Mèo và ý nghĩa biểu tượng trong văn hóa các nước

Từ xa xưa, mèo đã luôn gắn bó và gần gũi với cuộc sống con người. Hình tượng mèo xuất hiện trong các loại hình văn hóa nghệ thuật truyền thống và hiện đại. Sức dẻo dai, sự nhanh nhẹn, tinh khôn, tiếng kêu, đôi mắt, bộ ria và cả đuôi mèo... đã trở thành chất liệu làm nên nhiều câu thành ngữ, tục ngữ thâm thúy, thực sự là tinh hoa nghệ thuật và cách đối nhân xử thế. Ngoài ra, mèo còn là đối tượng trung tâm của nhiều truyền thuyết, huyền thoại, được tạo dựng và tồn tại sâu đậm trong tâm trí con người qua hàng ngàn năm.

Suốt hơn 3.000 năm qua, kể từ khi lần đầu tiên được người Ai Cập cổ đại tôn sùng là con vật thiêng, mèo đã chiếm vị trí quan trọng trong nền văn hóa của nhiều nước trên thế giới. Điều đó có lẽ do mèo là sinh vật còn nhiều bí ẩn.

Vào thời hoàng kim của nền văn minh Ai Cập, cách đây hơn 3000 năm, mèo là loài gia súc phổ biến và đã xuất hiện trong nhiều tác phẩm hội họa ở lăng mộ Ai Cập. Dần dần, mèo đã trở thành một trong những vật nuôi linh thiêng nhất ở Ai Cập. Người Ai Cập cổ đại tôn thờ nữ thần Bastet dưới hình thức một phụ nữ đầu mèo, đó là vị thần ban phúc và bảo hộ cho con người. Ở đây, con mèo biểu tượng cho sức mạnh và sự khéo léo, giúp loài người chiến thắng những kẻ thù ẩn nấp.

Mèo được coi là con vật linh thiêng ở Ai Cập.

Không chỉ Ai Cập cổ đại, nhiều nước trên thế giới như: Trung Quốc, Nhật Bản, Campuchia, Iran... cũng coi mèo là loài vật may mắn, mang lại điều lành cho con người.

Ở nước Nga, mèo chiếm một vị trí nổi bật trong các câu chuyện cổ tích của nước này. Tương tự ở Nhật Bản, trong các truyện thần thoại, mèo được coi là con vật có khả năng biến thành các thần linh siêu đẳng khi chúng chết. Ở đất nước này, mèo cộc đuôi được xem là biểu tượng của triển vọng và tương lai tốt đẹp. Mèo cũng thường xuất hiện trong hội họa truyền thống của Nhật Bản. Lịch sử nghệ thuật thế giới ghi nhận họa sĩ Nhật Bản Fujita là người chuyên vẽ về mèo xuất sắc nhất: ông vẽ mèo ở đủ trạng thái và luôn tìm được những hình dạng của mèo. Còn với các em nhỏ Nhật Bản và trên khắp thế giới, chắc hẳn không ai là không biết đến hình ảnh chú mèo máy thông minh Doraemon đến từ tương lai, và cô mèo xinh xắn Hello Kitty rất được các bé gái yêu thích.

Còn ở Ấn Độ, người ta tìm thấy tượng những con mèo biểu thị cho phúc lạc của thế giới động vật.

Tại Trung Quốc cổ đại, mèo được thay bằng con thỏ và được xem như một con vật báo điều lành và dân chúng bắt chước điệu bộ của nó trong các điệu múa và võ thuật.

Tại Campuchia, ngày nay người dân nước này vẫn duy trì tục lệ nhốt mèo vào lồng rồi vừa đi từ nhà này sang nhà khác vừa ca hát để cầu mưa. Mỗi người tưới nước vào mèo cho nó kêu với niềm tin tiếng kêu của nó sẽ làm động lòng thần Indra-vị thần quản lý nước, khiến thần phải cho mưa xuống, dập tắt hạn hán cõi trần.

Người Hồi giáo thì rất quý chuộng mèo và coi mèo đen là con vật đặc biệt. Ở Iran, ai hành hạ mèo đen thì có nguy cơ bị thánh thần trừng phạt... Trong khi tại xứ Gan (Galles), vào thế kỷ X, luật pháp quy định nếu ai ăn cắp hoặc giết một con mèo của người khác thì phải bồi thường một con cừu kèm theo một chú cừu con nữa.

Còn đối với dân da đỏ Pawnees ở Bắc Mỹ, mèo rừng là biểu tượng của sự khôn khéo, tài tình, là kẻ quan sát thông minh, bình tĩnh và bao giờ cũng đạt được mong muốn, cho nên mèo được coi là con vật linh thiêng, chỉ được giết nó vì mục đích tôn giáo và theo nghi thức nhất định.

Ở châu Phi, mèo tượng trưng cho sự tài giỏi, có khả năng thấu thị, giống như những nhà tiên tri…

Có thể thấy, dù trong thời đại nào thì hình tượng con mèo cũng có ý nghĩa vô cùng thân thiết với con người. Nó hiện diện trong đời sống con người như một người bạn để bảo vệ thành quả lao động và cả những tình cảm, những biến chuyển trong cuộc sống. Đặc biệt, người bình dân còn thi vị hóa mèo, dùng hình ảnh của chúng vừa để răn dạy người đời, vừa để phê phán những thói hư tật xấu của con người.

Theo TTXVN