Ông Nguyễn Văn Hương, Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh cho biết: Trong mức tăng GRDP kể trên, khu vực I, gồm: Nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 4,53% (chiếm tỷ trọng 30,1%), đóng góp 1,4 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung; khu vực II, gồm: Công nghiệp và xây dựng tăng 2,89% (chiếm tỷ trọng 35,7%), đóng góp 0,97 điểm phần trăm; khu vực III gồm các ngành dịch vụ tăng 16,05% (chiếm tỷ trọng 29,3%), đóng góp 4,83 điểm phần trăm. Qua theo dõi cho thấy, tình hình tăng trưởng kinh tế trên địa bàn tỉnh trong 9 tháng qua là nhờ có sự phục hồi mạnh mẽ của các ngành sau thời gian ảnh hưởng dịch COVID-19. Cụ thể, từ mức tăng 3,84% của 6 tháng đầu năm đã tăng lên 6,94% của 9 tháng năm 2022. Đặc biệt, trong quý III năm 2022, hoạt động thương mại, du lịch mùa hè và dịch vụ tiếp tục phục hồi, nhu cầu tiêu dùng tăng, hàng hóa dồi dào, du lịch biển thu hút nhiều khách du lịch, khu vực dịch vụ đạt mức tăng rất cao với 33,08%. Trong đó, một số ngành có tốc độ tăng cao như: Bán buôn và bán lẻ tăng 28,21% so với cùng kỳ năm trước; vận tải kho bãi tăng 183,52%; dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 325,11%; nghệ thuật, vui chơi và giải trí tăng 59,38%.
Khách hàng giao dịch tại Agribank Ninh Thuận. Ảnh: V.Miên
Về mặt bằng giá, so với tháng trước, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trên địa bàn tỉnh tăng 0,32%. Cụ thể, trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính, có 7 nhóm có CPI tăng, trong đó: Nhóm giáo dục tăng cao nhất với 1,91%, góp phần làm CPI chung tăng 0,1 điểm phần trăm. Tiếp đến nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 1,64% góp phần làm CPI chung tăng 0,21 điểm phần trăm. Các nhóm còn lại, gồm: Thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 1,54% do chi phí sản xuất và lượng tiêu thụ tăng; nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,84%; nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,32%; nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,06%; nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,05%. Có 3 nhóm có chỉ số giá giảm là: Giao thông; bưu chính viễn thông; may mặc, mũ nón và giày dép; riêng nhóm đồ uống và thuốc lá chỉ số giá tiêu dùng không thay đổi. Kết quả trên đã tác động đưa CPI quý III năm 2022 tăng 4,24% so với cùng kỳ năm 2021. Tính chung 9 tháng CPI tăng 3,33% so với bình quân cùng kỳ năm trước.
Bám sát tinh thần chỉ đạo của trung ương và UBND tỉnh, trong 9 tháng năm 2022, các ngành, địa phương tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp để đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công. Tính đến ngày 30/9, tổng thanh toán vốn đầu tư công kế hoạch năm 2022 trên địa bàn tỉnh là 1.420 tỷ đồng, đạt 52,7% kế hoạch (2.695 tỷ đồng), trong đó riêng nguồn ngân sách địa phương giải ngân 1.349 tỷ đồng, đạt 53% kế hoạch (2.533 tỷ đồng). Tuy nhiên, do ảnh hưởng của tình hình biến động kinh tế thế giới và chủ trương hạn chế lại các dự án đầu tư năng lượng tái tạo làm giảm mạnh dòng vốn khu vực ngoài nhà nước và khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài, làm cho tổng vốn đầu tư toàn xã hội giảm. Tính chung 9 tháng, vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện theo giá hiện hành ước đạt 14.401,4 tỷ đồng, giảm 37% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: Vốn khu vực Nhà nước đạt 1.798 tỷ đồng, chiếm 12,5% tổng vốn và tăng 1,9% so với cùng kỳ năm trước; khu vực ngoài Nhà nước đạt 12.397,6 tỷ đồng, chiếm 86,1% và giảm 35,1%; khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 205,8 tỷ đồng, chiếm 1,4% và giảm 89,7%.
Người tiêu dùng chọn mua sản phẩm tại Siêu thị WinMart.
