Giai đoạn 2017-2023, ngoài việc xây dựng quy trình kỹ thuật sản xuất nho, Viện Nghiên cứu Bông và Phát triển nông nghiệp Nha Hố (Viện Nha Hố) còn thực hiện một số nhiệm vụ nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cao (CNC) trong sản xuất các loại cây trồng có lợi thế của tỉnh. Qua đó, góp phần tăng năng suất, chất lượng sản phẩm cây trồng, nâng cao hiệu quả kinh tế, giảm thiểu tổn thất trong quá trình thu hoạch, đặc biệt là trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt do tác động của biến đổi khí hậu.
Nhìn lại hoạt động của Viện Nha Hố trong thời gian qua cho thấy, kết quả đạt được đáng kể là Viện đã nghiên cứu các quy trình nhân giống, mô hình trồng đinh lăng lá nhỏ bằng phương pháp giâm cành, với hơn 10.000 cây giống đinh lăng Invitro và 70.000 cây giâm cành đạt tiêu chuẩn, đã được xây dựng. Bên cạnh đó, hai quy trình kỹ thuật ứng dụng CNC trong nhân giống và thâm canh măng tây xanh đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận quy trình tiến bộ kỹ thuật và áp dụng rộng rãi trong sản xuất tại địa phương cũng đã góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển lên tầm cao mới. Viện cũng đã xây dựng được quy trình kỹ thuật canh tác cho giống bắp nếp bản địa mới chọn lọc tại huyện Bác Ái với hiệu quả kinh tế vượt 10% so với giống bắp nếp khi chưa được phục tráng. Ngoài ra, còn có các quy trình kỹ thuật canh tác phù hợp cho các giống lúa sản xuất trên địa bàn tỉnh.
Viện Nghiên cứu Bông và Phát triển nông nghiệp Nha Hố triển khai có hiệu quả mô hình trồng táo trong nhà lưới kết hợp biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp. Ảnh: Văn Miên
Riêng cây ăn quả phải kể đến quy trình quản lý tổng hợp ruồi đục quả và một số sâu bệnh hại chính trên cây táo tại khu vực Nam Trung Bộ đã được Viện xây dựng, bao gồm nhiều giải pháp như: Bao lưới chắn côn trùng, sử dụng bẫy đèn, bẫy protein, bẫy dính, bẫy chua ngọt,... tưới nước tiết kiệm kết hợp bón phân vô cơ, cắt cành tạo tán thông thoáng, khoanh thân để tăng khả năng đậu quả, xử lý đất và che phủ đất bằng thực vật, màng phủ. Hiệu quả mô hình được thể hiện thông qua việc áp dụng quy trình quản lý tổng hợp cho 20 ha sản xuất giống táo bom TN05 và TN01. Quy trình giúp năng suất táo đạt 40-60 tấn/ha, giảm lượng thuốc bảo vệ thực vật sử dụng lên trên 60% và tỷ lệ quả bị ruồi đục quả gây hại giảm xuống bằng 0-5%. Bên cạnh đó, các quy trình canh tác, tiết kiệm nước cho một số cây ăn quả (nho, táo, xoài, mít, mãng cầu, nhãn, ổi) đã phát huy hiệu quả trong điều kiện khô hạn, góp phần tăng hiệu quả kinh tế 20% so với canh tác truyền thống.
Ông Phan Công Kiên, Phó Viện trưởng Viện Nha Hố, cho biết: Thời gian tới, đơn vị tập trung nghiên cứu ứng dụng CNC, cơ giới hóa, tự động hóa, ứng dụng công nghệ chế biến, bảo quản nông sản phù hợp, hiệu quả để hình thành các vùng sản xuất quy mô lớn, theo chuỗi đáp ứng nhu cầu nội tiêu và xuất khẩu. Chuyển giao, tư vấn, xây dựng các mô hình nông nghiệp CNC có tính toán cân bằng dinh dưỡng, cân bằng không khí, giảm tác động bất lợi của môi trường, tăng khả năng tự động và hiện đại hóa trong giám sát cây trồng trong nhà kính, nhà lưới. Phát triển sản xuất các loại cây trồng có sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường; sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ. Xây dựng quy trình và ứng dụng IPHM; chuyển đổi cơ cấu cây trồng; nông nghiệp sinh thái kết hợp du lịch ở những vùng có tiềm năng. Nghiên cứu chế biến sản phẩm có tiềm năng thương mại từ các loại sản phẩm đặc thù có thế mạnh của tỉnh.
Anh Tùng