Kế hoạch xây dựng xã hội học tập tỉnh Ninh Thuận năm 2023

Ngày 5/2/2023, đồng chí Nguyễn Long Biên, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh ký ban hành Kế hoạch số 326/KH-UBND của Chủ tịch UBND tỉnh về xây dựng xã hội học tập (XHHT) năm 2023.

Kế hoạch nêu rõ: Thực hiện Báo cáo số 1648/BC-BGDĐT ngày 24/11/2022 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về báo cáo kết quả thực hiện Quyết định số 1373/QĐ-TTg ngày 30/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021-2030”;

Thực hiện Kế hoạch số 4556/KH-UBND ngày 31/8/2021 của UBND tỉnh Ninh Thuận về triển khai thực hiện Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021-2030” trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận (Sau đây gọi tắt là Kế hoạch số 4556); căn cứ nội dung đăng ký và chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị và địa phương;

Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận ban hành Kế hoạch xây dựng xã hội học tập (XHHT) năm 2023, đồng thời triển khai thực hiện Báo cáo số 1648/BC-BGDĐT ngày 24/11/2022 của Bộ Giáo dục và Đào tạo với những nội dung cụ thể như sau:

Về Mục đích và yêu cầu của Kế hoạch nhằm làm cơ sở để các Sở, ban, ngành, địa phương chủ động triển khai thực hiện công tác xây dựng XHHT theo Kế hoạch số 4556; bố trí kinh phí, lập dự toán chi theo quy định tại Thông tư số 17/2022/TT-BTC ngày 18/03/2022 của Bộ trưởng Bộ Tài chính.

Làm căn cứ để các Sở, ban, ngành, địa phương tổ chức kiểm tra, giám sát quá trình triển khai thực hiện Kế hoạch trong phạm vi chức trách nhiệm vụ được giao.

Phân công nhiệm vụ, nêu các yêu cầu cơ bản và thời gian cụ thể trong năm 2023 cho các Sở, ban, ngành, địa phương triển khai thực hiện Kế hoạch số 4556 trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.

Đề xuất các biện pháp khắc phục tồn tại, hạn chế và các kiến nghị của Bộ Giáo dục và Đào tạo nêu tại Báo cáo số 1648/BC-BGDĐT ngày 24/11/2022 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Tiếp tục phát huy vai trò của các sở, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức kinh tế, đơn vị thuộc lực lượng vũ trang nhân dân, cộng đồng dân cư và dòng họ, gia đình có trách nhiệm tạo các cơ hội học tập công bằng và điều kiện thuận lợi để mọi người trong xã hội được tham gia học tập, nhất là các đối tượng chính sách, người dân tộc thiểu số và miền núi, người bị thiệt thòi, yếu thế trong xã hội.

Tăng cường sự phối hợp chặt chẽ, thường xuyên và hiệu quả giữa các cơ quan, tổ chức, đoàn thể với ngành Giáo dục đào tạo trong kiểm tra, giám sát và triển khai thực hiện các hoạt dộng của Kế hoạch này.

Về mục tiêu, đối với xóa mù chữ và phổ cập giáo dục:

- Phấn đấu thêm 02 đơn vị thành phố Phan Rang - Tháp Chàm và huyện Ninh Hải, tổng cộng là 04/07 đơn vị đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2.

- Duy trì 100% huyện, thành phố đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi.

- Phấn đấu 100% huyện, thành phố đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 2 trở lên (hiện còn huyện Thuận Bắc đạt mức độ 1). Trong đó, duy trì 05/07 đơn vị đạt mức độ 3.

- Duy trì 100% huyện, thành phố đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 1; Phấn đấu 50% huyện, thành phố đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 2.

Về năng lực cơ bản và trình độ của người dân:

- 20% số người trong độ tuổi lao động được trang bị năng lực thông tin.

- 20% số người trong độ tuổi lao động được trang bị kỹ năng sống.

- Khoảng 20% dân số từ 15 tuổi trở lên được đào tạo trình độ chuyên môn kỹ thuật, trong đó 5% dân số có trình độ đại học trở lên.

