Trong mức tăng 1,86% của CPI tháng 10, so với tháng trước có 9/11 nhóm có CPI tăng. Trong đó, nhóm giáo dục tăng cao nhất với 41,62%, góp phần làm CPI chung tăng 2,23 điểm phần trăm; nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0,61%; nhóm may mặc, mũ nón và giày dép tăng 0,43%; nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,43%; nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,25%; nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,25%; nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,05%; nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,03%; nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,01%. Hai nhóm còn lại có CPI giảm, gồm: Bưu chính, viễn thông giảm 0,03% và nhóm giao thông giảm 2,12% chủ yếu do giá xăng dầu bình quân tháng 10 giảm so với tháng trước.
Người tiêu dùng mua hàng tại siêu thị Coopmart Thanh Hà. Ảnh: Văn Nỷ
Nguyên nhân làm CPI tháng 10 tăng chủ yếu do giá dịch vụ giáo dục tăng 47,49% do UBND tỉnh ban hành Quyết định số 24/2022/QĐ-UBND ngày 6/5/2022 với nội dung tăng học phí từ năm học 2022-2023 đối với cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập trên địa bàn tỉnh. Mặt khác, trong tháng 10 giá nguyên liệu sản xuất và nhu cầu tiêu dùng các mặt hàng như bia chai các loại tăng 3,12%; bia lon tăng 1,07%. Bên cạnh đó, tháng 10 cũng là thời điểm giao mùa nên nhu cầu may mặc, mua sắm mũ nón và giày dép mới tăng. Một nguyên nữa là do trong tháng 10 giá thực phẩm tăng 0,44% so với tháng trước; nhu cầu sử dụng thiết bị và đồ dùng gia đình nhiều, trong khi đó chi phí đầu vào tăng, tập trung chủ yếu ở các mặt hàng như: Ổn áp điện tăng 3,24%, các loại đồ điện khác tăng 1,07%, bếp đun tăng 13,64%, xà phòng và chất tẩy rửa tăng 0,78%...
Kết quả trên đã tác động làm CPI tháng 10 tăng 7,10% so với cùng kỳ năm trước và CPI bình quân 10 tháng năm 2022 tăng 3,70% so với bình quân cùng kỳ năm trước.
Linh Giang