Nguồn cung dồi dào, giá cả ổn định
Năm 2022, dịch COVID-19 được kiểm soát, hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh đã ổn định và phục hồi mạnh mẽ. Tình hình cung cầu các mặt hàng thiết yếu được bảo đảm, nguồn hàng hóa dồi dào, đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiêu dùng của người dân, không để xảy ra tình trạng hàng hóa tăng giá đột biến. Theo Sở Công Thương, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của tỉnh trong năm đạt 32.163,6 tỷ đồng, tăng 33% so với năm trước, tăng 15,7% kế hoạch, cũng là mức tăng trưởng cao nhất trong các năm từ 2016-2022. Nhằm duy trì và đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân, nhất là trong dịp tết Nguyên đán Quý Mão 2023, các DN, trung tâm thương mại, siêu thị trên địa bàn tỉnh đã xây dựng kế hoạch, phương án dự trữ hàng hóa. Đồng thời, tham gia kế hoạch bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa, ổn định thị trường.
Trong dịp Tết, tỉnh ta có 4 DN tham gia dự trữ hàng hóa phục vụ Tết, với tổng trị giá khoảng 16 tỷ đồng, gồm: 12.000 tấn gạo, nếp; 900 tấn thịt heo, bò; 1.000 tấn thịt gà, vịt; 10.000.000 quả trứng gà, vịt; 350 tấn thực phẩm chế biến; 610.000 lít dầu ăn; 200 tấn đường và 10.000 tấn rau, củ, quả tươi.
Theo khảo sát của phóng viên, tại các siêu thị, cửa hàng tiện lợi, hàng hóa được sắp xếp, trưng bày với nhiều mặt hàng phong phú, đa dạng và bảo đảm chất lượng nhằm phục vụ người tiêu dùng mua sắm Tết một cách tốt nhất. Lượng khách đến tham quan, mua sắm những ngày này cũng bắt đầu đông, các mặt hàng thiết yếu, bánh kẹo, mứt chất lượng cao vẫn được người dân quan tâm mua sắm.
Siêu thị Co.opmart Thanh Hà bảo đảm nguồn hàng phục vụ người dân
mua sắm trong dịp Tết. Ảnh: Hồng Nguyệt
Bà Nguyễn Thị Ánh Đào, Giám đốc Siêu thị Co.opmart Thanh Hà, cho biết: Để chuẩn bị cho dịp Tết, Co.opmart Thanh Hà đã lên kế hoạch dự trữ hàng hóa tăng khoảng 7% so với tết Nguyên đán 2022 và tăng 30% so với những tháng bình thường, riêng thực phẩm tươi sống và mặt hàng thiết yếu, bánh, kẹo, mứt tăng đến 90%. Tổng lượng hàng hóa dự trữ đạt 25 tỷ đồng, hiện siêu thị có trên 20.000 mặt hàng, năm nay đơn vị trưng bày thêm khoảng 20 mặt hàng OCOP địa phương như: Mứt rong sụn, rong nho, nước mắm... đáp ứng đủ nhu cầu mua sắm của bà con dịp Tết. Bên cạnh đó, siêu thị cũng triển khai nhiều chương trình khuyến mãi, ưu đãi giảm giá để kích cầu người tiêu dùng.
Cùng với siêu thị Co.opmart Thanh Hà, siêu thị WinMart cũng chuẩn bị lượng hàng dự trữ khoảng 70%, với tổng trị giá hơn 20 tỷ đồng, chủ yếu là các mặt hàng thiết yếu, thực phẩm tươi sống và bánh mứt kẹo nhằm phục vụ nhu cầu khách hàng trong dịp tết Nguyên đán.
Đồng chí Trần Quốc Sanh, Phó Giám đốc Sở Công Thương, cho biết: Thị trường hàng hóa gần Tết được dự đoán sôi động hơn nhiều so với cùng kỳ năm trước, tăng khoảng 10-15%. Nhu cầu hàng hóa tăng cộng với việc tết Dương lịch và tết Nguyên đán gần nhau nên công tác dự trữ chuẩn bị cho dịp tết Nguyên đán đã được các DN chuẩn bị sẵn sàng phục vụ bà con mua sắm. Lượng hàng hóa dự trữ cũng tăng so với cùng kỳ năm trước, trong đó tập trung chủ yếu đối với một số mặt hàng thiết yếu như: Gạo, thực phẩm tươi sống, thực phẩm chế biến, dầu ăn, đường... giá cả sẽ giữ ở mức ổn định, không biến động nhiều. Ngoài các DN, trung tâm thương mại, siêu thị tham gia bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa, ổn định thị trường dịp Tết, trên địa bàn các huyện, Tp. Phan Rang- Tháp Chàm còn có số lượng lớn hàng hóa của các tiểu thương tại 103 chợ, 35 cửa hàng tiện lợi và hàng ngàn cửa hàng kinh doanh tổng hợp dự trữ hàng hóa phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân.
Thời điểm này, giá cả hàng hóa trên địa bàn tỉnh tương đối ổn định, thị trường hàng hóa sôi động; mẫu mã, chủng loại hàng hóa đa dạng, phong phú, chất lượng bảo đảm, đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng của người dân trong dịp Tết cổ truyền của dân tộc.
Đa dạng hàng hóa tại các chợ nông thôn
Nhằm phục vụ mua sắm của người dân dịp tết Nguyên đán Quý Mão 2023, thời điểm này nhiều tiểu thương ở các chợ nông thôn trên địa bàn tỉnh đang tập trung chuẩn bị nguồn hàng hóa và bày bán nhiều sản phẩm phục vụ mua sắm của người tiêu dùng trong dịp Tết.
