Theo báo cáo của Bộ Ngoại giao, năm 2022, công tác ngoại giao kinh tế (NGKT) được triển khai quyết liệt, hiệu quả, bám sát trọng tâm chỉ đạo, điều hành của Chính phủ tại Nghị quyết số 01/NQ-CP, các ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại các hội nghị về NGKT, kịp thời chuyển trọng tâm từ ngoại giao phục vụ phòng, chống dịch bệnh sang phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH), lấy người dân, địa phương và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ. Chính phủ đặt ưu tiên cao nhất cho phục hồi và phát triển KT-XH, với sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, linh hoạt đã đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì các cân đối lớn, đưa nền kinh tế đạt mức tăng trưởng cao. Trong gần 70 hoạt động đối ngoại của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội, các nội dung hợp tác về kinh tế đã được thúc đẩy mạnh mẽ, đạt nhiều kết quả quan trọng, thực chất, với hơn 150 văn kiện hợp tác ký kết, góp phần đưa hợp tác kinh tế với các đối tác đi vào chiều sâu, thu hút hiệu quả các nguồn lực bên ngoài phục vụ phục hồi và phát triển KT-XH.
Triển khai Chỉ thị số 15 của Ban Bí thư, trên cơ sở bám sát chủ trương, đường lối và quan điểm tư tưởng chỉ đạo của Đảng về đối ngoại, Chương trình hành động của Chính phủ đã xác định phương châm: “Tư duy sáng tạo, hành động quyết liệt, ứng phó linh hoạt, hiệu quả, khai thác và tranh thủ mọi cơ hội cho phát triển đất nước” với 7 nhóm nhiệm vụ trọng tâm: Nâng cao nhận thức, trách nhiệm về công tác NGKT; mở rộng, làm sâu sắc và tạo thế đan xen lợi ích trong quan hệ kinh tế với các đối tác; nâng cao chất lượng, hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế; vận động, thu hút nguồn lực bên ngoài phục vụ các động lực tăng trưởng; xây dựng nền NGKT phục vụ phát triển, lấy người dân, địa phương và doanh nghiệp làm trung tâm; đẩy mạnh nghiên cứu, tham mưu, nâng cao năng lực phân tích, dự báo phục vụ điều hành KT-XH; nâng cao hiệu quả phối hợp liên ngành và bố trí nguồn lực triển khai NGKT.
Đồng chí Nguyễn Long Biên, UVTV Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh ta.
Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao tinh thần làm việc khẩn trương, chủ động, quyết liệt, ngành ngoại giao và các bộ, ngành, địa phương trong thời gian vừa qua đã triển khai kịp thời các nhiệm vụ đối ngoại nói chung, công tác ngoại giao kinh tế nói riêng, đóng góp cho đất nước theo hướng phục hồi nhanh và phát triển bền vững, đạt được những kết quả khá toàn diện trên các lĩnh vực. Thủ tướng nhấn mạnh vai trò quan trọng của các nhà ngoại giao, các đại sứ, trưởng cơ quan đại diện và tham tán thương mại ở nước ngoài, trong triển khai đường lối đối ngoại của Đảng, trong đó có công tác NGKT, trước bối cảnh tình hình thế giới tiếp tục diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường, Việt Nam là nước đang phát triển, nền kinh tế đang chuyển đổi, quy mô kinh tế khiêm tốn, độ mở lớn, sức chống chịu và khả năng cạnh tranh còn hạn chế, một tác động nhỏ bên ngoài cũng có thể ảnh hưởng lớn tới bên trong. Thủ tướng đề nghị, cần tiếp tục phát huy bản sắc “ngoại giao cây tre” theo chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, bám sát, quán triệt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, giữ vững bản lĩnh, nguyên tắc nhưng chủ động, linh hoạt, mềm dẻo. Trong bối cảnh thời gian, nguồn lực có hạn, công việc nhiều, yêu cầu cao, suy nghĩ phải kỹ, quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả, làm việc nào dứt điểm việc đó, góp phần thúc đẩy 3 động lực đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng tăng trưởng. Đẩy mạnh sáng tạo, nâng cao hiệu quả để tạo chuyển biến thực chất trong triển khai NGKT năm 2023.
Hồng Nguyệt