Phát hiện đặc biệt này được tác giả công bố trong bài viết: “Hoạt động của đội Hoàng Sa trong lịch sử” trong khuôn khổ đề tài “Font tư liệu về chủ quyền của Việt Nam đối với huyện đảo Hoàng Sa - thành phố Đà Nẵng” do Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế xã hội thành phố Đà Nẵng thực hiện và sắp được nghiệm thu.
Giảng viên Quyến cho biết, sách được khắc in lần đầu vào năm Quý Sửu Tự Đức thứ 6 (1853) và được sử dụng trong tất cả trường học ngay từ đầu đời Tự Đức cũng giống như sách giáo khoa ngày nay.
Sách dạy nhiều môn, dựa trên quan điểm tam tài (thiên, địa, nhân) với nhiều ưu điểm như dạy sử Việt Nam, những ghi chép về sản vật, kiến thức về xã hội (nhân sự, niên hiệu nước Việt Nam qua các đời); thiên nhiên (thiên văn, địa lý); cách tu dưỡng bản thân. Sách có hình vẽ bản đồ Việt Nam, mặt trời, mặt trăng, thân thể con người… Vì là sách giáo khoa nên đã được khắc nhiều lần trải qua các triều vua.
Tấm bản đồ trong sách Khải đồng thuyết ước có vẽ Hoàng Sa Chử
(phần đảo Hoàng Sa được khoanh ô vuông đỏ).
Bản đồ Hoàng Sa trong Khải đồng thuyết ước có tên là "Bản quốc địa đồ" thuộc các trang 15-16 của sách. Trên bản đồ ghi vị trí các tỉnh, ngọn núi lớn từ cửa Nam Quan đến Biên Hòa, Vĩnh Long. Sau đó là những ghi chú số phủ, huyện, tổng, xã, phường, ấp, giáp, thuộc từng tỉnh.
"Phần ngoài biển đối diện với địa phận của Thừa Thiên và Quảng Nam trong bản đồ ghi chú về quần đảo Hoàng Sa với ba chữ Hoàng Sa Chử, có nghĩa là bãi (hay quần đảo) Hoàng Sa”, giảng viên Quyến nói.
Tiến sĩ Trần Đức Anh Sơn, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển kinh tế - xã hội Đà Nẵng cho biết, đây là một tư liệu quý về chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa. Khải đồng thuyết ước là sách giáo khoa in dưới triều Tự Đức, dùng để dạy cho trẻ em, trong đó có in hình bản đồ Đại Nam và trên đó ghi rõ địa danh Hoàng Sa chử (bãi Hoàng Sa). Điều này chứng tỏ triều Nguyễn đã ý thức rất rõ về chủ quyền biển đảo của tổ quốc và đưa vấn đề này vào sách giáo khoa để giáo dục trẻ em.
"Với việc phát hiện sách Khải đồng thuyết ước, lần đầu tiên chúng ta biết được có một cuốn sách giáo khoa của chế độ phong kiến đã đề cập đến chủ quyền của nước ta đối với quần đảo Hoàng Sa. Vì thế, tôi cho rằng phát hiện này rất có ích, nhất là đối với việc tuyên truyền giáo dục ý thức về chủ quyền biển đảo Việt Nam cho thế hệ trẻ”, TS. Trần Đức Anh Sơn khẳng định.
Ngày 15/6 vừa qua, giảng viên Trần Văn Quyến đã có bài tham luận về hoạt động của đội Hoàng Sa trong lịch sử tại hội thảo khoa học toàn quốc “Văn hóa biển đảo ở Khánh Hòa”. Trong đó, việc công bố bản đồ Việt Nam trong sách Khải đồng thuyết ước có vẽ về Hoàng Sa được đánh giá cao.
Nguồn vnexpress