Năm 2022, tuy dịch COVID-19 đã được kiểm soát, nhưng những tác động bất lợi khách quan đã ảnh hưởng rất lớn đối với phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) của tỉnh và hoạt động sản xuất, đời sống nhân dân. Với tinh thần chủ động, trách nhiệm, nỗ lực cao của các cấp, các ngành, cùng với sự chung sức, đồng lòng của Nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp (DN), kinh tế của Ninh Thuận được duy trì ổn định và có bước phục hồi, phát triển, các chính sách an sinh xã hội được đảm bảo, ổn định đời sống cho nhân dân.
Vững vàng vượt qua sóng gió để phục hồi và phát triển sau đại dịch, năm 2022 tỉnh đã hoàn thành nhiều chỉ tiêu phát triển KT-XH quan trọng, với tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 7,42%; thu ngân sách đạt 3.494 tỷ đồng và đạt 100,1% dự toán. Thu nhập bình quân đầu người, đạt 76,8 triệu đồng/người/năm, tăng 8,4 triệu so với năm 2021. Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều theo chuẩn mới giảm 1,86%, đưa tỷ lệ hộ nghèo chung của tỉnh xuống còn 5,93%.
Sự phục hồi, vươn lên của nền kinh tế tỉnh còn thể hiện rõ ở lĩnh vực phát triển DN và kinh tế tập thể. Với việc tỉnh luôn đồng hành, hỗ trợ và kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho nhà đầu tư, hoạt động DN đã có bước phục hồi rõ nét. Trong năm có 477 DN thành lập mới với tổng vốn đăng ký 14.155 tỷ đồng, tăng 39,5% số DN và tăng 5,02 lần số vốn so với cùng kỳ. Số DN quay trở lại hoạt động tăng 42%. Hàng trăm DN tiếp tục mở rộng quy mô, tăng năng lực sản xuất. Nâng tổng số DN đang hoạt động lên 3.988 DN với tổng vốn 93.823 tỷ đồng.
Du khách tham quan Khu du lịch Vĩnh Hy, xã Vĩnh Hải (Ninh Hải). Ảnh: V.M
Trước tình hình ngành Công nghiệp (CN) năng lượng đang gặp khó khăn do điều kiện khách quan, tỉnh đã chỉ đạo chuyển hướng thúc đẩy tăng trưởng ngành CN chế biến, chế tạo đạt kết quả tích cực. Sau 3 năm giảm và tăng trưởng chậm, ngành CN chế biến đã phát triển trở lại với Chỉ số sản xuất tăng 21,5% so với năm trước; 11 sản phẩm chủ lực phục hồi và tăng trưởng khá.
Tận dụng cơ hội ngành Du lịch mở cửa trở lại, Ninh Thuận đã đẩy mạnh các giải pháp nhằm kích cầu, thu hút phát triển du lịch. Hàng loạt hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Quảng Nam... đã mang lại hiệu quả cao. Số lượng khách du lịch đến Ninh Thuận cao nhất từ trước đến nay với 2,4 triệu lượt khách, vượt 26,3% kế hoạch, tổng doanh thu ngành Du lịch tăng gấp 2,4 lần so cùng kỳ.
Ông Nguyễn Văn Hòa, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: Năm 2022, với sự kiện Vườn quốc gia Núi Chúa được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyền thế giới và Nghệ thuật làm gốm của người Chăm được UNESCO ghi danh vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp là kết quả xứng đáng sau nhiều năm Ninh Thuận kiên trì nỗ lực trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị của các di sản văn hóa và đa dạng sinh học, tạo dấu ấn giúp bức tranh văn hóa- du lịch của Ninh Thuận thêm sinh động, tạo sức hút mới đối với du khách nội địa và quốc tế trong thời gian tới.
Dịch COVID-19 được kiểm soát, các hoạt động trong lĩnh vực du lịch được khôi phục, nhiều chương trình kết nối cung cầu, giao thương được tổ chức, hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân và DN dần phục hồi... đã tác động tích cực đến thị trường hàng hóa trên địa bàn tỉnh. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt 32.000 tỷ đồng, tăng 32,4% so cùng kỳ.
Ngư dân Cà Ná (Thuận Nam) khai thác hải sản được sản lượng cao.
Với vai trò là bệ đỡ của nền kinh tế, năm 2022, ngành Nông nghiệp tiếp tục “gặt hái” nhiều thắng lợi với giá trị sản xuất toàn ngành đạt gần 13.000 tỷ đồng, tăng 4,52% so với cùng kỳ. Thuận lợi về thời tiết, chủ động nguồn nước và đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi cây trồng hiệu quả đã giúp sản xuất nông nghiệp tăng cả về quy mô, năng suất và giá tiêu thụ, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho nông dân. Thế mạnh về kinh tế biển tiếp tục được phát huy và có đóng góp xứng đáng cho nền kinh tế với tỷ trọng đóng góp vào GRDP đạt 40,71%. Sản lượng khai thác hải sản vượt kế hoạch đề ra. Sản xuất tôm giống tiếp tục duy trì thị trường tiêu thụ và tăng trưởng. Tiếp tục tận dụng các cơ hội từ hiệp định EVFTA, xuất khẩu thủy sản đạt mức cao kỷ lục từ trước đến nay với giá trị 85 triệu USD, góp phần nâng tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu lên 130 triệu USD, tăng 15% so với cùng kỳ.
Trong năm 2022 với việc bến cảng 1A thuộc dự án Cảng biển tổng hợp Cà Ná đã hoàn thành và đưa vào khai thác thử nghiệm đã mở ra cơ hội giao thương, trung chuyển hàng hóa của vùng Nam Trung Bộ với toàn bộ khu vực ASEAN. Bến cảng 1B và các dự án trọng điểm, động lực khác như: Đường đôi phía Nam vào thành phố Phan Rang - Tháp Chàm; tuyến đường nối từ thị trấn Tân Sơn, huyện Ninh Sơn đi ngã tư Tà Năng, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng; tuyến đường Văn Lâm - Sơn Hải; Dự án môi trường bền vững Tp. Phan Rang - Tháp Chàm, Dự án đầu tư hạ tầng các khu cụm CN và vùng kinh tế động lực phía Nam... cũng đang được tập trung đẩy tiến độ, tạo đà cho sự phát triển.
Anh Tuấn
---------------------------------------
(mời xem tiếp kỳ sau)
(Bài 2: Nhiều rào cản,
khó khăn cần được tháo gỡ)