Kỳ họp thứ 10, HĐND tỉnh khóa XI: Sôi nổi tại phiên thảo luận

Ngày 8/12, Kỳ họp thứ 10, HĐND tỉnh khóa XI tiếp tục ngày làm việc thứ hai, chia tổ thảo luận và tập trung thảo luận tại hội trường. Các đồng chí: Phạm Văn Hậu, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Trần Minh Lực, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì phiên họp.

Tham dự phiên họp có các đồng chí: Trần Quốc Nam, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh; các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy; các đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh: Nguyễn Long Biên, Phan Tấn Cảnh, Lê Huyền; lãnh đạo Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, các sở, ban, ngành, địa phương và đại biểu HĐNĐ tỉnh.

Tại phiên thảo luận tại tổ, đã có 19 đại biểu HĐND tỉnh tham gia 42 lượt ý kiến; 8 lãnh đạo sở giải trình, trong đó, có một số vấn đề quan tâm:

Các đồng chí: Phạm Văn Hậu, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Trần Minh Lực, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì phiên họp.Ảnh: U.Thu

Trên lĩnh vực kinh tế, các đại biểu cho rằng, kết quả thực hiện nhiệm vụ KT-XH năm 2022 còn 7/18 chỉ tiêu chưa đạt, một số chỉ tiêu đạt nhưng còn thấp: tổng vốn đầu tư toàn xã hội, năng suất lao động... Ngoài ra, giải ngân vốn đầu tư công còn nhiều khó khăn, vướng mắc... UBND tỉnh cần phân tích, làm rõ hơn nữa những nguyên nhân, đặc biệt là nguyên nhân chủ quan; đẩy mạnh kết nối với các bộ, ngành Trung ương để tìm ra các giải pháp tháo gỡ khó khăn để hoàn thành chỉ tiêu này trong năm 2023.

Tỉnh cần cũng có các giải pháp đồng bộ, khai thác các tiềm năng thế mạnh, đẩy mạnh kích cầu liên kết, tổ chức các tour du lịch thu hút khách du lịch; hoàn thiện kết cấu hạ tầng du lịch, phát triển dịch vụ đáp ứng nhu cầu mua sắm của du khách. Rà soát và có biện pháp quyết liệt hơn đối với các các dự án chậm tiến độ triển khai. Cần có giải pháp xử lý nghiêm tình trạng lấn chiếm đất công trái phép....

Lãnh đạo Sở Giao thông vận tải trả lời các câu hỏi chất vấn của đại biểu. Ảnh: Văn Nỷ

Nhiều vấn đề xã hội được các đại biểu quan tâm, góp nhiều ý kiến, trong đó nổi lên là tình trạng thiếu thuốc, sinh phẩm y tế; khó khăn, hạn chế trong công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm, nhất là đối với người đồng bào dân tộc thiểu số huyện Bác Ái; giá xăng dầu tăng cao, việc sản xuất nông nghiệp không đảm bảo thu nhập cho cuộc sống, bà con phải đi làm ăn xa ở các tỉnh; tình tình tội phạm ma túy phức tạp; việc sử dụng thuốc lá điện tử trong trường học tăng lên, tai nạn giao thông đối với học sinh ngày càng tăng,... Yêu cầu UBND tỉnh có giải pháp tháo gỡ; chỉ đạo quyết liệt các cấp, các ngành chức năng thực hiện hiệu quả nhằm bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao chất lượng đời sống nhân dân...

Tại phiên thảo luận tại hội trường, các đại biểu HĐND tỉnh cũng đặt nhiều câu hỏi trên các lĩnh vực, được lãnh đạo các cấp, các ngành chức năng giải trình làm rõ.

Đại biểu Lê Công Bình, Tổ đại biểu HĐND tỉnh số 12, địa bàn huyện Thuận Nam yêu cầu phân tích rõ kịch bản tăng trưởng năm 2023.

