Thư viện tỉnh góp phần lan tỏa văn hóa đọc trong cộng đồng

Trong thời đại công nghệ thông tin phát triển, văn hóa đọc đang bị tác động, ảnh hưởng không ít bởi sự bùng nổ của nhiều nền tảng, ứng dụng giải trí trực tuyến. Nhằm phát triển văn hóa đọc, thời gian qua, Thư viện tỉnh đã không ngừng đổi mới, đa dạng nhiều hoạt động nhằm thu hút bạn đọc ở nhiều lứa tuổi, qua đó góp phần lan tỏa thói quen và truyền cảm hứng đọc sách đến cộng đồng.

Thành thói quen đều đặn từ 2-3 lần/tuần, em Nguyễn Thị Bích Hậu, lớp 8/1, Trường THCS Lý Tự Trọng (Tp. Phan Rang – Tháp Chàm) lại đến Thư viện tỉnh để tìm đọc sách. Đối với em, thư viện vừa là nơi học tập, vừa là nơi giải trí. Em chia sẻ: Trong nhiều năm qua, em là bạn đọc trung thành của thư viện. Ở đây có đầy đủ bàn ghế, không gian yên tĩnh, nguồn sách phong phú, nhất là sách tham khảo, sách văn học nên em hay đến đây để đọc sách, ôn tập bài trên trường. Không chỉ có em mà nhiều bạn học cùng trường cũng rất thích đến đây mỗi lúc có thời gian rảnh rỗi.

Bên cạnh niềm đam mê, tìm tòi, học hỏi “giữ chân” bạn đọc tới thư viện, điều đáng ghi nhận, thời gian qua, Thư viện tỉnh đã không ngừng nâng cao chất lượng phục vụ, tạo sự hài lòng cho bạn đọc, qua đó nâng tổng lượt người được thư viện phục vụ của năm sau cao hơn năm trước. Trong năm 2022, Thư viện tỉnh đã phục vụ 414.407 lượt bạn đọc, tăng hơn 4 lần so với năm 2021 là 99.452 lượt. Có được con số ấn tượng như trên, đội ngũ cán bộ thư viện đã nỗ lực đổi mới, xây dựng không gian đọc hiện đại, khang trang phù hợp cho từng lứa tuổi, đối tượng bạn đọc. Tại khu vực trưng bày, các ấn phẩm sách, tài liệu được thay đổi theo từng sự kiện, chủ điểm tạo sự mới lạ. Đồng thời, thư viện tỉnh cũng đẩy mạnh chuyển đổi số để bạn đọc dễ dàng tiếp cận với sách, tài liệu như: Xây dựng chuyên mục giới thiệu tác phẩm mới, độc đáo trên hệ thống trang web thư viện tỉnh (thuvienninhthuan.vn), facebook, youtube; số hóa các tài liệu hiếm, độc đáo, các tài liệu chuyên đề; ứng dụng công nghệ thông tin vào cấp, đổi thẻ và mượn sách.

Các em học sinh đọc sách tại Thư viện tỉnh.

Ông Đinh Xuân Hương, Giám đốc Thư viện tỉnh cho biết: Được sự quan tâm của tỉnh, năm 2021, Thư viện tỉnh được nâng cấp, xây mới về cơ sở vật chất, thiết bị, vốn tài liệu sách, qua đó phục vụ đa dạng nhu cầu đọc và tìm hiểu của các tầng lớp nhân dân. Nhằm khai thác hiệu quả sự đầu tư này, Thư viện tỉnh đã bổ sung vốn tài liệu, gồm: Bản sách, tài liệu điện tử, đầu báo, tạp chí lên 279.437 tài liệu. Đồng thời, triển khai nhiều hoạt động thu hút bạn đọc, nhất là đối tượng học sinh, sinh viên đến với thư viện thông qua các cuộc thi, phong trào văn hóa– văn nghệ; duy trì các triển lãm, trưng bày sách, tài liệu nhân các sự kiện chính trị - xã hội của tỉnh, đất nước; các hoạt động hưởng ứng Ngày sách Việt Nam.

Để rút ngắn khoảng cách thụ hưởng và phát triển văn hóa đọc giữa các vùng, Thư viện tỉnh đã tổ chức đưa sách, báo phục vụ lưu động ở khắp nơi trên địa bàn tỉnh. Bằng nhiều phương pháp luân chuyển sách, báo, phối hợp tổ chức phục vụ lưu động trực tiếp và gián tiếp, sách, báo, tài liệu của Thư viện tỉnh đã có mặt khắp ở các cơ quan, đơn vị, trường học, đặc biệt là các vùng sâu, vùng miền núi, đem đến nguồn giải trí và kiến thức đến các tầng lớp Nhân dân.

Xác định công tác phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng không phải là việc làm “một sớm, một chiều” mà cần thực hiện trong thời gian dài. Do đó, thời gian tới, Thư viện tỉnh tiếp tục nỗ lực tăng cường xã hội hóa công tác thư viện nhằm tăng năng lực nguồn tin (vốn tài liệu), tăng khả năng khai thác nguồn tin (tài liệu số, cơ sở dữ liệu); tổ chức hiệu quả các dịch vụ phục vụ của thư viện như đọc tại chỗ, mượn về nhà, truy cập internet; đặc biệt triển khai có hiệu quả Dự án xe ô tô thư viện lưu động đa phương tiện phục vụ miền núi, vùng sâu, vùng xa.