Nỗ lực vượt qua khó khăn đưa kinh tế - xã hội tỉnh nhà phát triển trong năm 2023

Đất nước ta đang bước vào một mùa xuân mới, xuân Quý Mão 2023. Cùng với cả nước, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh nhà đang đón xuân trong không khí tự hào, phấn khởi trước những kết quả đạt được sau một năm đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.

Dấu ấn một năm vượt khó

Thực hiện nhiệm vụ năm 2022 trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức mới phát sinh nhiều hơn so với dự báo, nhất là giá cả nguyên liệu, nhiên vật liệu, chi phí đầu vào tăng; một số cơ chế, chính sách mới liên quan đến điện gió, điện mặt trời, các chương trình mục tiêu quốc gia chậm ban hành... Nhưng với tinh thần chủ động, quyết tâm chính trị cao, UBND tỉnh đã bám sát tinh thần chỉ đạo của Trung ương, của Tỉnh ủy, tập trung chỉ đạo, điều hành quyết liệt, linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả, sát tình hình, có trọng tâm, trọng điểm. Trong đó, tập trung các giải pháp đột phá vào các lĩnh vực còn dư địa tăng trưởng; tổ chức các hội nghị chuyên đề về công nghiệp (CN), xây dựng (XD), du lịch (DL), giải ngân vốn đầu tư công..., để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng. Nhờ đó, kết thúc năm 2022, tình hình kinh tế - xã hội (KT-XH) của tỉnh ổn định và có bước phục hồi, phát triển, tổng sản phẩm nội tỉnh (GRDP) đạt 23.486 tỷ đồng, đạt tốc độ tăng trưởng 7,42%.

Dấu ấn phát triển kinh tế của tỉnh trong năm 2022 được thể hiện rõ, đó là đến cuối năm có 11/18 chỉ tiêu Nghị quyết HĐND tỉnh giao đạt và vượt kế hoạch (KH). Tổng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh đạt 3.494 tỷ đồng, đạt 100,1% kế hoạch, trong đó thu nội địa 3.394 tỷ đồng, đạt 113,5% KH. Kinh tế biển trở thành động lực phát triển, tỷ trọng đóng góp của kinh tế biển vào GRDP năm 2022 đạt 40,71% (KH 40,6%). Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều theo chuẩn mới giảm 1,86% (KH giảm 1,5-2%). Tỷ lệ số xã đạt tiêu chí xây dựng nông thôn mới đạt 66% (KH 66-68%), trong đó có 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Tỷ lệ trường phổ thông đạt chuẩn quốc gia 58,3% (KH 55-56%). Số lao động được đào tạo nghề đạt 10.803 người, vượt 20% KH...

Đồng chí Trần Quốc Nam, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chứng kiến ký kết thỏa thuận hợp tác giữa các doanh nghiệp
tại Hội nghị xúc tiến, quảng bá du lịch Ninh Thuận tại Hà Nội năm 2022. Ảnh: V.Nỷ

Trong bức tranh tăng trưởng kinh tế của tỉnh, đáng chú ý là ngành: Nông, lâm, thủy sản đã có nhiều bứt phá, tiếp tục là bệ đỡ của nền kinh tế với tổng giá trị gia tăng đạt 6.636 tỷ đồng, tăng 4,21%, đạt 100,9% KH. Trong đó: Nông, lâm nghiệp đạt 2.744 tỷ đồng, tăng 3,86%; thủy sản đạt 3.892 tỷ đồng, tăng 4,45%, đạt 102,5% KH. Ngành CN - XD từng bước phục hồi, giá trị gia tăng toàn ngành đạt 7.608 tỷ đồng, tăng 5,52%; trong đó, đáng ghi nhận là có 11 sản phẩm chủ lực của ngành CN chế biến tăng trưởng khá, gồm: Tôm đông lạnh tăng 38,2%; nhân hạt điều tăng 2,3%; nha đam tăng 18,5%; bia tăng 12,3%; nước yến tăng 178,3%; may mặc tăng 50%; gạch nung tăng 9,5%; điện sản xuất tăng 5,5%; điện thương phẩm tăng 10,5%; nước uống được tăng 2,3%; gạch không nung tăng 10%..., góp phần đưa Chỉ số sản xuất CN chế biến tăng 21,5%, đây là mức tăng cao nhất trong 3 năm gần đây (năm 2019 giảm 9,63%; năm 2020 giảm 6,67%; năm 2021 tăng 1,53%). Các ngành dịch vụ phục hồi tích cực, tăng trưởng cao, đóng góp lớn cho tăng trưởng nền kinh tế, giá trị gia tăng ngành Dịch vụ đạt 8.005 tỷ đồng, tăng 13,79%, đạt 107,6% KH.

