Cùng với nông dân trong tỉnh, sáng ngày 3/1, nông dân Tp. Phan Rang - Tháp Chàm đồng loạt ra quân sản xuất đầu năm mới. Trên những thửa rau xanh mướt phường Văn Hải, Tấn Tài, không khí lao động hết sức nhộn nhịp, bà con khẩn trương làm đất gieo trồng, chăm sóc cây trồng vụ đông - xuân. Chị Lê Thị Phương ở khu phố 8, phường Tấn Tài, chia sẻ: Sau những ngày nghỉ tết Dương lịch, tôi tranh thủ ra đồng chăm sóc sào rau cải hơn 20 ngày tuổi. Dự kiến đúng dịp tết Nguyên đán sẽ thu hoạch, nếu giá rau giữ ổn định như hiện nay thì gia đình tôi có cái Tết đầm ấm, đủ đầy hơn. Cụ thể giá rau các loại được thương lái thu mua tại rẫy giá từ 15.000 - 20.000 đồng/kg, tăng gấp 2-3 lần so với thời điểm trước đó. Trong đó, rau é có giá 30.000 đồng/kg, rau cải các loại 25.000 - 30.000 đồng/kg. Theo số liệu thống kê, trong năm nay tổng diện tích gieo trồng toàn thành phố ước đạt 4.055,7ha, đạt 98,6% kế hoạch, tăng 3,6% so cùng kỳ. Để có vụ mùa bội thu, địa phương hướng dẫn nông dân chủ động nguồn nước tưới, phòng, chống dịch bệnh; thường xuyên tổ chức nạo vét khơi thông, hệ thống kênh mương nội đồng phục vụ sản xuất nông nghiệp. Đồng thời duy trì, nhân rộng các dự án, mô hình hiệu quả trên địa bàn thành phố. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất, nâng cao năng suất và hiệu quả trên một hécta đất canh tác, phấn đấu giá trị sản phẩm đạt 318 triệu đồng/ha.
Nông dân phường Tấn Tài (Tp. Phan Rang - Tháp Chàm) chăm sóc rau xanh. Ảnh: M.Dung
* Ngay những ngày đầu năm mới, nhiều nông dân trên địa bàn huyện Thuận Bắc khẩn trương ra đồng xuống giống cây trồng vụ đông - xuân; đồng thời, tập trung chăm sóc rau màu kịp bán trong dịp tết Nguyên đán Quý Mão 2023. Sản xuất vụ đông - xuân năm nay được dự báo có nhiều thuận lợi hơn so với mọi năm nhờ vào các hồ chứa đảm bảo được nước tưới. Qua ghi nhận tại một số vùng trồng lúa trên địa bàn huyện Thuận Bắc, nông dân cơ bản hoàn thành việc làm đất, chuẩn bị sẵn sàng nguồn giống chất lượng tốt để gieo trồng, hứa hẹn mùa vụ cho năng suất, sản lượng đạt cao. Ông Đạo Văn Huy, ở thôn Bỉnh Nghĩa, xã Bắc Sơn, cho biết: Đây là vụ chính trong năm nên tôi rất chú trọng đến khâu làm đất, vệ sinh đồng ruộng kỹ lưỡng. Hiện tại, 4 sào lúa đã gieo xong hơn 5 ngày, tôi thường xuyên kiểm tra, nắm bắt quá trình phát triển của cây lúa để có biện pháp chăm sóc phù hợp. Hy vọng thời tiết thuận lợi từ nay đến cuối vụ, giá bán lúa ổn định, giúp bà con yên tâm sản xuất.
Nông dân xã Lợi Hải (Thuận Bắc) làm đất xuống giống vụ Đông-Xuân. Ảnh: H.Lâm
Tại những khu vực trồng rau màu, không khí lao động cũng không kém phần sôi nổi, nhộn nhịp. Chị Ta Pul Thị Sa, ở thôn Bà Râu 1, xã Lợi Hải, vui vẻ: Với hơn 1 sào đậu ván xuống giống được 2 tháng nay, gia đình đang tập trung chăm sóc để kịp thu hoạch trong dịp tết Nguyên đán, với giá đậu hiện tại dao động từ 30.000 - 35.000 đồng/kg, gia đình có điều kiện đón Tết đủ đầy hơn. Vụ đông - xuân năm nay, huyện Thuận Bắc dự kiến gieo trồng trên 3.500 ha cây trồng các loại. Để sản xuất đạt kết quả cao, UBND huyện chỉ đạo các xã chủ động phối hợp chặt chẽ với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tăng cường hướng dẫn, khuyến cáo nông dân ưu tiên lựa chọn giống ngắn ngày, có chất lượng tốt; đồng thời, thực hiện các mô hình chuyển đổi cây trồng, vận động nông dân ứng dụng khoa học - kỹ thuật để tăng cao năng suất cây trồng, đem lại mùa màng bội thu.