Về hiệu quả hoạt động của các cơ sở giáo dục:

- 100% các phân hiệu đại học, các trường cao đẳng, trường trung cấp trên địa bàn tỉnh có triển khai và xây dựng học liệu số.

- 60% các cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục thường xuyên, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các cơ sở giáo dục khác triển khai hoạt động quản lý, giảng dạy và học tập trên môi trường số.

- 50% các Trung tâm VHTT (HTCĐ) ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, tổ chức hoạt động giáo dục.

Xây dựng các mô hình học tập trong xã hội:

- 40% công dân đạt danh hiệu công dân học tập triển khai theo Kế hoạch số 4083/KH-UBND ngày 19/9/2022 của UBND tỉnh.

- 100% cơ quan, đơn vị cấp tỉnh thực hiện triển khai đánh giá, xếp loại "Đơn vị học tập" theo Thông tư số 22/2020/TT-BGDĐT ngày 06//8/2020 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quy định về đánh giá, xếp loại đơn vị học tập.

Thư viện xanh Trường THCS Trần Phú (Tp.Phan Rang-Tháp Chàm) góp phần xây dựng xã hội học tập, nâng cao dân trí. Ảnh: Văn Nỷ

Kế hoạch đề ra 7 nhiệm vụ và các giải pháp, gồm có:

1. Công tác tuyên truyền

Tiếp tục tuyên truyền, phổ biến nội dung các văn bản về công tác xây dựng XHHT ; tuyên truyền về vai trò, vị trí quan trọng của công tác khuyến học, khuyến tài, học tập suốt đời và xây dựng XHHT; công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ; tổ chức và hoạt động của Trung tâm VHTT (HTCĐ). Các cơ quan, tổ chức, đoàn thể và chính quyền các cấp tích cực phối hợp với ngành Giáo dục tuyên truyền, vận động người dân tham gia học các lớp xoá mù chữ, thực hiện đạt các chỉ tiêu về phổ cập giáo dục và xoá mù chữ, đặt biệt ở các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng ven biển, vùng núi, vùng sâu.

Tuyên truyền vận động toàn dân tích cực tham gia vào công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng XHHT; phổ biến nâng cao nhận thức cho người dân và toàn xã hội về lợi ích, vai trò và tầm quan trọng của học tập thường xuyên, học tập suốt đời, xây dựng XHHT.

Tổ chức thực hiện có hiệu quả các hoạt động GDTX như: Ngày Sách Việt Nam (21/4/2023), Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời (tháng 10/2023).

Các cơ quan thông tấn, báo chí, Đài Phát thanh và Truyền hình, Đài truyền thanh các huyện, thành phố thường xuyên nêu các sự kiện, người thật, việc thật, xây dựng các chuyên đề, chuyên mục về hoạt động của Trung tâm VHTT (HTCĐ).

Kịp thời đề xuất biểu dương, khen thưởng các điển hình tiên tiến trong phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng XHHT; công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ.

2. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo

Tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng và chính quyền đối với việc học tập suốt đời, công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng XHHT.

Củng cố, kiện toàn Ban chỉ đạo xây dựng XHHT các cấp theo hướng thiết thực, hiệu quả.

Đẩy mạnh việc phối hợp của các thành viên Ban chỉ đạo xây dựng XHHT với các cơ quan, ban ngành, đoàn thể nhằm triển khai có hiệu quả và từng bước đạt các mục tiêu của Kế hoạch số 4556.

Các Sở, ban, ngành, các tổ chức hội, đoàn thể tạo cơ hội học tập suốt đời và tạo mọi điều kiện thuận lợi để đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trực thuộc được học tập suốt đời; tổ chức biên soạn các tài liệu học tập cho mọi tầng lớp nhân dân về các lĩnh vực theo chức năng và nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị; phối hợp chặt chẽ với Sở Giáo dục và Đào tạo và các cơ quan có liên quan triển khai thực hiện các nhiệm vụ xây dựng XHHT trên phạm vi toàn tỉnh.

