Mùa xuân nói chuyện “trồng người”

Xác định rõ vai trò và xứ mệnh của mình, gần 48 năm sau đại thắng mùa Xuân 1975 ngành Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tỉnh ta không ngừng nỗ lực vượt khó, huy động các nguồn lực xây dựng cơ sở vật chất (CSVC) trường lớp, nâng cao chất lượng dạy học, bồi dưỡng nguồn nhân lực, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Chuẩn hóa cơ sở vật chất trường lớp

Hơn 38 năm gắn bó với sự nghiệp “trồng người”, trong đó có 28 năm công tác tại huyện miền núi Bác Ái, thầy giáo Trần Văn Huệ, giáo viên, Tổng phụ trách Đội Trường Phổ thông dân tộc bán trú TH-THCS Ngô Quyền không khỏi xúc động, bồi hồi khi nhớ về những ngày đầu mới vào nghề. Thầy giáo Huệ tâm sự: Cách đây 28 năm, tôi được nhận quyết định chuyển công tác từ Trường Phổ thông cơ sở Mỹ Sơn (Ninh Sơn) lên Trường Tiểu học Phước Đại (Bác Ái), ngôi trường có nhiều điểm lẻ như: Tà Lú 1, Tà Lú 2 và Tà Lú 3. Ngày ấy, ngôi trường là nhà gỗ, mái lợp tôn, xung quanh được bao bọc bởi những miếng ván ép mục nát, có bức tường bị hỏng, từ lớp này có thể nhìn sang lớp khác. Lớp tôi chủ nhiệm có 100% học sinh (HS) là người dân tộc Raglai, cùng lúc tôi phải dạy lớp ghép với 3 trình độ. Không chỉ chữ viết mà nhiều kỹ năng tối thiểu khác HS cũng chưa biết. Những năm gần đây, được sự quan tâm, đầu tư của tỉnh, sự đồng lòng, chung sức của ngành GD&ĐT và toàn xã hội, sự nghiệp giáo dục Bác Ái nói riêng, tỉnh ta nói chung có nhiều chuyển biến tích cực ở cả CSVC và chất lượng dạy học. Bản thân tôi cũng cảm thấy vui và tự hào vì đã đủ bản lĩnh, đủ yêu thương để vượt qua khó khăn, thử thách, “bám trường, bám lớp”, mang con chữ, các hoạt động phong trào đến HS vùng cao trong suốt 28 năm học qua.

Giờ học môn Lịch sử của cô và trò Trường THPT Tháp Chàm. Ảnh: Phan Bình

Ngược thời gian về năm học 1975-1976, năm học đầu tiên sau ngày giải phóng miền Nam, Ninh Thuận chỉ có khoảng 30.000 HS phổ thông, riêng hệ thống giáo dục mầm non hầu như không có. Thời điểm tái lập tỉnh (tháng 4/1992), hệ thống GD&ĐT tỉnh ta tuy có bước phát triển so với trước, song nhìn chung vẫn còn khó khăn, thiếu thốn. Toàn tỉnh chỉ có 199 trường mầm non, phổ thông với khoảng 82.000 HS các cấp. Các mô hình giáo dục chất lượng cao, giáo dục ngoài công lập, giáo dục HS khuyết tật, giáo dục thường xuyên - hướng nghiệp, các trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú chưa được quan tâm, chú trọng. Nhiều xã chưa có trường mầm non, tiểu học; còn phòng tranh, tre, nứa, lá, HS phải học nhờ học tạm, học ca ba; tình trạng HS lưu ban, bỏ học chiếm tỷ lệ cao...

Được sự quan tâm, chăm lo của các cấp ủy đảng, chính quyền, đến nay, ngành GD&ĐT có bước phát triển ngày càng mạnh mẽ và bền vững. Mạng lưới, quy mô trường lớp được mở rộng, phủ kín từ đồng bằng đến miền núi, vùng sâu, vùng xa. Đến đầu năm học 2022-2023, toàn tỉnh có 302 cơ sở GD&ĐT với hơn 148.000 HS và 9.600 cán bộ, giáo viên (CBGV), nhân viên. CSVC trường lớp từng bước được chuẩn hóa, sắp xếp theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Đến tháng 11/2022, toàn tỉnh có 144 trường đạt chuẩn quốc gia; trong đó có 23/89 trường mầm non, đạt 25,84% và 121/211 trường phổ thông, đạt 57,34%. Trên địa bàn tỉnh có 28 trường ngoài công lập, góp phần kiên cố hóa về CSCV, giảm tải áp lực cho các trường công lập và nâng cao chất lượng dạy và học theo hướng hội nhập quốc tế.

