Cụ thể, đến năm 2025, tỉnh sẽ nâng chất lượng nhà ở kiên cố và nhà ở bán kiên cố toàn tỉnh đạt tỷ lệ trên 98,5% (trước đó nhà ở kiên cố khoảng 62%, nhà ở bán kiên cố đạt khoảng 37,2%), giảm tỷ lệ nhà ở thiếu kiên cố và đơn sơ. Tổng diện tích sàn nhà ở toàn tỉnh đạt khoảng 16.034.770 m2 sàn (tăng thêm khoảng 3.577.346 m2), trong đó nhà ở xã hội (NƠXH) từ 118.190 m2 xuống còn khoảng 89.926 m2; nhà ở thương mại tăng từ 235.668 m2 lên khoảng 704.368 m2; nhà ở cho hộ gia đình có công với cách mạng từ 50.292 m2 xuống còn 24.615 m2; nhà ở cho hộ nghèo từ 327.060 m2 tăng lên 533.700 m2...
Đến năm 2030, UBND tỉnh đặt mục tiêu chất lượng nhà ở đối với nhà ở kiên cố và nhà ở bán kiên cố đạt tỷ lệ trên 99,5%, trong đó tại khu vực đô thị đạt 100%, khu vực nông thôn đạt 80%, không để phát sinh nhà ở đơn sơ trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là khu vực đô thị. Đây là một trong những mục tiêu lớn của tỉnh nếu so với Quyết định số 14/2021/QĐ-UBND với mục tiêu phấn đấu nâng tỷ lệ nhà ở kiên cố đạt 71%, nhà ở bán kiến cố đạt 28,6%, nhà ở đơn sơ giảm còn 0,4%.
Nhà ở xã hội Hacom GalaCity ở khu K1 (Tp.Phan Rang-Tháp Chàm).
Ngoài ra, trong giai đoạn đến năm 2030, UBND tỉnh đã đặt ra các mục tiêu cụ thể về chỉ tiêu diện tích (trước đó không đề cập) như tổng diện tích sàn nhà ở toàn tỉnh đạt khoảng 21.473.240 m2 (tăng thêm khoảng 5.438.470 m2), tăng diện tích NƠXH khoảng 183.871 m2 sàn và diện tích nhà ở thương mại khoảng 1.139.858 m2 sàn...
UBND tỉnh cũng xác định nguồn vốn thực hiện Chương trình phát triển nhà ở đến năm 2025 sẽ tăng thêm 19.147,58 tỷ đồng (từ 9.878,89 lên 29.026,47 tỷ đồng); trong đó, nguồn vốn trung ương 90,04 tỷ đồng, ngân sách địa phương 36,73 tỷ đồng và nguồn vốn từ doanh nghiệp, vốn hỗ trợ, cá nhân chiếm phần lớn là 28.899,70 tỷ đồng. Đến năm 2030, tỉnh sẽ cần khoảng 44.128,49 tỷ đồng (vốn doanh nghiệp, vốn hỗ trợ, cá nhân... là 44.069,05 tỷ đồng) để thực hiện chương trình.
Riêng các chỉ tiêu về diện tích nhà ở bình quân toàn tỉnh, diện tích nhà ở bình quân tại đô thị, diện tích nhà ở bình quân tại nông thôn, diện tích nhà ở tối thiểu đến năm 2025 và 2030 vẫn giữ nguyên theo Quyết định số 14/2021/QĐ-UBND.
Cũng tại quyết định vừa phê duyệt, UBND tỉnh cũng bổ sung một số giải pháp thực hiện, trong đó bổ sung quy định về các điều kiện cần đáp ứng của nhà đầu tư bảo đảm chủ đầu tư phải có đủ chức năng, năng lực, kinh nghiệm thực hiện các dự án nhà ở, ưu tiên chủ đầu tư có phương án được đánh giá cao về giải pháp quy hoạch, kiến trúc, đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, tiến độ thực hiện dự án, đưa công trình vào sử dụng, giải pháp quản lý vận hành...