* Sau những ngày nghỉ tết Dương lịch 2023, nông dân các địa phương trên địa bàn huyện Ninh Phước ra quân sản xuất, với quyết tâm có một mùa vụ bội thu. Tại những cánh đồng trên địa bàn xã Phước Hậu, không khí lao động hết sức nhộn nhịp, bà con khẩn trương thu hoạch lúa vụ mùa 2022, làm đất gieo trồng, chăm sóc cây trồng vụ đông - xuân 2022-2023. Anh Thuận Quang Phúc, thôn Hiếu Lễ, chia sẻ: Vụ mùa 2022, gia đình xuống giống 1,7 ha lúa, sau những ngày nghỉ tết Dương lịch 2023 cả nhà tranh thủ ra đồng thu hoạch lúa để chuẩn bị làm đất, xuống giống vụ đông - xuân đảm bảo đúng khung lịch thời vụ, hạn chế sâu bệnh. Vụ mùa 2022 mặc dù thời tiết không thuận lợi nhưng năng suất lúa đạt 5-5,5 tạ/sào, với giá bán lúa tươi 6.300 đồng/kg, giá lúa khô 7.300 đồng/kg, sau khi trừ chi phi gia đình thu lãi khoảng 1,5 triệu đồng/sào.
Nông dân Ninh Phước ra đồng thu hoạch lúa vụ mùa 2022. Ảnh: T.Mạnh
Theo kế hoạch, vụ đông - xuân 2022-2023, huyện Ninh Phước sản xuất 9.594,6 ha; trong đó, diện tích lúa 5.430 ha, bắp 875 ha, rau màu các loại 1.363 ha, cỏ chăn nuôi 517 ha, cây lâu năm như: Nho, táo 1.215 ha. Huyện tiếp tục duy trì và nhân rộng mô hình cánh đồng sản xuất lúa, bắp, măng tây xanh với diện tích trên 2.353 ha/15 cánh đồng. Chuyển đổi, luân canh cây trồng gắn với liên kết doanh nghiệp trong tiêu thụ sản phẩm 27,7 ha. Để đảm bảo sản xuất đạt hiệu quả cao, huyện chỉ đạo phòng chuyên môn và UBND các xã, thị trấn tập trung thu hoạch lúa vụ mùa 2022; tập trung xây dựng và triển khai nhân rộng các mô hình hiệu quả, gắn với liên kết doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm cho nông dân. Phối hợp với các ngành chức năng tổ chức tập huấn, hướng dẫn quy trình kỹ thuật và hội thảo đầu bờ, nâng cao kiến thức và trình độ sản xuất cho nông dân; thực hiện việc gieo trồng đúng khung lịch thời vụ; tập trung điều tiết nước hợp lý cho từng cánh đồng, xứ đồng; chuyển đổi cây trồng, vật nuôi để tăng năng suất, tăng thu nhập cho nông dân.
