Phục hồi và phát triển kinh tế bền vững

Bài cuối: Đột phá, tạo thế phát triển vững chắc

Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020-2025 xác định đến năm 2025 trở thành tỉnh phát triển khá của khu vực và cả nước. Để đạt được mục tiêu đề ra, tỉnh ta tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng; huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực phát triển kinh tế.

Thu hút đầu tư có trọng điểm

Đồng chí Phan Tấn Cảnh, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: Để phấn đấu xây dựng Ninh Thuận trở thành tỉnh phát triển khá của khu vực và cả nước, tỉnh xác định đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) nhanh, bền vững. Trong rất nhiều nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện mục tiêu đề ra, tỉnh chỉ đạo ngành chức năng, các địa phương làm tốt công tác thu hút đầu tư bằng việc khuyến khích và tạo mọi điều kiện thuận lợi về cơ chế chính sách, thủ tục đầu tư thông thoáng; ưu đãi về miễn, giảm tiền thuê đất, thuế thu nhập doanh nghiệp (DN), thuế nhập khẩu; thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho nhà đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho DN phát triển sản xuất, kinh doanh trên địa bàn, nhất là đầu tư các dự án, công trình trọng điểm, động lực, nhằm tạo động lực thúc đẩy phát triển KT-XH.

Trên cơ sở chính sách từ Nghị quyết số 115/NQ-CP của Chính phủ về việc thực hiện một số cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ tỉnh Ninh Thuận phát triển KT-XH, ổn định sản xuất, đời sống nhân dân giai đoạn 2018 - 2023, chấp thuận chủ trương phát triển tỉnh Ninh Thuận thành trung tâm năng lượng tái tạo (NLTT) của cả nước và đồng ý bổ sung các khu DL Bình Tiên - Vĩnh Hy, Cà Ná - Mũi Dinh vào các khu du lịch (DL) quốc gia thuộc Quy hoạch tổng thể phát triển DL Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Theo đó, Ninh Thuận sẽ ưu tiên phát triển các lĩnh vực trọng điểm như: NLTT, DL đẳng cấp acao, nông nghiệp đặc thù ứng dụng công nghệ cao gắn với công nghiệp chế biến và kinh tế đô thị. Đây vừa là những ngành thế mạnh của tỉnh vừa là xu hướng phát triển bền vững theo mô hình kinh tế “xanh và sạch”.

Cảng biển tổng hợp Cà Ná (Thuận Nam) đang trong giai đoạn thi công. Ảnh: Anh Tuấn

Nhằm đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm, tỉnh chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương và các nhà đầu tư phải tăng cường phối hợp chặt chẽ, tích cực, giải quyết rốt ráo dứt điểm các vướng mắc. Đôn đốc các nhà đầu tư tập trung nguồn lực, triển khai thực hiện dự án một cách quyết liệt, nghiêm túc, thể hiện uy tín, trách nhiệm theo đúng cam kết đầu tư; khẩn trương hoàn tất các hồ sơ, thủ tục theo quy định, đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện dự án. Đối với vùng dự án Nhà máy điện hạt nhân, tỉnh tiếp tục tuyên truyền, vận động, đồng hành cùng người dân trong khu vực quy hoạch, để người dân yên tâm sản xuất, ổn định cuộc sống. Mặt khác, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét hướng tháo gỡ để người dân thực hiện một số quyền sử dụng đất đúng quy định pháp luật. Trong đó chú trọng thực hiện xây dựng đầu tư, nâng cấp các công trình hạ tầng thiết yếu, tạo điều kiện thu hút đầu tư phát triển kinh tế của địa phương trong thời gian đến.

Với mục tiêu xây dựng Ninh Thuận trở thành trung tâm NLTT của cả nước, tỉnh tiếp tục kiến nghị Trung ương tháo gỡ khó khăn về cơ chế; sớm phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Quy hoạch Điện VIII) và ban hành chính sách giá điện đối với các dự án NLTT làm cơ sở triển khai thực hiện đồng bộ với các quy hoạch; xem xét giá bán điện đối với các dự án đã đầu tư xây dựng hoàn thành nhưng chưa được công nhận đấu nối lưới điện quốc gia, đồng thời cập nhật, tích hợp các nguồn năng lượng hiện có của tỉnh vào Quy hoạch điện VIII; đầu tư hạ tầng truyền tải kịp thời để đấu nối đồng bộ với các dự án nguồn điện, đáp ứng mục tiêu phát triển KT-XH. Có cơ chế, chính sách khuyến khích thu hút vốn ngoài nhà nước đầu tư xây dựng vào hệ thống truyền tải điện quốc gia phù hợp với tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/2/2020 về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Phát huy giá trị khác biệt

Trong định hướng phát triển thời gian tới, tỉnh ta dựa trên kịch bản “tăng trưởng khá” gắn với 5 cụm ngành quan trọng gồm: Năng lượng và NLTT; du lịch đẳng cấp cao; công nghiệp chế biến, chế tạo; nông nghiệp công nghệ cao; xây dựng và kinh doanh bất động sản. Đồng thời xác định các khâu đột phá như: Nâng cao năng lực cạnh tranh; hoàn thiện cơ sở hạ tầng; ứng dụng khoa học công nghệ, phát triển kinh tế số và tăng cường năng lực tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4; phát triển nguồn nhân lực; lấy kinh tế biển, kinh tế đô thị làm 2 động lực và lấy con người làm hạt nhân phát triển.

Để hoàn thiện kết cấu hạ tầng KT-XH, tỉnh đang phối hợp với các bộ, ngành trung ương xây dựng hoàn chỉnh tuyến cao tốc Bắc - Nam đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo. Đồng thời hoàn thành tuyến đường kết nối Cảng biển tổng hợp Cà Ná với tuyến cao tốc Bắc-Nam, các trục giao thông liên vùng hành lang Đông-Tây lên các tỉnh Nam Tây Nguyên; kêu gọi đầu tư xây dựng sân bay lưỡng dụng Thành Sơn, thu hút đầu tư khôi phục tuyến đường sắt răng cưa Tháp Chàm - Đà Lạt; tuyến đường sắt chuyên dụng nối cảng Cà Ná đến ga Cà Ná. Đưa vào khai thác, sử dụng cảng biển tổng hợp Cà Ná có khả năng đón nhận tàu trọng tải trên 300.000 tấn. Hình thành Trung tâm logistics gắn với cảng biển Cà Ná và cảng biển Ninh Chữ. Qua đó đưa Ninh Thuận trở thành cửa ngõ giao thương quốc tế cho cả vùng Nam Trung Bộ và Tây Nguyên.

Với những tiềm năng, lợi thế và tư duy, tầm nhìn mới, cách tiếp cận mới, cùng với Quy hoạch tỉnh Ninh Thuận thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050 đang đề xuất Chính phủ phê duyệt được kỳ vọng sẽ tạo ra những nguồn lực mới giúp tỉnh ta tăng tốc, bứt phá trên chặng đường mới, hướng tới trở thành tỉnh khá của khu vực và cả nước vào năm 2025. Có mức thu nhập bình quân thuộc nhóm trung bình cao của cả nước vào năm 2030 và trở thành tỉnh phát triển toàn diện, có thu nhập cao vào năm 2050.