Về giải pháp nguồn vốn và thuế, tỉnh sẽ huy động nguồn vốn xã hội hóa để phát triển nhà ở thông qua nhiều hình thức như: Huy động vốn của doanh nghiệp, huy động từ ngân hàng, các tổ chức tín dụng, quỹ đầu tư phát triển địa phương, cổ phiếu, trái phiếu và các nguồn vốn hợp pháp khác, nhằm tạo lập hệ thống tài chính nhà ở vận hành ổn định, dài hạn và giảm phụ thuộc vào ngân sách nhà nước; huy động hiệu quả nguồn vốn nước ngoài thông qua các cơ chế huy động tài chính quốc tế như: Quỹ đầu tư, quỹ tín thác bất động sản, liên doanh, liên kết thực hiện dự án nhà ở; tạo điều kiện cho nhà đầu tư nước ngoài tham gia phát triển NƠXH.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh cũng đặt ra giải pháp tăng cường kiểm soát hoạt động môi giới bất động sản (BĐS), kiểm soát hoạt động của các sàn giao dịch BĐS, trong đó có hoạt động giao dịch kinh doanh nhà ở; tuân chính sách điều tiết để bình ổn và đảm bảo sự ổn định, lành mạnh của thị trường BĐS tạo cơ sở để cơ quan nhà nước các cấp, các ngành có thể chủ động đề xuất, thực hiện kịp thời các giải pháp cụ thể để bình ổn, điều chỉnh thị trường BĐS và nhà ở khi thị trường rơi vào trạng thái bất ổn, “sốt nóng”, “đóng băng”...
Đối với giải pháp cải cách hành chính, thủ tục đầu tư, tỉnh sẽ thực hiện đơn giản hóa thủ tục hành chính trong quy trình đầu tư phát triển nhà ở từ bước lựa chọn chủ đầu tư, giao đất, đầu tư xây dựng dự án, cấp giấy chứng nhận sở hữu... Rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa, chuẩn hóa, thực hiện chuyển đổi số các thủ tục hành chính lĩnh vực xây dựng nhà ở hộ gia đình, riêng lẻ nhằm tăng cường sự tham gia người dân. Đẩy mạnh việc phân cấp, phân quyền, thực hiện cải cách hành chính tại địa phương.
Về định hướng phát triển đối với khu vực trung tâm đô thị là Tp. Phan Rang - Tháp Chàm, giải pháp quy hoạch, kiến trúc chủ yếu là phát triển nhà ở theo dự án, tập trung chỉnh trang, nâng cấp đô thị theo hướng hiện đại, ưu tiên quy hoạch phát triển các dự án đầu tư xây dựng nhà ở mới, từng bước chuyển đổi mô hình sang nhà ở chung cư cao tầng hiện đại thay thế nhà ở thấp tầng dọc các trục giao thông công cộng lớn hoặc các khu vực có kế hoạch thực hiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật tương ứng, đảm bảo chất lượng về không gian kiến trúc, chất lượng xây dựng công trình, hiện đại, khuyến khích phát triển các công trình xanh, tiết kiệm năng lượng, ứng dụng các công nghệ thông minh tại các dự án phát triển nhà ở. Tiến hành lập quy hoạch phân khu, rà soát quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch, bổ sung quỹ đất xây dựng NƠXH, nhà ở thương mại cho phù hợp với nhu cầu phát triển của địa phương để thực hiện trong giai đoạn tới... Đối với khu vực nông thôn, phát triển nhà ở gắn với bảo tồn và phát huy đặc trưng kiến trúc nhà ở nông thôn; kết hợp giữa việc hoàn thiện cơ sở hạ tầng theo quy hoạch nông thôn mới với xây mới và cải tạo nhà ở; tập trung ưu tiên việc cải thiện và nâng cao chất lượng nhà ở, cung cấp nước sạch, xử lý ô nhiễm môi trường, chất thải rắn.
Ngoài ra, UBND tỉnh cũng đặt ra một số giải pháp hoàn thiện thể chế, chính sách về nhà ở; giải pháp phát triển nhà ở cho thuê, nhà ở cho công nhân khu công nghiệp và người thu nhập thấp khu vực đô thị...
B.H