* Được xem là xã có diện tích gieo trồng cây kiệu nhiều nhất toàn huyện (hơn 200 ha), ngay từ sáng sớm, các cánh đồng kiệu trên địa bàn xã Lương Sơn (Ninh Sơn) lại rộn ràng tiếng nói cười, bà con khẩn trương ra đồng thu hoạch kiệu phục vụ thị trường tết Nguyên đán 2023 trong niềm vui được mùa, được giá. Sau những ngày nghỉ, gia đình ông Trần Bình, thôn Tân Lập đang huy động nhân công thu hoạch 3 ha kiệu để bán cho thương lái trong ngày. Ông Bình cho hay, để kịp phục vụ thị trường tết Nguyên đán, vào tháng 8 Âm lịch ông đã bắt đầu xuống giống kiệu và sau khoảng 5 tháng là có thể thu hoạch. Năm nay tuy thời tiết thất thường, mưa nhiều, nhưng đa số ruộng kiệu nằm ở gò đồi có địa hình cao ráo nên không bị ảnh hưởng nhiều, năng suất cao, đạt hơn 1 tấn/sào. Kiệu tết cũng được giá, thu mua tại ruộng dao động từ 40.000 - 45.000 đồng/kg, tùy theo chất lượng giống kiệu, trừ chi phí bà con có thể lãi hơn 100 triệu đồng/ha, được mùa, được giá nên bà con ai cũng vui mừng, phấn khởi thu hoạch. Là “thủ phủ” của nghề trồng mía với diện tích hơn 1.000 ha, tại cánh đồng mía xã Quảng Sơn, các nông hộ cũng đang tất bật thu hoạch. Ông Nguyễn Hòa Hiệp, thôn La Vang, cho biết: Trước nghỉ tết Dương lịch gia đình tôi thu hoạch được 2 ha mía, nay còn 3 ha tranh thủ thu hoạch dứt điểm. Vụ này mía đạt năng suất gần 80 tấn/ha, với giá thu mua tương đối ổn định, gia đình thu về lãi cao.
Nông dân xã Quảng Sơn (Ninh Sơn) thu hoạch mía đầu năm mới. Ảnh: Kim Thùy
* Tại huyện Ninh Hải, sau những ngày nghỉ tết Dương lịch 2023, nông dân trong huyện tranh thủ thời gian nắng ấm ra đồng sản xuất để lấy may cho cả năm, khí thế sản xuất trên các cánh đồng cũng theo đó trở nên rộn ràng, náo nhiệt. Theo quan niệm của nông dân, việc xuống đồng đầu năm là thời điểm quan trọng để thực hiện mong muốn cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, nhà nhà no đủ. Dọc các cánh đồng lúa từ xã Hộ Hải, Xuân Hải đến các cánh đồng nho ở thôn Thái An, xã Vĩnh Hải bà con nông dân đang tập trung xuống đồng làm cỏ, bón phân cho cây trồng. Anh Nguyễn Bá Kim, xã Hộ Hải phấn khởi cho hay: Vụ đông - xuân 2022-2023, gia đình tôi làm 8 sào lúa, đến thời điểm này đã lên lúa non, tranh thủ thời tiết nắng ấm tôi ra dặm lúa để đều hơn cho kịp thời vụ, phần nữa đầu năm xuống đồng sản xuất để lấy hên, cầu mong mùa vụ bội thu. Vụ đông - xuân năm nay, huyện Ninh Hải có kế hoạch gieo sạ trên 2.265 ha diện tích cây lúa; sản xuất 455 ha hành, tỏi, rau màu các loại; 392 ha nho và 45 ha táo.
Nông dân xã Hộ Hải (Ninh Hải) ra đồng dặm lúa trong ngày đầu năm mới. Ảnh: H.Nguyệt
Cùng với việc hoàn thành tiến độ gieo sạ, ngành Nông nghiệp huyện đang tăng cường kiểm tra, chỉ đạo công tác sản xuất tại các địa phương, đồng thời hướng dẫn bà con nông dân kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, giữ nước trong ruộng để bảo vệ diện tích lúa. Chủ động kiểm tra, phát hiện hư hỏng, sửa chữa các công trình hồ đập, hệ thống cống, trạm bơm tưới, tiêu trước mùa mưa bão; nạo vét kênh mương tưới, tiêu thoát nước thông dòng chảy đáp ứng kịp thời cho chống hạn và chống úng. Bên cạnh đó, thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ giải pháp cơ cấu lại ngành Nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và xây dựng nông thôn mới. Tuyên truyền nhân dân tổ chức sản xuất vụ đông - xuân 2022-2023 đảm bảo đúng tiến độ, lịch thời vụ.
