Họp Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ

Ngày 3/2, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo cải cách hành chính (CCHC) của Chính phủ chủ trì phiên họp thứ 3 của Ban Chỉ đạo, tổng kết công tác năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023. Tại điểm cầu tỉnh ta, đồng chí Trần Quốc Nam, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh dự họp.

Tại phiên họp, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, thời gian qua, công tác CCHC đạt được nhiều kết quả quan trọng, nhận thức về CCHC được nâng lên; việc triển khai các nhiệm vụ CCHC được tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và có chuyển biến tích cực. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy công tác CCHC. Các bộ, ngành, địa phương đã chủ động triển khai các giải pháp cụ thể để nâng cao hiệu quả công tác CCHC; công tác cải cách, hoàn thiện thể chế được chú trọng, có nhiều đổi mới, có trọng tâm, trọng điểm và hiệu quả. Công tác cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh được đẩy mạnh, phục vụ tốt hơn cho người dân và doanh nghiệp. Đặc biệt đã cắt giảm, đơn giản hóa 1.041 quy định kinh doanh tại 101 văn bản; cả nước đã thành lập 11.700 bộ phận “một cửa” các cấp để tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính. Công tác cải cách bộ máy hành chính được triển khai quyệt liệt, đạt được nhiều kết quả tích cực; cải cách công vụ, công chức có nhiều đổi mới. Giai đoạn 2020-2022, đã tuyển dụng gần 19.000 công chức và hơn 125.000 viên chức; khắc phục phần nào tình trạng gần 40.000 công chức, viên chức nghỉ việc thời gian qua. Cùng với đó, công tác chuyển đổi số quốc gia được triển khai một cách mạnh mẽ, thực chất, đẩy mạnh xây dựng Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số; các hệ thống thông tin phục vụ chỉ đạo, điều hành tiếp tục được triển khai, phát huy hiệu quả.

Đồng chí Trần Quốc Nam, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh dự họp tại điểm cầu tỉnh ta.

Tại tỉnh ta công tác CCHC, cải cách tổ chức bộ máy cũng luôn được chú trọng. Tỉnh đã đẩy mạnh triển khai sắp xếp tổ chức bộ máy các cơ quan, đơn vị, địa phương theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo tinh thần Nghị quyết số 18, 19 của Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII). Trong năm 2022, UBND tỉnh đã trình Thủ tướng Chính phủ để thành lập Trung tâm Xúc tiến đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh Ninh Thuận. Hiện toàn tỉnh đã giảm 62 văn phòng, thanh tra, phòng chuyên môn cấp tỉnh, 4 ban, chi cục, 40 phòng và tương đương; giảm 16,44% đơn vị sự nghiệp công lập, 11,74% biên chế hành chính và 10,7% biên chế sự nghiệp so với năm 2015. Bên cạnh đó đã hoàn thiện Đề án vị trí việc làm, cơ cấu ngạch công chức, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp theo đúng quy định. Tỉnh cũng đã đẩy mạnh thực hiện thi tuyển các chức danh lãnh đạo, quản lý cấp sở, cấp phòng theo đúng quy định; đẩy mạnh triển khai đồng bộ, toàn diện các nội dung trong công tác chuyển đổi số nhằm xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số.

Sau khi nghe báo cáo công tác CCHC năm 2022 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2023, các ý kiến phát biểu của các thành viên Ban Chỉ đạo, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao dự thảo báo cáo, các ý kiến phát biểu tâm huyết, thẳng thắn, trách nhiệm, phản ánh khách quan tình hình thực tế. Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Nội vụ, Văn phòng Chính phủ tiếp thu ý kiến, hoàn thiện các dự thảo báo cáo, kế hoạch của Ban Chỉ đạo. Thủ tướng nêu rõ, năm 2022 và một tháng đầu của năm 2023, trong thành công chung của cả nước, có sự đóng góp tích cực, hiệu quả của công tác CCHC. Qua đó yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phát huy kết quả đạt được, khắc phục những tồn tại, hạn chế, đề ra mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để triển khai thực hiện tốt kế hoạch hoạt động của năm 2023 và thời gian tới, tạo chuyển biến về nhận thức, hành động, có sản phẩm với hiệu quả cụ thể, đo lường được. Từ đó, tạo thuận lợi nhất, giảm chi phí cho người dân và doanh nghiệp, giảm giá thành, tăng sức cạnh tranh của hàng hóa, doanh nghiệp, nền kinh tế, đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, tạo công ăn việc làm cho người dân, thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, vì mục tiêu xây dựng đất nước hùng cường, thịnh vượng, nhân dân ngày càng ấm no, hạnh phúc.