Tăng cường quản lý đất đai, tài nguyên khoáng sản và bảo vệ môi trường hiệu quả

Nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của các cấp ủy, chính quyền trong công tác quản lý đất đai (ĐĐ), tài nguyên khoáng sản (TNKS) và bảo vệ môi trường (BVMT) để tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; ngày 10/2/2023, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 55/QĐ-UBND phê duyệt Đề án “Tăng cường công tác quản lý, sử dụng hiệu quả ĐĐ, TNKS, BVMT đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.

Mục tiêu của Đề án phấn đấu trong giai đoạn 2021-2025, hoàn thành công tác kê khai, đăng ký lần đầu các thửa đất đang quản lý, sử dụng trong năm 2022; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đối với 100% thửa đất đủ điều kiện theo quy định; hoàn thành đo đạc, lập bản đồ, hồ sơ địa chính, xây dựng cơ sở dữ liệu ĐĐ; nguồn thu từ ĐĐ hằng năm tăng bình quân từ 10-15%; 100% diện tích đất công ích được quản lý chặt chẽ, đúng quy định. Thực hiện việc cấp phép khai thác khoáng sản chủ yếu thông qua đấu giá; thay thế 30-50% cát sỏi lòng sông bằng cát nghiền nhân tạo; tỷ lệ thu nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản đạt 100% và nguồn thu nộp ngân sách hằng năm tăng bình quân từ 20-25%; có ít nhất 30% các doanh nghiệp đầu tư, thay đổi công nghệ khai thác chế biến khoáng sản.

Dây chuyển sản xuất cát nhân tạo của Công ty Cổ phần Xây dựng Ninh Thuận
tại mỏ đá Hòn Gài. Ảnh: A.Tuấn

Tỷ lệ thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị đạt từ 98,5%, nông thôn 86% trở lên; 100% chất thải rắn y tế, chất thải rắn nguy hại được thu gom, xử lý; 30% tổng lượng nước thải tại các đô thị từ loại II trở lên và 10% đối với các đô thị loại V trở lên được thu gom, xử lý; 100% khu, cụm công nghiệp và cơ sở sản xuất đã đi vào hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn; 100% các cơ sở có phát sinh nước thải, khí thải lớn thuộc danh mục quy định phải lắp đặt hệ thống quan trắc tự động, trực tuyến; tỷ lệ che phủ rừng đạt 49%; tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch ở đô thị và nước hợp vệ sinh ở nông thôn đạt từ 98% trở lên.

Định hướng giai đoạn 2026-2030, xây dựng, quản lý và khai thác cơ sở dữ liệu ĐĐ, TNKS và môi trường theo hướng hiện đại; duy trì tỷ lệ tăng thu từ ĐĐ, TNKS; nâng tỷ lệ thay thế cát sỏi lòng sông bằng cát nghiền nhân tạo và thay đổi công nghệ khai thác chế biến khoáng sản trên 50%; phấn đấu thu gom, xử lý rác thải đô thị đạt 100%; 100% các khu, cụm công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn; 50% tổng lượng nước thải đô thị loại II trở lên và 20% đối với các đô thị còn lại được thu gom, xử lý.

Để thực hiện đạt mục tiêu, chỉ tiêu nêu trên, UBND tỉnh giao Sở Tài nguyên và Môi trường làm cơ quan thường trực chủ trì triển khai thực hiện Đề án; đồng thời phối hợp, đôn đốc với các sở, ban, ngành, đơn vị, địa phương liên quan tổ chức thực hiện Đề án được phê duyệt đảm bảo chặt chẽ, hiệu quả và đúng quy định của pháp luật. Cùng với đó, rà soát, nghiên cứu tham mưu điều chỉnh hoặc ban hành mới văn bản pháp quy thuộc thẩm quyền của HĐND, UBND tỉnh để cụ thể hóa các quy định pháp luật, các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về quản lý, bảo vệ, sử dụng ĐĐ, TNKS và BVMT.

Xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch tập huấn chuyên môn nghiệp vụ, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục nâng cao nhận thức, kiến thức pháp luật về ĐĐ, TNKS và BVMT; thường xuyên đối thoại tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, kiến nghị, phản ảnh trong quá trình thực thi pháp luật về đất đai, TNKS và BVMT của doanh nghiệp và nhân dân, hạn chế tình trạng vi phạm pháp luật.

Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; nâng cao chất lượng thẩm định các hồ sơ môi trường ĐĐ, TNKS và BVMT, đảm bảo chặt chẽ, đúng trình tự thủ tục và quy định pháp luật; thường xuyên rà soát, kịp thời điều chỉnh và công bố các thủ tục hành chính theo quy định mới ban hành; hướng dẫn các chủ đầu tư dự án thực hiện và hoàn thành các thủ tục hành chính trong lĩnh vực ĐĐ, TNKS và BVMT, không để xảy ra tình trạng dự án đã đi vào hoạt động nhưng chưa thực hiện thủ tục ĐĐ, TNKS hay BVMT.

Thường xuyên tổ chức kiểm tra, thanh tra việc chấp hành pháp luật về ĐĐ, TNKS, BVMT trong quản lý nhà nước của cấp huyện, cấp xã và trong hoạt động khai thác, sử dụng ĐĐ, TNKS, BVMT của các tổ chức, cá nhân. Xử lý nghiêm đối với tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật, kịp thời tham mưu thu hồi đất những dự án đã giao, cho thuê nhưng chủ đầu tư không triển khai, triển khai không đúng tiến độ, không có năng lực thực hiện dự án; định kỳ hằng năm báo cáo đánh giá kết quả thực hiện Đề án đúng thời gian quy định.

Quyết định của UBND tỉnh cũng giao các sở, ban, ngành, đơn vị thuộc tỉnh và UBND các huyện, thành phố, UBND các xã, phường, thị trấn căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, hằng năm xây dựng kế hoạch chi tiết và tổ chức thực hiện Đề án đảm bảo kịp thời, hiệu quả, đúng quy định. Trong quá trình triển khai thực hiện đề án cần rà soát, đánh giá đầy đủ tình hình triển khai thi hành pháp luật về ĐĐ trên địa bàn và có kế hoạch, biện pháp cụ thể để chấn chỉnh, xử lý, khắc phục kịp thời những tồn tại, bất cập, hạn chế trong việc thực hiện từng nội dung nhiệm vụ quản lý ĐĐ, TNKS và BVMT. Tập trung chỉ đạo giải quyết dứt điểm các vụ tranh chấp, khiếu nại, tố cáo có liên quan đến ĐĐ, TNKS và BVMT, không để tình trạng chậm trễ, đùn đẩy trách nhiệm trong giải quyết yêu cầu, khiếu nại của người dân; ngăn ngừa các hành vi vi phạm về quản lý, sử dụng đất, TNKS dẫn tới tranh chấp, khiếu nại, tố cáo. Định kỳ hằng năm (trước ngày 5/12) báo cáo, đánh giá kết quả thực hiện Đề án cho UBND tỉnh (qua Sở Tài nguyên và Môi trường) đúng thời gian quy định.