện để người LĐ và DN tiếp cận được với thông tin nhanh chóng, dễ dàng hơn. Cùng với hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm, kết nối cung - cầu LĐ trên nền tảng số; công tác xây dựng cơ sở dữ liệu số về LĐ - việc làm đang được ngành LĐ triển khai tích cực để sớm hình thành nguồn dữ liệu số phục vụ CĐS hiệu quả. Hiện nay, Trung tâm đang thu thập dữ liệu về nhu cầu tuyển dụng của DN và nhu cầu việc làm của người LĐ để phục vụ xây dựng phần mềm dự báo thông tin thị trường LĐ do Cục Việc làm, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội triển khai.

Thúc đẩy CĐS trong lĩnh vực LĐ - việc làm không chỉ góp phần nâng cao hiệu quả công tác giải quyết việc làm mà còn tăng tính cạnh tranh, sức hấp dẫn cho thị trường LĐ. Thời gian tới, Trung tâm DVVL tỉnh tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động áp dụng công nghệ, số hóa trong lĩnh vực LĐ, việc làm, góp sức xây dựng nền kinh tế số, xã hội số.