Đồng chí Trần Quốc Nam, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh kiểm tra tiến độ
Dự án Khu đô thị biển Bình Sơn - Ninh Chữ. Ảnh: Anh Tuấn

Chủ trương phát triển DL đẳng cấp cao được tập trung triển khai thực hiện, trong đó có 22 dự án DL đang triển khai, dự kiến đi vào hoạt động trong giai đoạn 2023-2025. Công tác quy hoạch, phát triển các khu đô thị mới, phát triển nhà ở xã hội và các dự án giao thông được tập trung chỉ đạo, triển khai đẩy nhanh tiến độ. Chương trình XD nông thôn mới tập trung triển khai có hiệu quả. Việc cơ cấu lại ngành Nông nghiệp gắn với ứng dụng khoa học - công nghệ và chuyển đổi cây trồng đạt hiệu quả hơn. Các ngành thương mại, dịch vụ, DL đã trở lại trạng thái bình thường, nên nhu cầu mua sắm, vui chơi, giải trí của người dân tăng cao. Xét theo ngành hoạt động, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt 32.000 tỷ đồng, tăng 32,4% so cùng kỳ. Hoạt động xuất khẩu thủy sản tiếp tục tận dụng các cơ hội từ hiệp định EVFTA góp phần nâng tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt 130 triệu USD, tăng 15% so cùng kỳ, vượt 8,3% KH. DL phục hồi tích cực, lượng khách DL đến tỉnh cao nhất từ trước đến nay với 2,4 triệu lượt khách, tăng gấp 2,1 lần so cùng kỳ, vượt 26,3% KH. Đặc biệt nhất là Khu dự trữ sinh quyển thế giới Núi Chúa được UNESCO công nhận; vịnh Vĩnh Hy được xếp hạng Di tích quốc gia danh lam thắng cảnh và Nghệ thuật làm gốm của đồng bào Chăm ở làng Bàu Trúc được UNESCO ghi danh vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp vào ngày 29/11 vừa qua; thông qua đó Ninh Thuận được du khách quốc tế, trong nước biết đến nhiều hơn. Đây có thể nói là niềm vui, niềm tự hào, tạo niềm tin, động lực tinh thần mạnh mẽ đưa Ninh Thuận tiếp bước tương lai theo mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV.

Công tác thu hút đầu tư có nhiều chuyển biến tích cực. Trong năm, tỉnh đã cấp quyết định chủ trương đầu tư cho 17 dự án, với tổng vốn 8.261,2 tỷ đồng; trong đó: Quyết định chủ trương đầu tư có kèm nhà đầu tư 10 dự án với tổng vốn 2.081,1 tỷ đồng; quyết định chủ trương đầu tư để làm cơ sở lựa chọn nhà đầu tư 7 dự án với tổng vốn 6.180,38 tỷ đồng. Chấp thuận chủ trương về địa điểm 5 dự án với tổng vốn đăng ký 6.679,9 tỷ đồng. Hoạt động kinh doanh của DN phục hồi rõ nét. Tính đến ngày 19/11/2022, có 477 DN thành lập mới với số vốn đăng ký 14.155,5 tỷ đồng, tăng 39,5% số DN và tăng 4 lần số vốn đăng ký so cùng kỳ. Bên cạnh đó, còn có 125 DN quay trở lại hoạt động, tăng 42% so cùng kỳ; nâng tổng số DN đang hoạt động trên địa bàn tỉnh đến nay có 3.988 DN với vốn đăng ký 93.823,8 tỷ đồng.

Góp phần phục hồi và tăng trưởng kinh tế của tỉnh còn có sự đóng góp không nhỏ từ nguồn vốn tín dụng đã đầu tư phục vụ kịp thời hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đến cuối năm 2022, tổng vốn huy động trên địa bàn tỉnh đạt 20.874 tỷ đồng, tăng 12%; tổng dư nợ cho vay đạt 36.500 tỷ đồng, tăng 9,5% (tăng 3.164 tỷ đồng) so với cuối năm 2021. Thực hiện chính sách hỗ trợ cho DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh, người lao động phục hồi sản xuất theo tinh thần Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội, Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ, đến nay tỉnh đã thực hiện 16/19 chính sách; trong đó 4 chính sách đã hoàn thành và kết thúc hỗ trợ, kết quả có 6.673 DN, hộ kinh doanh được hỗ trợ với số tiền 1.023 tỷ đồng và 3.705 cá nhân, hộ gia đình với số tiền 142 tỷ đồng. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, giáo dục, y tế, khoa học - công nghệ, được tập trung chỉ đạo theo hướng đổi mới và nâng cao chất lượng; các chính sách an sinh xã hội được triển khai đầy đủ, kịp thời; công tác cải cách hành chính, kỷ luật kỷ cương chuyển biến tích cực, rõ nét và hiệu quả hơn.

