Thực hiện phương châm hành động của tỉnh “Đoàn kết, thích ứng, sáng tạo, kỷ cương, phát triển, hiệu quả”, các ngành, các cấp, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân trong tỉnh đã cùng hợp lực vượt qua trở ngại thực hiện hoàn thành nhiệm vụ, tạo sức bật cho nền kinh tế.
Nhìn lại năm 2022 để thấy trong khó khăn, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã đổi mới phương thức lãnh đạo, điều hành sát với tình hình thực tế để tạo lợi thế phát triển các nhóm, ngành trụ cột. Tỉnh đã chủ động, sáng tạo áp dụng các giải pháp tháo gỡ khó khăn, xây dựng kế hoạch phục hồi và tăng trưởng KT-XH trong bối cảnh thích ứng, an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19. Các ngành, các cấp, cộng đồng doanh nghiệp có ý chí khát vọng vươn lên, thi đua lao động, sản xuất, kinh doanh, thu được nhiều thành quả, “bức tranh” kinh tế của tỉnh nhờ đó thêm nhiều gam màu sáng. Sản xuất các ngành nông, lâm, thủy sản tiếp tục duy trì ổn định và có bước tăng trưởng; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, dịch vụ, thương mại, du lịch phục hồi tích cực, tăng trưởng cao, đóng góp lớn cho tăng trưởng nền kinh tế. Kết quả thực hiện các chỉ tiêu nhiệm vụ năm 2022 cơ bản hoàn thành, trong tổng số 18 chỉ tiêu Nghị quyết HĐND tỉnh giao, có 11 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch; tốc độ tăng trưởng GRDP 7,48%; thu ngân sách đạt 3.494 tỷ đồng, đạt 100,1% kế hoạch.
Quảng trường 16 tháng 4 (Tp.Phan Rang - Tháp Chàm). Ảnh: V.M
Dấu ấn nổi bật trong năm 2022 là những công trình, dự án trọng điểm được tỉnh chỉ đạo triển khai quyết liệt. Dự án động lực Cảng biển tổng hợp Cà Ná đưa vào khai thác thử nghiệm Bến 1A tàu 50.000 DWT bảo đảm an toàn, đã khai thác thử nghiệm với lượng hàng hóa qua cảng đạt khoảng 101.072 tấn/46 chuyến tàu và đang đẩy nhanh tiến độ Bến 1B. Tập trung đôn đốc đẩy nhanh tiến độ dự án LNG Cà Ná giai đoạn 1-1.500MW. Hiện nay Khu công nghiệp Du Long cũng đang được khởi động mới đã thu hút nhà đầu tư thứ cấp đạt kết quả; một số dự án may, dệt sợi, trung tâm logistic quy mô lớn đã hoàn thành và tiếp tục được đầu tư trong năm 2023 đã thúc đẩy ngành Công nghiệp phát triển lên tầm cao mới.
Với khát vọng vươn lên cùng với tầm nhìn chiến lược, UBND tỉnh vừa phê duyệt Đề án phát triển kinh tế trọng điểm phía Nam với mục tiêu xây dựng huyện Thuận Nam trở thành vùng kinh tế động lực, tăng trưởng xanh, trở thành khu kinh tế ven viển của cả nước, có sức lan tỏa lớn để phát triển các vùng kinh tế khác trong tỉnh. Những ngày chớm xuân, dọc theo tuyến đường ven biển từ xã Phước Dinh đến Cà Ná, diện mạo quê hương Thuận Nam có nhiều tươi mới. Hòa lẫn trong vẻ đẹp nguyên sơ giữa một bên là biển xanh, cát trắng, nắng vàng, một bên là núi đá cao, đồi cát nhấp nhô là những khu nghỉ dưỡng sinh thái đẹp, những cánh đồng điện gió, điện mặt trời trải dài. Lợi thế về biển đẹp nguyên sơ, thắng cảnh đẹp ở địa phương đã dần được khai thác, thu hút du khách trong và ngoài nước đến trải nghiệm, khám phá. Người dân Thuận Nam càng phấn khởi hơn khi thực hiện Đề án sẽ hình Khu công nghiệp Cà Ná, Cụm công nghiệp Hiếu Thiện; khu đô thị mới Cà Ná,... tạo ra diện mạo mới ở vùng đất cửa ngỏ phía Nam của tỉnh.