Giải trình về vấn đề này, đồng chí Lê Kim Hoàng, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, trên cơ sở dự báo những yếu tố thuận lợi và khó khăn, UBND tỉnh đã xây dựng 2 kịch bản tăng trưởng: Tốc độ tăng GRDP khoảng 9% và 10,5%. Đối với kịch bản tăng trưởng 9%, đây là kịch bản dự báo có những khó khăn, thử thách mới; cơ chế chính sách điện năng lượng được sớm tháo gỡ, các dự án, công trình động lực của tỉnh được đẩy nhanh tiến độ; dự báo phát huy năng lực sản xuất các dự án năng lượng đã hoàn thành sẽ hòa lưới với tổng công suất 433MW3 sau khi có cơ chế giá điện. Các ngành công nghiệp chế biến, khai khoáng phát triển mạnh hơn năm 2022 nhờ ổn định năng lực sản xuất, thị trường tiêu thụ... Đối với kịch bản tăng trưởng 10,5%, đây là kịch bản phấn đấu theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020-2025 (tăng trưởng 10-11%), được xây dựng trên cơ sở kịch bản 1. Ngoài ra còn thúc đẩy nhanh tiến độ các dự án, công trình sớm đi vào hoạt động tăng thêm năng lực mới, như: các dự án sản xuất trong các khu công nghiệp Du Long, Phước Nam. Ngành du lịch, dịch vụ còn dư địa tăng trưởng. Đẩy nhanh thủ thủ tục triển khai thi công xây dựng thêm 3 dự án điện gió với tổng công suất 156 MW6 đóng góp vào tăng trưởng xây dựng.

Đại biểu Nguyễn Thanh Hải, tổ đại biểu HĐND tỉnh số 7, địa bàn Tp.Phan Rang - Tháp Chàm đặt vấn đề về phát triển ngành nông nghiệp, nhất là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, liên kết chuỗi giá trị; chuyển đổi số trong ngành nông nghiệp theo hướng thông minh.

Đại biểu Nguyễn Thanh Hải, tổ đại biểu HĐND tỉnh số 7, địa bàn Tp.Phan Rang - Tháp Chàm đặt vấn đề tại phiên thảo luận. Ảnh: U.Thu

Giải trình về vấn đề này, đồng chí Đặng Kim Cương, Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn cho biết: Thực hiện Nghị quyết của HĐND tỉnh về chính sách hỗ trợ thu hút đầu tư nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao giai đoạn 2021-2030, đến nay, tỉnh ta đã thu hút 31 dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã đi vào hoạt động. Ngoài ra, sở đã tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch phê duyệt 5 dự án trồng trọt ứng dụng công nghệ cao, với tổng kinh phí 3,1 tỷ đồng, hiện các địa phương đang tổ chức thẩm định hồ sơ, giải ngân dự án... Trong quá trình ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, liên kết chuỗi giá trị, chuyển đổi số trong ngành nông nghiệp theo hướng thông minh vẫn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, nhất là vấn đề về bao tiêu sản phẩm, giá cả biến động, doanh nghiệp thiếu vốn đầu tư, việc liên kết giữa các nhà chưa chặt chẽ... Trên cơ sở những khó khăn, nguyên nhân, hạn chế, để đạt được mục tiêu nông nghiệp tăng trưởng 4-5%; đồng thời thực hiện hiệu quả các công tác này, thời gian tới, ngành Nông nghiệp và phát triển nông thôn tiếp tục các giải pháp tập trung thu hút đầu tư các dự án đầu tư nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Trước mắt, ngành đã thẩm định, sẽ trình UBND tỉnh ban hành kế hoạch và phối hợp với Khu công nghiệp công nghệ cao Tp.Hồ Chí Minh chuyển giao, hỗ trợ 15 mô hình, dự án nông nghiệp công nghệ cao. Tập trung triển khai Kế hoạch phát triển xuất khẩu nông sản đặc thù; trình công nhận thêm 15 mã vùng trồng để truy xuất nguồn gốc phục vụ xuất khẩu.