Tạo động lực mới cho tăng trưởng năm 2023

Nhìn lại kết quả phát triển KT-XH của tỉnh năm 2022 cho thấy, nhiều tiềm năng, thế mạnh được khơi dậy và khai thác hiệu quả. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, lợi thế từng ngành, từng sản phẩm được phát huy. Tuy nhiên, đánh giá một cách toàn diện cho thấy, kinh tế của tỉnh vẫn còn gặp khó khăn, một số ngành phát triển không đồng đều, nhất là tốc độ tăng trưởng GRDP không đạt KH; ngành năng lượng tái tạo là thế mạnh, đột phá của tỉnh đang gặp khó khăn, tăng trưởng thấp; một số sản phẩm CN khai khoáng, chế biến giảm sâu; một số dự án trọng điểm của tỉnh, dự án Trung tâm điện lực LNG Cà Ná giai đoạn 1 công suất 1.500 MW, Khu CN Cà Ná, hạ tầng khu CN, cụm CN có tiến độ triển khai chậm; tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công còn thấp...

Để tạo đà phục hồi và giữ vững ổn định nền kinh tế, thực hiện phương châm hành động năm 2023: “Đoàn kết, kỷ cương, quyết liệt, linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả”, với tinh thần: “Quyết tâm thật cao, tăng tốc toàn diện”, UBND tỉnh và các thành viên UBND tỉnh quyết tâm đoàn kết, thống nhất trong chỉ đạo, điều hành, nỗ lực, phấn đấu hết sức mình chỉ đạo các sở, ngành, địa phương, vận động nhân dân và cộng đồng DN trên địa bàn tỉnh tiếp tục hành động mạnh mẽ, nỗ lực phấn đấu cao nhất thực hiện tốt các chỉ tiêu đề ra. Trong đó, trọng tâm là đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học - công nghệ, chuyển đổi số, kinh tế số, xã hội số, nâng cao năng suất lao động. Tập trung xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, nhất là đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm, động lực; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển. Chú trọng phát triển toàn diện và đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.

Kết cấu hạ tầng tuyến đường Văn Lâm-Sơn Hải (Thuận Nam) được chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ. Ảnh: Văn Nỷ

Cùng với đó, UBND tỉnh tập trung quản lý chặt chẽ, sử dụng hiệu quả đất đai, tài nguyên, bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu. Đẩy mạnh cải cách hành chính, sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi; nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo điều hành và thực thi pháp luật; đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. Tăng cường công tác thông tin, truyền thông, tạo đồng thuận xã hội. Củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh, giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội.

Về nhiệm vụ cụ thể, UBND tỉnh xác định đối với ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản phấn đấu giá trị gia tăng đạt 4-5%; tập trung thúc đẩy các lĩnh vực còn dư địa tăng trưởng, tập trung thúc đẩy các dự án nông nghiệp công nghệ cao; cơ cấu nghề khai thác biển theo hướng nâng cao tỷ trọng sản phẩm có giá trị cao; cơ cấu lại ngành chăn nuôi theo hướng an toàn, hiệu quả, bền vững. Đồng thời, đẩy nhanh phê duyệt quy hoạch phân khu vùng sản xuất tôm giống tại khu vực An Hải, Sơn Hải để kêu gọi đầu tư các dự án sản xuất giống ứng dụng công nghệ cao và tìm kiếm thị trường tiêu thụ tôm giống.

Đối với ngành CN-XD, tiếp tục triển khai hiệu quả Đề án phát triển Ninh Thuận trở thành trung tâm năng lượng, năng lượng tái tạo của cả nước. Ngay sau khi Quy hoạch điện VIII được ban hành, đẩy nhanh hòa lưới điện quốc gia 433 MW đã hoàn thành và triển khai nhanh cơ chế đấu thầu giá điện, lựa chọn nhà đầu tư để sớm khởi công 275 MW dự án năng lượng; kêu gọi thu hút đầu tư dự án điện gió ngoài khơi, thủy điện tích năng, nguồn năng lượng mới (hydrogen); đẩy nhanh triển khai Thủy điện tích năng Bác Ái; khởi công Khu CN Cà Ná, đưa vào khai thác Bến 1A và hoàn thành Bến 1B Cảng tổng hợp Cà Ná; hoàn tất hồ sơ mời thầu để tổ chức đấu thầu rộng rãi quốc tế dự án Trung tâm điện lực LNG Cà Ná giai đoạn 1 công suất 1.500 MW.