Phát động phong trào thi đua xây dựng XHHT với nội dung, hình thức phong phú, thiết thực;nhân rộng các mô hình, cách làm mới hiệu quả; biểu dương, khen thưởng kịp thời các tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc, tiêu biểu trong công tác tuyên truyền về xây dựng XHHT.

3. Đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong tổ chức các hoạt động học tập suốt đời

Ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, công nghệ số nhằm nâng cao năng lực hoạt động của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở giáo dục thường xuyên, các thiết chế văn hóa.

Tổ chức các chương trình giáo dục trên Đài Phát thanh và Truyền hình Ninh Thuận, Báo Ninh Thuận; biên soạn và phát hành bản tin, các tài liệu tuyên truyền về xây dựng XHHT; đăng tải trên nền tảng công nghệ số của các mạng xã hội có nhiều người dùng tại Việt Nam.

4. Đẩy mạnh hoạt động của trung tâm VHTT (HTCĐ)

Tăng cường công tác phối hợp, liên kết giữa các ngành, tổ chức, đơn vị, cơ sở giáo dục, cơ sở văn hóa thể thao để tổ chức các chương trình đào tạo, bồi dưỡng thiết thực, hiệu quả gắn với phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương.

Tăng cường tổ chức các lớp phổ biến kiến thức, kỹ năng, chuyển giao công nghệ và xóa mù chữ gắn với dạy nghề truyền thống, dạy nghề ngắn hạn và phát triển cộng đồng.

Huy động có hiệu quả các nguồn lực từ cộng đồng và các tổ chức kinh tế - xã hội cho các hoạt động của trung tâm học tập cộng đồng phù hợp với điều kiện của địa phương và các quy định của pháp luật.

5. Củng cố, xây dựng Hội Khuyến học các cấp

Tiếp tục củng cố, xây dựng Hội Khuyến học các cấp vững mạnh, làm nòng cốt trong việc liên kết, phối hợp với các tổ chức, các lực lượng xã hội tham gia hoạt động khuyến học, khuyến tài, xây dựng XHHT.

6. Tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực học tập suốt đời, xây dựng XHHT và phát triển công nghệ đào tạo mở và từ xa

Khuyến khích các cơ sở giáo dục thường xuyên, cơ sở giáo dục nghề nghiệp hợp tác với trường đại học, tập đoàn công nghệ giáo dục xây dựng, kết nối và chia sẻ hệ thống học liệu điện tử, chương trình, khóa học mở, dạy học từ xa, trực tuyến hoặc kết hợp trực tiếp với trực tuyến nhằm tăng cường chất lượng giáo dục và đa dạng hoá hoạt động đào tạo, bồi dưỡng tại cơ sở giáo dục thường xuyên, cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

7. Kinh phí thực hiện

Kinh phí thực hiện Kế hoạch này từ nguồn ngân sách nhà nước theo hướng dẫn tại Thông tư 17/2022/TT-BTC ngày 18/03/2022 của Bộ trưởng Bộ Tài chính.

Căn cứ nhiệm vụ được giao trong Kế hoạch này, các ngành, đoàn thể và địa phương lập dự toán chi hàng năm đảm bảo các hoạt động này gắn kết với các chương trình, dự án liên quan do ngành, đoàn thể và địa phương chủ trì thực hiện.

Huy động các nguồn lực tài chính khác để bổ sung cho việc thực hiện Kế hoạch này.

Về tổ chức thực hiện, Kế hoạch giao các Sở, ban, ngành; các tổ chức chính trị-xã hội; tổ chức xã hội-nghề nghiệp cấp tỉnh; UBND các huyện, thành phố và các đơn vị có liên quan có trách nhiệm căn cứ vào nội dung Kế hoạch này và chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, rà soát xây dựng kế hoạch của cơ quan, địa phương mình và cụ thể hóa, phân kỳ thực hiện nhiệm vụ trong kế hoạch năm 2023; đưa nội dung xây dựng XHHT vào các chương trình, kế hoạch hoạt động, thi đua hàng năm và từng giai đoạn; xây dựng bộ phận làm đầu mối quản lý về học tập suốt đời, xây dựng XHHT.