Người dân mua sắm tại chợ Phú Quý, thị trấn Phước Dân (Ninh Phước). Ảnh: Tiến Mạnh
Với lợi thế nằm ở khu vực trung tâm huyện, chợ Phú Quý, thị trấn Phước Dân (Ninh Phước) có sức mua sắm cao hơn các chợ nông thôn khác trên địa bàn, nhất là vào dịp Tết. Vì vậy, ngay từ những ngày đầu tháng Chạp, nhiều tiểu thương kinh doanh tại chợ Phú Quý đã bắt đầu nhập hàng với số lượng lớn các mặt hàng thiết yếu, với nhiều mẫu mã mới, chủ yếu là hàng hóa sản xuất trong nước, phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân trong dịp Tết. Đến thời điểm này, các tiểu thương đã trưng bày các sản phẩm bắt mắt nhằm thu hút khách hàng đến mua sắm. Bà Lương Thị Bé, tiểu thương tại chợ Phú Quý cho biết: Ngày Tết sức mua của người dân tăng mạnh so với ngày thường, để bảo đảm nguồn hàng cung ứng, cửa hàng đã nhập hàng với số lượng tăng thêm 15% so với ngày thường và chủ yếu nhập những mặt hàng truyền thống như: Các loại bánh, kẹo, mứt, các loại trà, nước ngọt... phù hợp với sở thích của người dân nông thôn. So với mọi năm, hàng hóa năm nay không chỉ đa dạng, phong phú về mẫu mã, chủng loại đến chất lượng mà nhãn mác, bao bì sản phẩm cũng được các DN chú trọng, đáp ứng tốt nhu cầu, thị hiếu của khách hàng, giá cả các mặt hàng vừa phải. Hiện tại các loại bánh có giá phổ biến từ 30.000 - 80.000 đồng/hộp, một số loại cao cấp có giá từ 100.000 - 200.000 đồng/hộp...
Không khí mua sắm tại các chợ trên địa bàn huyện Ninh Hải trong những ngày này cũng sôi động không kém. Tại chợ Dư Khánh (thị trấn Khánh Hải), các sạp hàng bố trí hàng hóa khá ngăn nắp, thu hút thị hiếu của khách hàng. Chị Nguyễn Thị Kim, chủ cửa hàng tạp hóa tại chợ Dư Khánh cho biết: Vào dịp Tết chợ đông đúc hơn ngày thường, nên tôi đã chủ động nhập số lượng hàng về để phục vụ người dân mua sắm Tết. Các mặt hàng đa dạng, phong phú về mẫu mã, chất lượng, đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân. Đến thời điểm này, sức mua sắm của người dân bắt đầu tăng dần khoảng 40-50% so với ngày thường và có khả năng tăng cao trong những ngày tới.
Theo quan sát của phóng viên tại các chợ nông thôn, không chỉ tiểu thương kinh doanh các mặt hàng bánh, kẹo, mứt “vào vụ” mà các mặt hàng nhu yếu phẩm, đồ dùng sinh hoạt, giày, dép, quần áo... thu hút khá đông người tiêu dùng lựa chọn và mua sắm. Đặc biệt, các sản phẩm mang thương hiệu Việt được bày bán phổ biến, giá cả phù hợp, người mua rất hài lòng. Chị Nguyễn Thị Hồng Vy, xã Tri Hải (Ninh Hải) chia sẻ: Những năm gần đây, hệ thống phân phối hàng Việt ngày càng được mở rộng đến các chợ nông thôn nên được nhiều khách hàng ưu tiên, lựa chọn. Đặc biệt, các mẫu hàng quần áo, giày, dép, đồ gia dụng bày bán ở chợ tương đối đa dạng, mẫu mã được cải tiến, chất lượng tốt, mang thương hiệu hàng Việt được người dân nông ưa chuộng, giá cả hợp lý. Nên khi mua sắm hàng hóa phụ vụ Tết tại chợ tôi rất yên tâm và hài lòng với các sản phẩm hàng Việt.
Chợ nông thôn được xem là kênh mua sắm chủ yếu của người dân vùng nông thôn. Vì vậy, để đưa các sản phẩm đến tay người tiêu dùng, trong thời gian này, cùng với sự chuẩn bị chu đáo về hàng hóa của tiểu thương tại các chợ, các DN, siêu thị trên địa bàn tỉnh đang tích cực đẩy mạnh cung cấp hàng hóa đến tận khu vực chợ nông thôn, với nhiều chuyến hàng lưu động bình ổn giá phục vụ người dân; các chương trình khuyến mãi giảm giá hợp lý, tạo thêm kênh mua sắm đa dạng, đáp ứng tốt nhu cầu tiêu dùng của người dân trong dịp tết Nguyên đán Quý Mão 2023.
Có thể nói, với lượng hàng hóa được chuẩn bị chu đáo từ tiểu thương, dịp tết Nguyên đán Quý Mão 2023 người dân sẽ không lo thiếu hàng, giá tăng cao. Cùng với sự chuẩn bị của các hộ kinh doanh, các sở, ngành, chính quyền địa phương tăng cường công tác theo dõi, giám sát và thông báo kịp thời những hành vi mua bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, bảo đảm cho người dân đón một cái Tết an toàn, đầm ấm.
Hồng Nguyệt - Tiến Mạnh