Triển khai có hiệu quả Đề án phát triển kinh tế đô thị, xây dựng Phan Rang - Tháp Chàm thành thành phố thông minh; hoàn thành sớm các đồ án quy hoạch xây dựng; đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các khu đô thị mới Phủ Hà, Đầm Cà Ná, Mỹ Phước, Sông Dinh...; hoàn thành thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư, lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án Khu đô thị mới Khánh Hải. Tập trung xử lý, đầu tư hạ tầng và các dự án thứ cấp trong các khu CN: Du Long, Phước Nam và các cụm CN: Hiếu Thiện, Phước Tiến, Quảng Sơn. Đôn đốc đẩy nhanh tiến độ các dự án hạ tầng truyền tải điện 500 kV, 220 kV, 110 kV đoạn qua địa bàn tỉnh. Tiếp tục quan tâm hỗ trợ phát triển các làng nghề tiểu thủ CN gắn với phát triển DL. Phấn đấu giá trị gia tăng ngành CN đạt 16-17%, ngành XD đạt 14-15%.

Tiếp tục phát huy tiềm năng, thế mạnh, tận dụng cơ hội, dư địa tăng trưởng của nhóm ngành thương mại - dịch vụ, DL để thúc đẩy tăng trưởng của tỉnh. Triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 31/8/2021 về phát triển DL trở thành ngành kinh tế mũi nhọn giai đoạn 2021-2025 và một số chính sách hỗ trợ phát triển DL tỉnh giai đoạn 2022-2025, phấn đấu trong năm thu hút trên 2,7 triệu lượt khách DL. Đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số trong ngành tài chính, ngân hàng, viễn thông, DL. Chú trọng phát triển thương mại điện tử; thực hiện tốt chương trình “Đưa hàng Việt về nông thôn”, “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Phấn đấu giá trị gia tăng toàn ngành dịch vụ đạt 10-11%.

Tranh thủ tối đa nguồn lực hỗ trợ của trung ương, từ Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH để giúp DN hồi phục sản xuất, kinh doanh; tận dụng tốt các cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ tỉnh theo Nghị quyết số 115/NQ-CP của Chính phủ. Đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, nhất là các dự án trọng điểm quy mô lớn, dự án động lực về kinh tế trọng điểm phía Nam. Triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp để nâng cao các chỉ số đánh giá cấp tỉnh: PAR INDEX, PAPI, SIPAS, PCI, ICT, DDCI..., với quyết tâm phấn đấu cao nhất để thực hiện đạt, vượt các chỉ tiêu, nhiệm vụ mà Chính phủ, Tỉnh ủy và HĐND tỉnh giao.

Các chỉ tiêu chủ yếu trong năm 2023

- Về kinh tế: Phấn đấu đạt các chỉ tiêu: (1) Tốc độ tăng trưởng GRDP từ 10-11%; (2) GRDP bình quân đầu người đạt từ 87-88 triệu đồng/người; (3) Cơ cấu kinh tế: Nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 28-29%; CN – XD chiếm 39-40%; dịch vụ 32-33%; (4) Thu ngân sách trên địa bàn khoảng 3.658 tỷ đồng;

(5) Tổng vốn đầu tư toàn xã hội khoảng 22.200 tỷ đồng; (6) Tỷ trọng đóng góp năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào GRDP 32-33%; (7) Tỷ trọng đóng góp của kinh tế biển vào GRDP 41%; (8) Năng suất lao động khoảng 6 - 7%; (9) Tỷ trọng kinh tế số đóng góp vào GRDP 12%

- Về xã hội: Phấn đấu đạt các chỉ tiêu (1) Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều theo chuẩn mới giảm từ 1,5-2%; (2) Có 70-71% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó 4-5 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; (3) Tỷ lệ trường phổ thông đạt chuẩn quốc gia đạt 59- 60%; (4) Số lao động được đào tạo nghề đạt 9.500 người; (5) Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 65-66%, trong đó có bằng cấp, chứng chỉ là 29%; (6) Có 96-97% số xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế.

- Về môi trường: Phấn đấu đạt các chỉ tiêu: (1) Độ che phủ rừng là 47,23%; (2) Tỷ lệ số hộ dân nông thôn được cấp nước sạch hợp vệ sinh đạt 99,7% và hộ gia đình sử dụng nước sạch đáp ứng Quy chuẩn Bộ Y tế là 97%; (3) Tỷ lệ khu, cụm công nghiệp đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn 100%.

 Trong niềm hân hoan chào đón năm mới Quý Mão đầy ý nghĩa, thay mặt UBND tỉnh, Tôi thân ái gửi đến toàn thể nhân dân, cán bộ, công chức, viên chức, các chiến sĩ lực lượng vũ trang, các Mẹ Việt Nam anh hùng, các thương binh, gia đình liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng, các cựu chiến binh, cán bộ hưu trí, đồng bào các dân tộc, các tôn giáo, cộng đồng các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh lời chúc mừng năm mới dồi dào sức khỏe, hạnh phúc và nhiều thành công mới.