Phục hồi và phát triển kinh tế bền vững

Bài 2: Nhiều rào cản, khó khăn cần được tháo gỡ

Là một địa phương ít tiềm năng phát triển, Ninh Thuận chọn hướng đi riêng, phát triển dựa trên những giá trị khác biệt, biến những bất lợi của tỉnh trở thành lợi thế cạnh tranh, biến thách thức thành cơ hội phát triển. Trong tiến trình phát triển vươn lên, Ninh Thuận đang gặp những rào cản lớn, những khó khăn, thách thức mới cần được tháo gỡ để phục hồi, tăng trưởng bền vững.

Vướng cơ chế trong phát triển năng lượng

Trong những năm gần đây Ninh Thuận đã phát huy, khai thác tối đa tiềm năng lợi thế để phát triển năng lượng tái tạo (NLTT) hướng tới xây dựng tỉnh thành trung tâm năng lượng, NLTT của nước. Từ cơ chế chính sách đặc thù hỗ trợ tỉnh theo Nghị quyết số 115-NQ/CP ngày 31/8/2018 của Chính phủ, tỉnh đã bổ sung các quy hoạch phát triển điện gió, điện mặt trời, thủy điện và điện khí LNG, qua đó đã thu hút được nhiều nhà đầu tư lớn, có uy tín tham gia đầu tư nhiều dự án quy mô lớn và triển khai hoàn thành đưa vào hoạt động, đóng góp lớn cho tăng trưởng của tỉnh. Mặc dù vậy, trong quá trình triển khai thực hiện các dự án đầu tư NLTT trên địa bàn tỉnh thời gian qua còn gặp phải nhiều khó khăn, vướng mắc. Định hướng phát triển và chỉ tiêu năng lượng đóng góp lớn cho tăng trưởng năm 2022, nhưng Quy hoạch điện VIII và chính sách giá điện gió, điện mặt trời chưa ban hành làm giảm mạnh tăng trưởng; hệ thống dẫn nối và truyền tải điện còn nhiều bất cập, chưa được đầu tư kịp thời, nâng cấp để đáp ứng nhu cầu giải tỏa công suất các dự án điện.

Dự án Khu du lịch Mũi Dinh Ecopark là những dự án du lịch lớn, quan trọng, địa điểm dự án nằm ở những vị trí đẹp,
nhiều lợi thế nhưng tiến độ triển khai vẫn rất chậm trễ. Ảnh: Mai Phương

Đồng chí Đạo Văn Rớt, Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết: Trong 46 dự án 3.078 MW đã đầu tư xây dựng hoàn thành, chỉ có 2.831 MW được công nhận vận hành thương mại (COD) phát điện lên lưới điện quốc gia; còn lại 247 MW (gồm 154 MW điện mặt trời, 93 MW điện gió) chưa được công nhận COD, do chưa có giá FIT 2 điện gió, 3 điện mặt trời. Trong các dự án đưa vào vận hành thương mại phát lên lưới điện, hiện nay vẫn còn bị cắt giảm công suất; việc cắt giảm này làm thiệt hại và ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả đầu tư dự án và phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) của tỉnh. Trong khi đó, các công trình lưới điện truyền tải đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh bổ sung Quy hoạch điện VII điều chỉnh, hầu hết đầu tư triển khai chậm, không đồng bộ với nguồn điện, dẫn đến việc giải phóng công suất đưa vào vận hành đang gặp khó khăn.

Bên cạnh đó, thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất liên quan đến đất rừng, đất nông nghiệp còn nhiều khó khăn và thời gian thực hiện kéo dài; việc hướng dẫn đấu thầu, đấu giá lựa chọn nhà đầu tư chưa được ban hành; việc tiếp cận và huy động các nguồn vốn từ các ngân hàng còn hạn chế đã ít nhiều tác động làm ảnh hưởng đến niềm tin, nhận thức và hành động của các nhà quản lý, nhà đầu tư và người dân vùng dự án...