Đồng chí Đặng Kim Cương, Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn trả lời nội dung đại biểu chất vấn. Ảnh: Văn Nỷ

Đại biểu Lê Thanh Hùng, tổ đại biểu HĐND tỉnh số 9, huyện Ninh Phước đặt vấn đề về bảm bảo an toàn thực phẩm. Đề nghị ngành Y tế quan tâm và có những giải pháp khắc phục tình trạng cơ sở không đạt an toàn vệ sinh thực phẩm, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán sắp đến. Ngoài ra, tình trạng thiếu trang thiết bị, thuốc, vật tư y tế, sinh phẩm xét nghiệm tại các cơ sở y tế ảnh hưởng đến nhu cầu khám, chữa bệnh, gây bức xúc trong nhân dân. Kiến nghị UBND tỉnh, ngành Y tế có các giải pháp tăng cường năng lực y tế cơ sở, y tế dự phòng để đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh, chăm sóc sửc khỏe nhân dân...

Tại phiên thảo luận, đồng chí Trần Quốc Nam, Chủ tịch UBND tỉnh cũng đã giải trình thêm đối với một số vấn đề quan trọng mà đại biểu HĐND, các cử tri quan tâm, những khó khăn, vướng mắc, tồn tại, hạn chế đối với sự phát triển KT-XH năm 2022. UBND tỉnh và các thành viên UBND tỉnh quyết tâm đoàn kết thống nhất trong chỉ đạo, điều hành; tuân thủ kỷ cương, hành động quyết liệt, xử lý linh hoạt, bám sát và tập trung thực hiện hiệu quả kế hoạch phát triển KT-XH năm 2023.

Đồng chí Trần Quốc Nam, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh giải trình một số nội dung quan trọng tại phiên họp. Ảnh: Văn Nỷ

Phát biểu kết luận phiên thảo luận, đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đánh giá cao tinh thần trách nhiệm, dân chủ, cởi mở, thẳng thắn, cầu thị, khách quan của đại biểu HĐND tỉnh, lãnh đạo UBND tỉnh, thủ trưởng các sở, ban, ngành. Buổi thảo luận đã diễn ra chất lượng, hiệu quả, thực chất. Qua thảo luận, HĐND tỉnh cơ bản nhất trí với các nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp chủ yếu theo báo cáo, giải trình, làm rõ của Chủ tịch UBND tỉnh và lãnh đạo các sở, ngành. HĐND tỉnh khóa XI đề nghị UBND tỉnh có trách nhiệm chỉ đạo, đôn đốc các sở, ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương triển khai thực hiện hiệu quả nhiệm vụ đề ra.

Đồng chí Phạm Văn Hậu, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu kết luận phiên thảo luận. Ảnh: U.Thu

Trong đó, chú trọng triển khai đầy đủ, kịp thời các chính sách an sinh xã hội; thực hiện đồng bộ, hiệu quả các Chương trình mục tiêu quốc gia; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; chú trọng đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động. Quản lý chặt chẽ, sử dụng hiệu quả đất đai, tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân. Tiếp tục đổi mới, nâng cao công tác chỉ đạo, điều hành của các cấp, các ngành; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính; nâng cao trách nhiệm người đứng đầu. Đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử. Tiếp tục thực hiện các giải pháp đồng bộ, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan tư pháp. Đối với những kiến nghị, đề xuất của Ban Thường trực Ủy ban MTTQVN tỉnh tại báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri, Nhân dân trong tỉnh, đồng chí Chủ tịch HĐND tỉnh đề nghị UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo giải quyết dứt điểm, triệt để, nhất là những ý kiến, kiến nghị nổi cộm, bức xúc, được cử tri, dư luận quan tâm qua đó tiếp tục nâng cao chất lượng trả lời, giải quyết ý kiến, kiến nghị cử tri. Thường trực HĐND tỉnh, các Ban HĐND tỉnh giám sát, đôn đốc việc thực hiện đảm bảo chất lượng, hiệu quả, góp phần hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh năm 2023.