Nâng cao chất lượng giáo dục các cấp học

Cùng với CSVC, những năm học qua, chất lượng giáo dục đại trà và giáo dục “mũi nhọn” các cấp học trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực. Năm học 2021-2022, toàn tỉnh đoạt 10 giải HS giỏi văn hóa cấp quốc gia; Cuộc thi Khoa học kỹ thuật dành cho HS trung học cấp quốc gia đoạt 1 giải tư và 1 giải triển vọng/2 sản phẩm dự thi... Đặc biệt, đây cũng là năm học đầu tiên tỉnh ta có 1 HS được Hội Vật lý Việt Nam chọn tham dự Kỳ thi Olympic Vật lý châu Âu, 1 HS được Bộ GD&ĐT chọn tham dự Kỳ thi chọn đội tuyển Olympic năm 2022. Công tác chuẩn bị, tổ chức các kỳ thi năm 2022 chu đáo, an toàn, thuận lợi, đúng quy chế với 95,77% HS lớp 12 đỗ tốt nghiệp THPT, tăng 0,46% so với năm 2021. Kết quả xóa mù chữ, phổ cập giáo dục tiểu học và phổ cập giáo dục THCS toàn tỉnh đạt mức độ 1.

Công tác xây dựng, phát triển, bố trí, sắp xếp hợp lý đội ngũ CBGV các cấp học được quan tâm, đảm bảo về số lượng, chất lượng, có phẩm chất đạo đức, trình độ chính trị, tâm huyết với nghề, năng động, sáng tạo, học tập nâng cao trình độ, đáp ứng yêu cầu triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 theo lộ trình. Công tác giáo dục hướng nghiệp, phân luồng HS sau bậc THCS được thực hiện đúng lộ trình và đạt kết quả khích lệ. Những năm học qua, hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú được duy trì, tăng cường đảm bảo các điều kiện về CSVC để nhà trường tổ chức tốt các hoạt động giáo dục phù hợp đối tượng HS là người dân tộc thiểu số, thu hẹp dần khoảng cách chất lượng giáo dục giữa các vùng trong tỉnh. Nổi bật có thể kể đến Trường Phổ thông dân tộc nội trú Pi Năng Tắc (Bác Ái) trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 có tỷ lệ HS đỗ tốt nghiệp đạt 100%, cao hơn trung bình toàn tỉnh 4,23%; trung bình điểm thi đạt 6,511 điểm, cao hơn trung bình toàn tỉnh 0,629 điểm và xếp vị trí thứ 3 toàn tỉnh, sau Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn và Trường THPT Nguyễn Trãi.

Trường THPT Nguyễn Trãi được đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị khang trang, hiện đại góp phần nâng cao chất lượng dạy, học. Ảnh: Văn Nỷ

Đẩy mạnh chuyển đổi số nâng cao chất lượng dạy học và quản lý giáo dục, năm học 2021-2022, ngành GD&ĐT đã chuyển trạng thái dạy học thích ứng an toàn, phòng, chống dịch COVID-19 với nhiều giải pháp thiết thực, trong đó có ứng dụng công nghệ thông tin trong việc tổ chức dạy học, kiểm tra, đánh giá và quản lý giáo dục trên địa bàn toàn tỉnh. Đến nay, ngành đã hoàn thành thiết kế Hệ chương trình quản lý giáo dục tỉnh Ninh Thuận, tên truy cập là: https://qlgd.ninhthuan.edu.vn. Hệ chương trình được chạy trực tiếp trên môi trường máy chủ của UBND tỉnh đặt tại Sở Thông tin và Truyền thông. Đây là nền tảng dữ liệu số cơ bản để chuyển đổi số. Đã hoàn thành việc cập nhật, tích hợp toàn bộ dữ liệu của HS, CBGV và người lao động vào Hệ chương trình quản lý giáo dục...

Những nỗ lực và kết quả đạt được giúp ngành GD&ĐT nâng cao chất lượng dạy, học và quản lý giáo dục theo hướng toàn diện, đảm bảo sự hài lòng của người dân với chất lượng dịch vụ giáo dục trong những năm học tới; đồng thời, nâng cao trình độ dân trí, chất lượng nguồn nhân lực, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng địa phương ngày thêm khởi sắc.