Còn nhiều dự án chậm tiến độ

Thời gian qua, mặc dù tỉnh đã luôn quan tâm, tạo mọi điều kiện để các đơn vị, doanh nghiệp triển khai thuận lợi các công trình, dự án. Tuy nhiên vẫn còn nhiều dự án chậm tiến độ, nhất là các dự án du lịch (DL) gây lãng phí nguồn lực đất đai, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư. Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, hiện nay trên địa bàn tỉnh có trên 20 dự án DL đang triển khai thực hiện. Trong đó có 6 dự án đã giao đất; 3 dự án giao đất gia hạn tiến độ sử dụng; 4 dự án đã giao đất, tiến độ thực hiện chậm... Trong đó, có một số dự án tuy đã được cấp phép chủ trương đầu tư từ nhiều năm trước, nhưng đến nay vẫn chưa đi vào hoạt động. Đơn cử như các Dự án Resort Spa Nho - Trang trại trồng nho - Nhà máy Rượu vang tại xã Vĩnh Hải (Ninh Hải), Dự án Khu DL khách sạn và giải trí phức hợp Khánh Hải, Dự án Khu DL sinh thái nghỉ dưỡng cao cấp Hòn Đỏ, Khu Resort nghỉ dưỡng cao cấp tiêu chuẩn quốc tế 5 sao, Dự án Khu nghỉ dưỡng cao cấp Aminia- Ninh Chữ và Dự án Khu DL Mũi Dinh Ecopark, đều là những dự án DL lớn, quan trọng, địa điểm dự án nằm ở những vị trí đẹp, với nhiều lợi thế, có giá trị cao, kỳ vọng tạo động lực thúc đẩy phát triển KT-XH và ngành DL của tỉnh, nhưng tiến độ triển khai vẫn rất chậm trễ.

Đồng chí Lê Kim Hoàng, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Mặc dù thời gian qua, UBND tỉnh cùng các ngành, địa phương luôn quan tâm, kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ giải quyết các khó khăn, vướng mắc đối với các dự án, nhưng nhà đầu tư chưa thể hiện sự quyết tâm, chưa tập trung nguồn lực đẩy mạnh triển khai thực hiện dự án một cách quyết liệt, còn làm cầm chừng hoặc đề xuất nhiều lý do như: Điều chỉnh dự án, quy hoạch chi tiết... làm chậm tiến độ triển khai dự án, chưa đáp ứng yêu cầu đề ra, đồng thời lãng phí nguồn lực đất đai của tỉnh, làm mất cơ hội cho các nhà đầu tư khác và ảnh hưởng đến môi trường thu hút đầu tư, giải quyết việc làm, thu ngân sách của tỉnh.

Một trong những quy hoạch tại Ninh Thuận được người dân, dư luận thời gian qua đặc biệt quan tâm đó là Dự án Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và Ninh Thuận 2. Từ 13 năm trước (2009), hai dự án điện hạt nhân được Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư. Tuy nhiên đến năm 2016, Quốc hội đã cho dừng chủ trương đầu tư dự án này. Như nhiều “quy hoạch treo” khác, nhiều năm qua, cuộc sống của người dân trong khu vực quy hoạch, xã Phước Dinh (Thuận Nam) và xã Vĩnh Hải (Ninh Hải) luôn trong tình trạng khó khăn bởi hiện nay Đề án ổn định lại đời sống người dân, phát triển khu dân cư ở các vị trí được quy hoạch để xây nhà máy điện hạt nhân trước đây vẫn chưa được Chính phủ phê duyệt, do vấn đề quy hoạch chưa được giải quyết. Từ đó người dân bị hạn chế quyền sử dụng đất, không được mua bán, không được chuyển nhượng hay thế chấp đất để vay vốn sản xuất; không được xây dựng, cải tạo nhà ở, cơ sở hạ tầng, các công trình phúc lợi không được đầu tư hiện đang bị hư hỏng xuống cấp. Người dân trải qua thời gian dài chờ đợi, không ổn định được sản xuất, đời sống gặp nhiều khó khăn, bức xúc... Phát biểu tại diễn đàn Quốc hội về về thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch, đồng chí Đàng Thị Mỹ Hương, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh cho rằng: Từ khi Quốc hội khóa XIV có chủ trương dừng thực hiện, đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận vào năm 2016 đến nay, các vấn đề về quy hoạch làm ảnh hưởng tới đời sống, kinh tế của người dân vẫn chưa được giải quyết, gây bức xúc, làm ảnh hưởng tới thu hút đầu tư và phát triển KT-XH tại địa phương. Ninh Thuận đề nghị trung ương sớm xem xét, cho ý kiến chính thức về chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, đồng thời sớm giải quyết vướng mắc để địa phương tiếp tục thu hút vốn đầu tư, phát triển bền vững.

--------------------------------------
(MỜI XEM TIẾP KỲ SAU)
(Bài cuối: Đột phá, tạo thế
phát triển vững chắc)