Thời gian qua, thị trường Hoa kỳ, Trung Quốc chính thức mở cửa cho trái bưởi Việt Nam xuất khẩu vào các nước này. Tuy nhiên, tiêu chuẩn đặt ra là nông sản phải được sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn, cấp mã số vùng trồng và thiết lập hệ thống quản lý chất lượng để truy xuất nguồn gốc. Nắm bắt cơ hội này, ngành Nông nghiệp đã triển khai đánh giá thực địa đề nghị Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cấp mã số vùng trồng cho 23 ha bưởi da xanh trồng thí điểm ở 3 thôn: Gia É, Hành Rạc 2 và Bố Lang, xã Phước Bình (Bác Ái). Việc triển khai cấp mã số vùng trồng sẽ mở ra cánh cửa cho bưởi da xanh Phước Bình tiếp cận thị trường thế giới, nâng cao thương hiệu, giá trị kinh tế.
Chị Katơr Thị Sín ở thôn Gia É là một trong những hộ tiên phong trồng bưởi da xanh, cho biết: Thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo khuyến cáo của xã, gia đình tôi đã chuyển 5 sào đất trồng hoa màu sang trồng bưởi từ năm 2016. Cây bưởi rất thích hợp với khí hậu và thổ nhưỡng ở địa phương, cây cho quả quanh năm, những năm trước giá bưởi luôn ổn định ở mức từ 25.000 -35.000 đồng/kg nên nhiều hộ trồng bưởi có thu nhập cao từ cây trồng này. Tuy nhiên, gần 2 năm trở lại đây, giá bưởi ngày càng giảm khiến thu nhập của người trồng bưởi thấp dần. Bà con địa phương mong muốn cơ quan chức năng định hướng đầu ra ổn định và sớm cấp mã vùng trồng cho cây bưởi nhằm tạo thương hiệu cho sản phẩm bưởi Phước Bình để tiếp cận thị trường tốt hơn.
Mô hình trồng bưởi da xanh theo hướng VietGAP của gia đình chị Katơr Thị Sín
ở thôn Gia É, xã Phước Bình chuẩn bị được cấp mã số vùng trồng.
Xã Phước Bình là địa phương có diện tích trồng bưởi da xanh lớn nhất tỉnh với 193 ha, sản lượng hằng năm đạt trên 3 ngàn tấn. Diện tích, sản lượng bưởi ngày càng tăng, nhưng thị trường không mở rộng, khâu tiêu thụ phụ thuộc hoàn toàn vào thương lái nên giá cả bấp bênh. Do đó, quy hoạch lại vùng trồng, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP là hướng đi tất yếu để nâng cao giá trị kinh tế cho cây bưởi. Thời gian qua, chính quyền địa phương đã phối hợp với Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh chọn 17 hộ trồng bưởi với diện tích 23 ha ở 3: thôn Gia É, Hành Rạc và Bố Lang làm thí điểm cấp mã số vùng trồng cho cây bưởi.
Gia đình chị Katơr Thị Ghín ở thôn Gia É được chọn trồng thí điểm bưởi da xanh để cấp mã số vùng trồng, qua các đợt tập huấn chị đã nắm vững kỹ thuật trồng bưởi theo hướng VietGAP. Chị Ghín chia sẻ: Để được thiết lập mã số vùng trồng, trước hết phải thay đổi phương thức sản xuất, sản phẩm phải đạt yêu cầu tiêu chuẩn của thị trường xuất khẩu, do đó mỗi vụ bưởi gia đình tôi và các hộ thực hiện ghi chép sổ nhật ký canh tác, cách sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật an toàn, hiệu quả theo nguyên tắc 4 đúng, thu gom bao bì, chai lọ sau sử dụng và các yêu cầu kiểm dịch thực vật trên cây bưởi nhằm đảm bảo bưởi sạch, an toàn cho người sử dụng.
Ông Đa Rót Hà Phước, Chủ tịch Hội Nông dân xã Phước Bình, cho biết: Thời gian qua, địa phương thường xuyên phối hợp với ngành chức năng mở các lớp tập huấn, hướng dẫn người dân trồng bưởi theo hướng VietGAP, nhờ đó đã giúp bà con nắm bắt được kỹ thuật trong sản xuất theo hướng an toàn. Đây là cơ sở để sắp tới khi được cấp mã số vùng trồng sẽ giúp việc tiêu thụ và giá cả bưởi da xanh sẽ ổn định và thị trường tiêu thụ rộng hơn.
Ông Phạm Dũng, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh cho biết: Mã số vùng trồng là mã số định danh cho một vùng trồng trọt nhằm thuận lợi theo dõi và kiểm soát tình hình sản xuất, chất lượng sản phẩm, truy xuất nguồn gốc cây trồng. Chương trình này giúp nông dân nâng cao nhận thức về chất lượng, an toàn thực phẩm. Trong lúc đợi Cục Bảo vệ thực vật cấp mã số vùng trồng bưởi da xanh Phước Bình, đơn vị sẽ tiếp tục tổ chức tập huấn hướng dẫn cho các hộ trồng bưởi nắm bắt tốt hơn nữa những yêu cầu kỹ thuật cơ bản về giống, kỹ thuật canh tác để nâng cao chuỗi giá trị bưởi da xanh, đồng thời phối hợp với địa phương tiếp tục mời gọi các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp liên kết với nông dân sản xuất bưởi da xanh, giúp người dân nâng cao thu nhập từ loại cây trồng này.
Kha Hân