Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, việc số trẻ mới sinh tại Nhật Bản giảm mạnh không chỉ phản ánh những thay đổi về lối sống do tác động của đại dịch COVID-19, mà còn là một vấn đề xã hội cấp bách tại quốc gia Đông Bắc Á này.
Ông Takuya Hoshino từ Viện Nghiên cứu Daiichi Life cho rằng, nguyên nhân chính là do tốc độ già hóa dân số của Nhật Bản đang diễn ra nhanh hơn dự báo, trong đó có sự suy giảm lớn số lượng phụ nữ ở độ tuổi từ 25-34, trong khi ngày càng ít phụ nữ dưới 25 tuổi quyết định sinh con. Một lý do khác là những người có thu nhập trung bình và thấp chịu sức ép tài chính lớn về chăm sóc con cái, nên đã từ bỏ kế hoạch sinh con.
Trong cuộc khảo sát năm 2020, thu nhập của các hộ gia đình có chủ hộ trong độ tuổi từ 25-34 có thể phân loại một cách tương đối gồm: Thu nhập thấp là dưới 3 triệu yen/năm (khoảng 22.000 USD), thu nhập trung bình là từ 3-6 triệu yen/năm (khoảng 22.000-44.000 USD) và thu nhập cao là từ 6-10 triệu yen/năm (44.000-73.000 USD). Trong đó, tỷ lệ sinh con trong các gia đình có thu nhập thấp chỉ là 20%, thu nhập trung bình là 40% đều là những tỷ lệ thấp kỷ lục.
Các em bé tham gia cuộc thi bò dành cho trẻ sơ sinh tại Yokohama,ngoại ô Tokyo, Nhật Bản. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN
Trên thực tế, từ năm 2013, Chính phủ Nhật Bản đã sớm tìm cách để ngăn chặn tình trạng tỷ lệ sinh giảm như đặt mục tiêu không có trẻ em nào phải chờ nhập học tại các trường mẫu giáo, tăng gấp đôi ngân sách cho các giải pháp khuyến khích sinh con trong tài khóa 2020 so với 10 năm trước đó. Tuy nhiên, tình hình vẫn chưa có tiến triển tích cực.
Mới đây, đảng Dân chủ Tự do (LDP) đã tổ chức cuộc hội thảo với sự tham dự của Đại sứ một số nước châu Âu từng có kinh nghiệm ứng phó với tình trạng tỷ lệ sinh giảm. Trong đó, Đại sứ Hungary tại Nhật Bản cho biết quốc gia này đang triển khai nhiều giải pháp, bao gồm cho phép các cặp vợ chồng sắp sinh con được vay một khoản không lãi suất tối đa lên tới 3,6 triệu yen (khoảng 26.000 USD) từ các tổ chức tài chính trong nước và nếu sinh con thứ 3 sẽ không phải hoàn trả khoản vay này. Trong khi đó, ở Đức, từ năm 2007, chính phủ nước này đã triển khai “Khoản trợ cấp dành cho cha mẹ” nhằm bù đắp toàn bộ khoản thu nhập của cha mẹ bị thâm hụt do nghỉ sinh và chăm con nhỏ.
Tuy vậy, theo ông Takumi Fujinami, nghiên cứu viên cao cấp Viện Nghiên cứu tổng hợp Nhật Bản, việc áp dụng kinh nghiệm của các nước trong ứng phó với tình trạng tỷ lệ sinh giảm tại Nhật Bản là không dễ dàng. Ví dụ, việc tiếp cận với các khoản vay ưu đãi không lãi suất có thể cho cảm giác không công bằng và khó được chấp nhận ở Nhật Bản. Do đó, điều cốt lõi là chính phủ phải ổn định nền kinh tế và thực hiện quyết liệt đồng loạt các chính sách phù hợp nhất đối với Nhật Bản.
Theo TTXVN/Báo Tin tức