Tp. Phan Rang - Tháp Chàm được đầu tư ngày càng khang trang. Ảnh: V.Nỷ
Bước vào mùa xuân mới với tầm vóc mới, vùng đất cực Nam Trung Bộ đang phát triển từng ngày. Với việc tỉnh tập trung vào những giải pháp mang tính đột phá như tạo sự chuyển biến mạnh mẽ môi trường đầu tư để thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước, nhiều dự án giao thông kết nối tam giác kinh tế Khánh Hòa - Lâm Đồng - Ninh Thuận được triển khai. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đang triển khai thực hiện các dự án giao thông trọng điểm như: Đường cao tốc Bắc - Nam; đường nối thị trấn Tân Sơn (Ninh Sơn) đi ngã tư Tà Năng, huyện Đức Trọng (Lâm Đồng); đường Văn Lâm - Sơn Hải - đây là động lực rất lớn cho phát triển KT-XH của tỉnh. Mạng lưới giao thông trong tỉnh tiếp tục được mở rộng, giúp tỉnh đứng trước cơ hội bứt phá, giúp lưu thông, vận chuyển hàng hóa, phát triển du lịch để hòa mình vào dòng huyết mạch của nền kinh tế. Đầu tháng 12/2022, Dự án đường nối từ cao tốc Bắc - Nam với Quốc lộ 1 và Cảng biển tổng hợp Cà Ná được khởi công xây dựng sẽ góp phần hoàn thiện mạng lưới giao thông tại khu vực, tạo kết nối giao thông thông suốt. Khi hoàn thành, dự án cũng góp phần khai thác hiệu quả Cảng biển tổng hợp Cà Ná và Khu công nghiệp Cà Ná, tạo động lực thúc đẩy kinh tế của tỉnh phát triển.
Trong mùa xuân mới, cùng với sự phát triển đi lên của đất nước, tỉnh ta có bước chuyển mình mạnh mẽ. Đạt được kết quả là nhờ có sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, kịp thời của Tỉnh ủy; sự quyết tâm, quyết liệt, tinh thần trách nhiệm cao, linh hoạt trong chỉ đạo điều hành của UBND tỉnh, chuyển hướng ưu tiên phát triển các ngành còn dư địa phát triển để bù đắp khó khăn cho ngành Năng lượng. Trước thềm năm mới, trong không khí phấn khởi, tỉnh đề ra mục tiêu năm 2023 là tiếp tục phục hồi và giữ vững ổn định nền kinh tế; kiểm soát hiệu quả các loại dịch bệnh. Đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số, kinh tế số, xã hội số, nâng cao năng suất lao động. Tập trung xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, nhất là đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm, động lực; tập trung vào sản xuất kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng, trong đó tập trung các ngành còn dư địa cho tăng trưởng như: Công nghiệp chế biến, chế tạo, khoáng sản; dịch vụ du lịch; đầu tư; các dự án vùng kinh tế trọng điểm phía Nam,
Lại thêm một mùa xuân mới đang về, người dân trong toàn tỉnh vui mừng chứng kiến quê hương Ninh Thuận ngày càng đổi mới đi lên. Thành quả đạt được tạo niềm tin, kỳ vọng, động lực để tỉnh ta tiếp tục bứt phá vươn lên mạnh mẽ, gặt hái thêm nhiều thành tựu trong năm 2023.
Các chỉ tiêu chủ yếu trong năm 2023
- Tốc độ tăng trưởng GRDP từ 10-11%.
- GRDP bình quân đầu người đạt từ 87-88 triệu đồng/người.
- Cơ cấu kinh tế: Nông, lâm, thủy sản chiếm 28-29%, công nghiệp - xây dựng chiếm 39-40%, dịch vụ chiếm 32-33%.
- Tỷ trọng đóng góp năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào GRDP đạt 32-33%.
- Tỷ trọng đóng góp của kinh tế biển chiếm 41% GRDP.
- Tỷ trọng kinh tế số chiếm 12% GRDP.
- Thu ngân sách trên địa bàn khoảng 3.658 tỷ đồng.
- Tổng vốn đầu tư toàn xã hội khoảng 22.200 tỷ đồng.
- Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều mới giảm từ 1,5-2%.
- Có 70-71% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 4-5 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.
- Số lao động được đào tạo nghề đạt 9.500 người.
- Độ che phủ của rừng 47,23%.
- Tỷ lệ xã, phường, thị trấn vững mạnh toàn diện hằng năm đạt 70% trở lên.
- Kết nạp từ 800-850 đảng viên mới.
Anh Tùng