* Cùng với nông dân các địa phương trong tỉnh, sau những ngày nghỉ tết Dương lịch 2023, nông dân huyện Bác Ái tranh thủ ra đồng chăm sóc các loại cây trồng phục vụ tết Nguyên đán Quý Mão 2023, đồng thời thu hoạch dứt điểm các loại cây trồng vụ mùa 2022 và đẩy nhanh tiến độ gieo trồng vụ đông - xuân 2022-2023. Trên các cánh đồng trồng kiệu và dưa hấu ở các xã: Phước Thắng, Phước Tiến, Phước Chính, Phước Đại,... chúng tôi ghi nhận không khí chăm sóc cây trồng diễn ra rất nhộn nhịp. Ông Katơr Toàn ở thôn Đá Bàn, xã Phước Tiến, cho biết: Thời điểm này trái dưa đã đạt trọng lượng từ 1,4 - 1,6 kg, khoảng ngày 20 tháng Chạp thương lái sẽ đến cắt bán Tết. Trên các cánh đồng trồng dưa bà con theo nước và chăm sóc cây trồng nhằm giúp cây dưa phát triển tốt, đạt chất lượng và năng suất cao. Tại cánh đồng trồng mì ở thôn Trà Co 1, xã Phước Tiến, không khí thu hoạch diễn ra sôi nổi. Bà Chamaléa Thị Nhị phấn khởi: Hôm nay cơ sở thu mua mì mở cửa thu mua nên gia đình tôi tranh thủ thuê công để thu hoạch 1,1 ha mì. Vụ mì này tuy thời tiết lúc chuẩn bị thu hoạch có mưa nhiều đã làm ảnh hưởng đến chất lượng củ, nhưng nhờ giá ổn định từ 2.200 - 2.300 đồng/kg nên năm nay gia đình có thu nhập ổn định để đón Tết.
Nông dân Bác Ái ra đồng chăm sóc dưa hấu chuẩn bị bán Tết. Ảnh: Kha Hân
* Tại huyện Thuận Nam, trên khắp các cánh đồng ở các xã: Nhị Hà, Phước Ninh, Phước Nam, Phước Hà... ngay sau nghỉ tết Dương lịch 2023 nông dân tập trung ra đồng để chăm sóc cây lúa. Thực hiện kế hoạch sản xuất vụ đông - xuân 2022-2023, đến nay toàn huyện Thuận Nam đã hoàn thành gieo sạ 1.750 ha lúa; trong đó, nhiều vùng xuống giống sớm. Để có mùa vụ thắng lợi, thời điểm này bà con đang tập trung cấy dặm, thường xuyên thăm đồng, kiểm tra phòng trừ sâu bệnh. Ông Kiều Văn Toản, ở thôn Văn Lâm 4, xã Phước Nam cho biết: Gia đình có 4 sào ruộng, nhờ chủ động nguồn nước và thời tiết thuận lợi nên xuống giống đợt đầu ngay khi huyện có kế hoạch sản xuất, cách đây 30 ngày.
Nông dân Thuận Nam phấn khởi ra đồng sản xuất vụ Đông-Xuân. Ảnh: N.Diệp
Những ngày trước tết Dương lịch, các thành viên trong gia đình đã tranh thủ cấy dặm để lúa phát triển đúng thời vụ. Sau những ngày nghỉ Tết, tôi ra đồng phun thuốc để cây lúa phát triển tốt và phòng trừ các loại sâu bệnh hại lúa. Cùng với chăm sóc lúa, nhiều nông hộ trên địa bàn huyện Thuận Nam tập trung trồng và chăm sóc hơn 200 ha rau màu các loại và chăm sóc hơn 300 ha cây ăn trái phục vụ tết Nguyên đán sắp tới.
* Sau kỳ nghỉ tết Dương lịch, sáng ngày 3/1, tại các Cảng cá Đông Hải (Tp. Phan Rang - Tháp Chàm), Ninh Chữ (Ninh Hải) những chuyến thuyền đầu tiên của ngư dân đã khởi hành vươn khơi, bám biển. Ông Nguyễn Văn Minh, chủ tàu cá NT00581T3, cho biết: Sau những ngày nghỉ tết Dương lịch, tinh thần bạn thuyền tương đối phấn chấn, tàu gia đình định ngày 4/1 sẽ khởi hành, nhưng thấy các chủ tàu khác háo hức ra khơi nên gia đình cũng sắp xếp, kiểm tra lại hệ thống máy móc, ngư lưới cụ và liên lạc với bạn thuyền đầy đủ tiến hành ra khơi “xông biển” sớm hơn. Theo ông Minh do đánh bắt gần bờ nên sản phẩm chủ yếu là cá nục, mỗi chuyến cũng thu hoạch 3-4 tạ, đủ trả tiền bạn thuyền và trang trãi cuộc sống những ngày giáp Tết.
