Đẩy mạnh hoạt động thương mại, dịch vụ, tạo động lực tăng trưởng kinh tế

Từ đầu năm đến nay, hoạt động thương mại, du lịch và dịch vụ trên địa bàn tỉnh tiếp tục phục hồi và phát triển mạnh. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 10 tháng năm 2022 tăng 34,8%, mức tăng trưởng cao nhất trong các năm 2016-2022. Các cơ sở kinh doanh thương mại, dịch vụ, du lịch trên địa bàn tỉnh đã linh hoạt tìm hướng vượt khó để đạt mức tăng trưởng khá cao, góp phần quan trọng duy trì tốc độ phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) của tỉnh.

Theo Cục Thống kê tỉnh, tình hình hoạt động thương mại, du lịch và dịch vụ tháng 10 trên địa bàn tỉnh phát triển tương đối mạnh so với cùng kỳ năm trước. Nguồn cung hàng hóa dồi dào, giá cả nhiều loại thực phẩm, hàng hóa ổn định so với tháng trước. Tình hình dịch COVID-19 cơ bản đã được kiểm soát, nhu cầu tiêu dùng về hàng hóa và dịch vụ, du lịch của người dân tăng cao. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 2.628,1 tỷ đồng, tăng 27,1%, tính chung 10 tháng, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 26.441,1 tỷ đồng, tăng 34,8% so với cùng kỳ năm trước.

Người tiêu dùng chọn mua sản phẩm tại siêu thị Co.opmart Thanh Hà. Ảnh: Ngọc Diệp

Có được kết quả này, ngay từ đầu năm, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương triển khai đồng bộ nhiều giải pháp thúc đẩy hoạt động thương mại, du lịch và dịch vụ trên địa bàn tỉnh như: Tập trung hỗ trợ các cơ sở kinh doanh thương mại, dịch vụ duy trì chuỗi cung ứng, đáp ứng yêu cầu tiêu dùng, mua bán hàng hóa của người dân; nâng cao hiệu quả hoạt động xúc tiến thương mại, thông tin thị trường, xây dựng thương hiệu hàng hóa... Đặc biệt, tháng 4/2022, cùng cả nước, tỉnh thực hiện mở cửa trở lại nhiều hoạt động kinh doanh, du lịch, nhà hàng, khách sạn đã tạo đà tích cực cho sự phục hồi ngành thương mại, dịch vụ, du lịch. Cùng với đó, nhiều doanh nghiệp, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi... đã linh hoạt các giải pháp phù hợp để ổn định phát triển hoạt động kinh doanh; chủ động đón đầu xu hướng “bình thường mới” để khai thác, đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa, sản phẩm dịch vụ. Tình hình cung ứng ổn định, hàng hóa dồi dào, đáp ứng tốt nhu cầu của người dân, không xảy ra hiện tượng khan hàng, sốt giá... tạo đà phục hồi mạnh mẽ hoạt động thương mại, du lịch và dịch vụ trên địa bàn tỉnh.

Theo đánh giá của UBND tỉnh, để đạt chỉ tiêu tăng trưởng 10-11% theo Nghị quyết Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh và HĐND tỉnh đề ra trong năm 2022, thì quý IV năm 2022 phải đạt tốc độ tăng trưởng GRDP 20% đây là con số, mục tiêu hết sức khó khăn trong bối cảnh dư địa cho tăng trưởng từ ngành năng lượng khó khăn; Quy hoạch điện VIII chậm ban hành và sau khi Quy hoạch ban hành còn chờ cơ chế đấu giá, đấu thầu, nên các dự án mới khó có khả năng triển khai. Trên cơ sở đó, với quyết tâm phấn đấu đạt mức cao nhất chỉ tiêu đề ra, UBND tỉnh tập trung quyết liệt các giải pháp khai thác các ngành còn dư địa tăng trưởng, trong đó trọng tâm là ngành dịch vụ và du lịch. Mục tiêu phấn đấu quý IV, giá trị gia tăng 2.303 tỷ đồng, tăng 14,8%, cả năm đạt 8.123 tỷ đồng, tăng 15,53%, đóng góp tăng 5,0% GRDP của tỉnh; thu hút khoảng 200.000 lượt khách, tính chung cả năm 2,4 triệu lượt khách để thúc đẩy các ngành dịch vụ khác phát triển; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ xã hội đạt khoảng 31.718 tỷ đồng, tăng 31,1% so cùng kỳ năm 2021.

Để đạt được mục tiêu trên, trong những tháng cuối năm, UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo các sở, ngành, địa phương đẩy mạnh công tác thông tin thị trường; triển khai có hiệu quả các chính sách về kích cầu tiêu dùng nội địa, đẩy mạnh Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” và “Hàng Việt Nam chinh phục người Việt Nam”. Triển khai các giải pháp thúc đẩy xúc tiến thương mại, mở rộng, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu; mở rộng hoạt động thương mại điện tử gắn với quản lý thị trường. Tăng cường ứng dụng khoa học - công nghệ, thúc đẩy đổi mới, sáng tạo; đẩy mạnh chuyển đổi số trong các lĩnh vực, nhất là tài chính, ngân hàng, viễn thông; phát triển dịch vụ cảng. Tiếp tục triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch, tăng cường tổ chức các hoạt động thu hút khách du lịch; thực hiện hiệu quả Chương trình “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam”, phấn đấu đến cuối năm thu hút được 2,4 triệu lượt khách để thúc đẩy các ngành dịch vụ khác như giao thông vận tải, bán lẻ, tiêu dùng, dịch vụ lưu trú, ăn uống...

Khách du lịch trong và ngoài tỉnh tham quan Hang Rái (Ninh Hải). Ảnh: Phan Bình

Triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách tài khóa, tiền tệ theo Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH của Chính phủ kịp thời. Tăng cường kỷ luật tài chính, quản lý thu - chi ngân sách, chống thất thu, chuyển giá, trốn thuế, thu hồi nợ thuế, bảo đảm thu đúng, thu đủ, thu kịp thời; tổ chức bán đấu giá các cơ sở nhà đất tạo nguồn thu ngân sách. Triệt để tiết kiệm chi thường xuyên, ưu tiên cho các nhiệm vụ quan trọng, cấp bách. Tập trung vốn cho vay các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên theo chỉ đạo của Chính phủ; các lĩnh vực tỉnh có lợi thế đang đẩy mạnh thu hút đầu tư, góp phần hỗ trợ phát triển KT-XH tỉnh.

Tập trung chỉ đạo hoàn thành thủ tục để đưa bến 1A cảng tổng hợp Cà Ná vào hoạt động và khai thác có hiệu quả dịch vụ vận tải đường biển gắn với huy động tối đa lượng hàng hóa qua cảng từ các tỉnh trong khu vực Nam Trung Bộ. Tăng cường số lượng, nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải hành khách công cộng, vận tải hành khách và hàng hóa liên tỉnh đi TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam, Tây Nguyên; sớm triển khai vận hành tuyến xe buýt từ Tp. Phan Rang - Tháp Chàm đi Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh và tỉnh Bình Thuận. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý vận tải, nhằm bảo đảm an toàn giao thông, phục vụ tốt nhu cầu đi lại của người dân.