Đối với hoạt động xuất, nhập khẩu, tính chung 9 tháng năm nay, tổng kim ngạch đạt 155 triệu USD, giảm 70,3% so cùng kỳ năm trước. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 98,9 triệu USD, tăng 6,8% so với cùng kỳ năm trước và đạt 82,4% so kế hoạch (120 triệu USD). Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu, gồm: Thủy sản ước đạt 64,4 triệu USD, tăng 29,2%; hạt điều nhân ước đạt 10,9 triệu USD, giảm 53,2%; hàng hóa khác (khăn bông, thạch nha đam...) ước đạt 23,6 triệu USD, tăng 21,2%. Kim ngạch hàng hóa nhập khẩu ước đạt 56,1 triệu USD, giảm mạnh 86,9% so với cùng kỳ năm trước (do năm nay các dự án năng lượng phần lớn đã hoàn thành và đi vào hoạt động nên nhu cầu nhập khẩu máy móc thiết bị phục vụ các dự án không còn, hàng nhập khẩu phục vụ sản xuất chủ yếu là tôm đông lạnh) và đạt 28% so kế hoạch (200 triệu USD). Kết quả trên đưa cán cân thương mại 9 tháng của tỉnh đạt xuất siêu 42,8 triệu USD (cùng kỳ 2021 nhập siêu 336,8 triệu USD).
Góp phần phục hồi và tăng trưởng kinh tế của tỉnh trong 9 tháng qua còn có sự đóng góp không nhỏ từ nguồn vốn tín dụng. Đến cuối tháng 9/2022 nguồn vốn huy động trên địa bàn tỉnh đạt 20.700 tỷ đồng, tăng 11,1% (tăng 2.063 tỷ đồng) so với cuối năm 2021, đạt 99,2% kế hoạch năm 2022. Tổng dư nợ tín dụng ước đạt 36.300 tỷ đồng, tăng 8,9% (tăng 2.964 tỷ đồng) so với cuối năm 2021; đạt 94,7% kế hoạch năm. Các biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 được ngành Ngân hàng tỉnh quan tâm thực hiện. Tỷ lệ nợ xấu vẫn trong tầm kiểm soát, chỉ chiếm 0,5% so với tổng dư nợ, giảm 18,3% so với tỷ lệ nợ xấu cuối năm 2021. Tổng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh 9 tháng năm 2022 ước đạt 3.036,15 tỷ đồng, đạt 87% dự toán HĐND tỉnh giao; trong đó, thu nội địa 2.940,2 tỷ đồng, đạt 98,3% dự toán, tăng 18,7%; thu xuất nhập khẩu đạt 95,95 tỷ đổng, đạt 19,2% dự toán, giảm 88,6%.
Hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN tiếp tục phục hồi, phát triển. Tính đến ngày 15/9, có 374 DN thành lập mới với số vốn đăng ký 12.820,7 tỷ đồng, tăng 37% số DN và số vốn đăng ký tăng 5,54 lần so cùng kỳ, trong đó số DN quy mô vốn dưới 10 tỷ đồng đăng ký thành lập mới có 325 DN, chiếm 86,9%. Số lao động đăng ký trong các DN thành lập mới 5.388 lao động, tăng 3,3 lần so cùng kỳ. Bên cạnh đó còn có 109 DN quay trở lại hoạt động, tăng 43,4% so cùng kỳ (trong đó DN đã tạm ngừng năm 2021, nay quay trở lại hoạt động kinh doanh và chủ yếu ở quy mô vốn dưới 10 tỷ đồng có 104 DN, chiếm 95,4%), nâng tổng số DN đang hoạt động trên địa bàn tỉnh đến nay có trên 3.900 DN với số vốn đăng ký 92.330,3 tỷ đồng.
Với quyết tâm thực hiện đạt, vượt mục tiêu, các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội theo kế hoạch đã đề ra trong năm 2022, UBND tỉnh đề nghị các đơn vị, địa phương, nhất là những người đứng đầu, trong thời gian tới cần phát huy tinh thần đổi mới sáng tạo, quyết liệt, hiệu quả trong hành động. Thường xuyên kiểm điểm, đánh giá công tác chỉ đạo, điều hành của ngành mình, cấp mình, cũng như có kế hoạch, bố trí thời gian làm việc, đối thoại, đồng hành với các DN để tháo gỡ khó khăn, nhất là khó khăn trong giải phóng mặt bằng đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình, dự án trọng điểm nhằm tạo động lực tăng trưởng mới.
Linh Giang