Giữ rừng ở khu dự trữ sinh quyển thế giới

Khi sắc xuân đã nhuộm vàng những cành mai, nhà nhà, người người sum vầy đón Tết, thì những cán bộ, nhân viên của Vườn quốc gia (VQG) Núi Chúa - vùng lõi khu dự trữ sinh quyển thế giới vẫn cần mẫn với công việc tuần tra, kiểm soát, canh giữ những cánh rừng. Với họ, những cánh rừng ngày càng tươi xanh, hệ sinh thái rạn san hô, rong, cỏ biển ngày càng phủ rộng là niềm vui, là món quà xuân nhiều ý nghĩa.

Những người giữ rừng và biển

Những ngày cuối năm, chúng tôi có dịp cùng các nhân viên Phòng Bảo tồn VQG Núi Chúa đi thăm khu vực bảo tồn hệ sinh thái biển. Anh Phạm Anh Dũng, nhân viên Phòng Bảo tồn biển cho biết: Đây là Khu DTSQ thế giới duy nhất ở Việt Nam đại diện cho hệ sinh thái rừng khô hạn nhiệt đới với 1.514 loài thực vật quy hiếm, 345 loài động vật; trong đó, có 54 loài thực vật và 46 loài động vật quý hiếm như: Voọc chà vá chân đen, cheo lưng bạc, dải san hô nơi rùa biển vào đẻ trứng... Để bảo vệ được hệ sinh thái rừng và biển, vào những dịp lễ, Tết, Ban Quản lý VQG Núi Chúa xây dựng kế hoạch trực Tết cho cán bộ, nhân viên từ ngày 29 đến hết ngày mùng 6 Tết; triển khai phương án phối hợp với các tổ cộng đồng tuần tra, kiểm soát, chốt chặn không để “lâm tặc” lợi dụng các dịp lễ, Tết vào vùng lõi của Khu DTSQ khai thác rừng, săn bắt động vật trái phép. Cùng với đó, chúng tôi còn tổ chức các đợt tuyên truyền bảo vệ tài nguyên cho bà con tham gia các hoạt động như bảo vệ môi trường, dọn rác tại các bãi biển và trồng rừng ngập mặn tại các vùng biển quanh khu bảo tồn.

Một góc Khu DTSQ thế giới Núi Chúa. Ảnh: Phan Bình

Khu DTSQ thế giới Núi Chúa có tổng diện tích hơn 106.646 ha. Ở đây có vùng lõi là VQG Núi Chúa với diện tích 15.725 ha, vùng đệm nằm trên địa bàn các huyện: Ninh Hải, Thuận Bắc và vùng chuyển tiếp nằm trên địa bàn Tp. Phan Rang - Tháp Chàm, huyện Ninh Phước. Do địa bàn rộng lớn nên việc vận động người dân tham gia bảo tồn là rất quan trọng. Ông Cao Văn Đen, thôn Cầu Gãy, xã Vĩnh Hải cho biết: Tháng 9/2021, Khu dự trữ sinh quyển (DTSQ) thế giới Núi Chúa được tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) ghi danh là Khu DTSQ thế giới. Đó là niềm vui, là động lực để cán bộ, nhân viên của VQG Núi Chúa và cả người dân ở khu vực nỗ lực hơn nữa trong bảo tồn, phát triển hệ sinh thái rừng, biển.

Bảo vệ “ngôi nhà chung”

Lâm phần của VQG Núi Chúa được bao quanh bởi hệ thống các tuyến tỉnh lộ và quốc lộ, nên lâm phần gần như chỗ nào cũng có thể trở thành cửa rừng cho “lâm tặc”. Vì thế, càng gần Tết công việc của lực lượng giữ vườn nơi đây lại vất vả hơn. Không kể ngày nắng hay ngày mưa, những người giữ rừng ở VQG Núi Chúa vẫn âm thầm ngày đêm bảo vệ “lá phổi xanh” cho đại ngàn.

Anh Nguyễn Hữu Thành Trung, Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm Thái An tâm sự: Để bảo vệ bình yên cho những cánh rừng, đặc biệt là những ngày lễ, Tết, Trạm đã xây dựng kế hoạch, túc trực 24/24 giờ tại trạm, chốt. Anh em thay nhau phối hợp với tổ cộng đồng vác ba lô lên từng tiểu khu tuần tra, kiểm soát, chốt chặn không để “lâm tặc” lợi dụng các dịp lễ, Tết vào rừng khai thác gỗ, săn bắt động vật trái phép.

Lực lượng Trạm Kiêm lâm Thái An phối hợp với Tổ cộng đồng tuần tra, kiểm soát lâm phần đơn vị quản lý.

Mỗi một chuyến kiểm tra rừng, những người giữ rừng ở VQG Núi Chúa phải đi bộ hàng chục cây số, vượt qua bao nhiêu dốc cao, suối sâu. Nhiều hôm hai đầu gối đau nhức ê ẩm, toàn thân mệt hay là chuyện “giáp mặt” đầy rẫy những nguy hiểm với lâm tặc cũng không phải là hiếm, nhưng các anh cũng không nản lòng. Anh Nguyễn Vũ Trầm, Phó trưởng Trạm Kiểm lâm Thái An, chia sẻ: Hoạt động tuần tra rừng khá vất vả, có thể là đêm, có thể là những ngày nắng nóng hay mưa gió. Lực lượng kiểm lâm không phải là đông, bình quân một trạm từ 4-5 đồng chí, quản lý địa bàn rộng, nên mỗi lần đi kiểm tra rừng đều phải chuẩn bị võng, lều để nghỉ khi đêm đến.

Là người gắn bó cả gần chục năm với rừng, anh Cao Văn Giác, Tổ trưởng Tổ bảo vệ rừng, thôn Đá Hang cho biết: Tổ bảo vệ của chúng tôi từ 8-10 người, mỗi ngày phân công 2-3 người đi tuần. Có những chuyến đi tuần tra mất vài ngày ngủ trong rừng nhưng họ vẫn an lòng, nỗ lực, cố gắng bảo vệ rừng. Chúng tôi luôn xem việc bảo vệ rừng là bảo vệ chính ngôi nhà mình đang sống. Nên nhiều hộ dân ở đây đã tích cực tham gia nhận khoán bảo vệ rừng với mong muốn góp chút công sức của mình để bảo vệ “lá phổi xanh” ở Khu DTSQ thế giới Núi Chúa.

Chia tay các lực lượng giữ hệ sinh thái rừng và biển ở Khu DTSQ thế giới Núi Chúa, chúng tôi hiểu rằng dẫu Tết có xa nhà thực hiện nhiệm vụ nơi “đại ngàn”, nhưng tất cả đều có chung một nhiệm vụ là canh giữ hệ sinh thái rừng được sinh sôi nảy nở, để người dân ngày càng hiểu được giá trị của Khu DTSQ thế giới Núi Chúa.