Ngư dân Đông Hải chuẩn bị ngư lưới cụ chuẩn bị vươn khơi khai thác hải sản. Ảnh: T.Thịnh
Tại các xã ven biển của huyện Thuận Nam, sau tết Dương lịch, ngư dân các xã: Cà Ná, Phước Diêm, Phước Dinh cũng chủ động chuẩn bị ngư cụ, sơn sửa lại tàu thuyền để bắt đầu những chuyến đánh bắt dài ngày trong năm mới. Huyện Thuận Nam phấn đấu tổng sản lượng đánh bắt và nuôi trồng thủy sản năm 2023 đạt khoảng 81.000 tấn.
* Ngay sau kỳ nghỉ Tết Dương lịch 2023, ngày 3/1, nhiều doanh nghiệp tổ chức ra quân sản xuất đầu năm mới.
Tại Công ty Cổ phần Thực phẩm Cánh Đồng Việt không khí sản xuất ngày đầu năm sức sôi nổi. Sau nhiều nỗ lực, hoạt động sản xuất, kinh doanh của đơn vị đã hồi phục nhanh và đạt được nhiều kết quả tích cực. Năm 2022, Công ty đã bao tiêu hơn 23.000 tấn lá nha đam, đạt doanh thu hơn 200 tỷ đồng. Ngoài ra, đã phát triển hơn 25 ha vùng nguyên liệu tập trung ở các huyện: Thuận Bắc, Ninh Sơn, Ninh Hải. Việc làm, thu nhập của người lao động (NLĐ) được bảo đảm, trung bình 6,5 triệu đồng/người/tháng đối với khối công nhân và 9 triệu đồng/người/tháng đối với khối gián tiếp, văn phòng quản lý. Các chế độ phúc lợi, chăm lo đời sống cho NLĐ được quan tâm thực hiện tốt.
Công nhân Công ty Cổ phần Thực phẩm Cánh Đồng Việt chế biến nha đam. Ảnh: Uyên Thu
Ông Nguyễn Đức Thuận, Giám đốc Công ty cho biết: Với việc đô thị hóa nhanh như hiện nay dẫn đến diện tích vùng trồng nguyên liệu bị thu hẹp. Ngoài ra, nhiều tác động khác như: Giá xăng dầu, lãi suất ngân hàng biến động... ảnh hưởng không nhỏ, gây khó khăn chiến lược kinh doanh của Công ty. Nhận định những khó khăn, thử thách trước mắt, Công ty đã đề ra giải pháp, cùng với tinh thần đoàn kết, quyết tâm của cả tập thể lãnh đạo và NLĐ duy trì, phát triển ổn định hoạt động sản xuất năm 2023. Ngoài mở rộng thị trường tiêu thụ, Công ty sẽ đa dạng hóa sản phẩm với tiêu chí: Hấp dẫn, chất lượng, an toàn nhằm đáp ứng nhiều nhu cầu lựa chọn của người tiêu dùng.
* Tại Công ty Công ty TNHH May Tiến Thuận, gần 2.000 công nhân cũng đồng loạt ra quân sản xuất đầu năm mới. Năm 2022, với chiến lược, giải pháp kinh doanh hiệu quả, cùng sự đồng lòng, quyết tâm của ban lãnh đạo và NLĐ, sản xuất, kinh doanh của đơn vị duy trì ổn định và phát triển tốt. Trong năm 2022, Công ty đã mở rộng, thành lập xí nghiệp mới và tăng thêm 5 chuyền may, nâng tổng số lên 27 chuyền may. Đơn vị gia công gần 1,4 triệu sản phẩm, đạt doanh thu trên 199 tỷ đồng, thu nhập bình quân của NLĐ đạt trên 7,7 triệu đồng/người/tháng.
Năm 2023, tập thể lãnh đạo, công nhân viên của đơn vị quyết tâm khắc phục những hạn chế, sản xuất có chất lượng, tăng năng suất mang lại hiệu quả, ứng dụng triệt để các thành quả cải tiến vào hoạt động sản xuất, rút ngắn quy trình chế tạo từ 5-10%... Phấn đấu gia công trên 1,5 triệu sản phẩm; đạt doanh thu 234 tỷ đồng; nâng cao thu nhập bình quân của NLĐ đạt trên 8,3 triệu đồng/người/tháng.
NHÓM PV - CTV